Giáo sư Nguyễn Xiển thuộc lớp người "đã có tất cả dưới chế độ cũ nhưng đã từ bỏ tất cả để theo Bác, theo Đảng làm Cách mạng" như lời lúc sinh thời Giáo sư đã bộc bạch.
Được Đảng phân công, Giáo sư là người đứng đầu Đảng Xã hội, tập hợp lực lượng trí thức tham gia cách mạng, là đại biểu QH nhiều khóa liền, trong đó nhiều năm giữ cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông là thành viên sáng lập Hội phổ biến Khoa học - Kỹ thuật, sáng lập và làm Chủ nhiệm báo Khoa học thường thức, tiền thân báo Khoa học và đời sống ngày nay, trực tiếp tham gia giảng dạy đào tạo lớp trí thức mới. Giáo sư Nguyễn Xiển là nhà hoạt động cách mạng đa ngành, đa lĩnh vực và đã để lại những dấu ấn đẹp cho các thế hệ sau, trong đó có cán bộ, nhân viên ngành khí tượng - thủy văn.
Giáo sư Nguyễn Xiển trọn đời theo Đảng, tuyệt đối tin tưởng và trung thành với lý tưởng của Đảng, chúng ta cùng đọc lại lời khuyên của Giáo sư - chắc cũng là tâm huyết của ông - đối với toàn ngành Khí tượng đăng trên Nội san Khí tượng Vật lý Địa cầu số 16 tháng 9-1959: "Chúng ta phải hết sức tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy địa phương, trong công tác khí tượng cũng như mọi sự nghiệp cách mạng khác, nghìn điều, vạn điều, điều thứ nhất vẫn là sự lãnh đạo của Đảng, mỗi đồng chí chúng ta phải thấm nhuần sâu sắc điều đó".
Giáo sư Nguyễn Xiển là nhà khoa học về khí tượng hàng đầu ở Việt Nam. Các công trình khoa học của ông hoặc do ông chủ biên là những mẫu mực về tính khoa học, tính sáng tạo và tính thực tiễn, là tài liệu cơ bản, được sử dụng lâu dài ở nhiều ngành, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, khí hậu và môi trường. Ông là một trong số không nhiều những nhà khoa học tiêu biểu được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên về những công trình khoa học đã công bố.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Giáo sư Nguyễn Xiển đã được Đảng và Nhà nước giao phụ trách ngành khí tượng và đây là lĩnh vực lâu nhất, xuyên suốt cả cuộc đời, bắt đầu từ trước cách mạng cho đến khi về hưu. Trong lĩnh vực này, Giáo sư không chỉ là người lãnh đạo mà ông còn trực tiếp tham gia mọi công việc, như một cán bộ khí tượng bình thường khác, từ quy tụ cán bộ, trực tiếp huấn luyện đào tạo, đến tìm kiếm địa điểm để xây dựng các công trình khí tượng.
Trong mọi công việc của ngành ông luôn sâu sát đến từng chi tiết cụ thể. Điều đó thể hiện ở hình ảnh vị giám đốc đi đến hầu hết các trạm quan trắc khí tượng ở miền bắc để kiểm tra, ân cần nhắc nhở khi thấy lều quan trắc còn bẩn. Không tuần nào ông không đến từng phòng ban trong cơ quan để nắm tình hình, chỉ bảo nghiêm khắc khi thấy ai đó tán chuyện hoặc ngồi làm việc không đúng tư thế. Khi có bão lũ là ông thức trắng đêm cùng các dự báo viên, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tình hình bão lũ, đề xuất kịp thời các biện pháp phòng tránh. Những lúc đó, ông vừa là người lãnh đạo vừa là một dự báo viên khí tượng giàu kinh nghiệm.
Giáo sư Nguyễn Xiển, nhà khoa học khí tượng hàng đầu ở Việt Nam, kiến trúc sư của ngành khí tượng cách mạng Việt Nam, đã để lại cho ngành khí tượng thủy văn nhiều công trình khoa học giá trị. Ông là gương sáng của một người lãnh đạo sâu sát, gương mẫu, một nhà khoa học nghiêm túc, sáng tạo luôn hướng khoa học phục vụ sản xuất và đời sống.
Tiến sĩ ĐẶNG TRẦN DUY