Carbone dioxide (CO2) mà các loài cây hay con người phát ra giúp loài côn trùng xác định vị trí của chúng và định vị nguồn thức ăn. Vậy khí CO2 mà chúng ta thải khi thở cho phép loài muỗi tìm ra chúng ta dù đang ở trong bóng tối hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu đã nhận dạng ở loài ruồi giấm và loài muỗi các phân tử nhạy cảm với CO2 này.
Các tế bào thần kinh bị kích hoạt bởi CO2 đã từng được phát hiện ở loài côn trùng, nhưng cơ chế cho phép các tế bào này phát hiện CO2 vẫn còn là điều bí ẩn. Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Leslie Vosshall thuộc Trường Đại học Rockefeller (Mỹ) dẫn đầu đã nhận dạng hai phân tử là các protein Gr21a và Gr63a vừa cần thiết và đủ để giúp loài ruồi giấm phát hiện CO2.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai protein tương tự ở loài muỗi Anophele (Anopheles gambiae) truyền bệnh sốt rét. Tiến sĩ Vosshall hy vọng phát hiện này sẽ giúp tìm ra một chất mới có khả năng ức chế các phân tử này nhằm đẩy lùi loài côn trùng, cho phép ngăn ngừa bệnh như bệnh sốt rét được truyền từ vết chích của một con côn trùng.