Nhân nuôi thành công 'khắc tinh' của sâu tơ

  •  
  • 1.275

Sâu tơ là loài gây hại nghiêm trọng nhất trên cây rau họ thập tự ở tất cả các nước. Các nhà nghiên cứu VN đã thử nghiệm nhập nội và phát triển đàn ong D.semiclausum để diệt sâu tơ ở xứ rau Đà Lạt.

Bởi Việt Nam thiếu vắng những thiên địch quan trọng nên sâu tơ – loài sâu ngoại lai càng lây lan nhanh, tàn phá các vùng trồng rau, đặc biệt là rau họ thập tự (khoảng 6.000 ha) ở Đà Lạt- Lâm Đồng.

Được sự tài trợ của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã nhập nội một số thiên địch, trong đó có 500 kén ong D. semiclausum Hellén từ cao nguyên Cameron – Malaysia về Đà Lạt để nhân nuôi.

Vì là lần đầu tiên thử nghiệm tại Việt Nam nên Chi cục BVTV Lâm Đồng phải dày công nghiên cứu trong nhiều năm. Từ 500 kén ong ban đầu các nhà khoa học đã nhân nuôi, phát triển thành hàng vạn con ong rồi phóng thích ra các vùng rau của Đà Lạt để diệt sâu.

Ong D. semiclausum có màu đen (khi trưởng thành), dài từ 5 – 5,5 mm; kén hình trụ, dài từ 4,5 – 5 mm, tròn ở 2 đầu và có màu xám nâu. Đây không phải là ong mật thông thường mà tương tự như con nhộng tằm sống ký sinh trên sâu non của sâu tơ rồi hủy hoại nó.

Ong D. semiclausum


“Do có nguồn gốc ôn đới nên ong D. semiclausum rất thích hợp với vùng sinh thái có nhiệt độ từ 20 – 250C như Đà Lạt và hiện đã tạo lập được quần thể ở các vùng rau trọng điểm như Cam Ly, Nam Hồ, Bạch Đằng, Thái Phiên… Khả năng ký sinh của ong D. semiclausum tại các vườn rau rất lớn: Sau khi giao phối, ong cái trưởng thành sẽ đẻ trứng vào sâu non; ấu trùng ong lớn lên trong cơ thể sâu tơ và sử dụng dưỡng chất bên trong sâu tơ làm thức ăn. Một ong cái có thể ký sinh, tiêu diệt từ 33 - 63 sâu tơ, một số con diệt tới 117 sâu”
– Chi cục phó Chi cục BVTV Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo muốn quần thể ong D. semiclausum phát triển ổn định, bền vững nhằm kìm hãm mật độ sâu tơ cần phải giảm phun thuốc trừ sâu bởi không dưới 65% nhộng ong bị chết khi tiếp xúc với các loại thuốc hóa học…

Kết quả điều tra trên nhóm ruộng áp dụng các biện pháp phòng trừ sinh học (hầu như không phun thuốc hóa học) cho thấy tỉ lệ ký sinh của ong D. semiclausum đạt trung bình 37,8%, nơi cao nhất là 52,5% và không ruộng nào là không phát hiện ong ký sinh.

Thế nhưng trên nhóm ruộng của nông dân, do vẫn còn sử dụng nhiều thuốc hóa học (có hộ sử dụng hỗn hợp nhiều loại và phun cả chục lần/vụ để trừ sâu tơ) nên tỉ lệ ký sinh của ong D. semiclausum chỉ đạt trung bình 9,1%, cao nhất là 22,23% và có đến 3 ruộng không phát hiện thấy ong ký sinh.

Việc phòng trừ sâu tơ bằng ong D. semiclausum có nhiều ưu thế: Nâng cao chất lượng rau thương phẩm (không có dư lượng thuốc trừ sâu), an toàn cho người sử dụng, không gây ô nhiễm môi trường trong khi chi phí đầu tư lại giảm từ 5 – 10 triệu đồng/ha/vụ so với việc phun thuốc hóa học, do đó Chi cục BVTV đã khuyến cáo áp dụng rộng rãi cho cả những huyện lân cận thành phố Đà Lạt.

Cục BVTV cũng đang lập hồ sơ để báo cáo trước Hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT đề nghị công nhận tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho công trình nghiên cứu nhân thả ong ký sinh tại Đà Lạt.

Sâu tơ (Plutella xylostella Lin) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1746 và chỉ 10 năm sau đã kháng các loại thuốc trừ sâu DDT, BHC... Hàng loạt thuốc trừ sâu mới được đưa vào sử dụng nhưng không “chạy đua” nổi với khả năng kháng thuốc thần tốc của sâu tơ. Đến năm 1974, các nhà khoa học đã khuyến cáo nếu chỉ sử dụng thuốc hóa học, khoảng 60% nông dân trên thế giới không thể kiểm soát dịch hại sâu tơ.

Kim Anh (Theo Tiền Phong Online)
  • 1.275