Đường băng chuyền chở hàng vận hành tự động cả ngày sẽ giảm đáng kể lượng khí thải và giải quyết nhu cầu tăng vọt đối với dịch vụ vận chuyển.
(Video: IFL Science).
Sáu thập kỷ sau khi tàu viên đạn đầu tiên chở khách giữa Tokyo và Osaka, nhà chức trách Nhật Bản đang lên kế hoạch tương tự để chở hàng thông qua xây dựng "đường băng chuyền". Hành lang vận chuyển hàng hóa tự động nối liền thủ đô Tokyo với Osaka (515 km) là một phần trong giải pháp đáp ứng nhu cầu tăng vọt đối với dịch vụ vận chuyển ở nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới, theo Guardian. Các nhà hoạch định cũng hy vọng con đường sẽ giảm bớt áp lực đối với tài xế vận chuyển trong tình trạng thiếu hụt lao động kinh niên ảnh hưởng tới mọi thứ từ dịch vụ ăn uống và bán lẻ tới vận chuyển hàng hóa và giao thông công cộng.
Con đường mới sẽ giảm bớt khí thải chứa carbon, theo Yuri Endo, quan chức ở bộ giao thông phụ trách dự án. "Chúng ta cần đổi mới cách tiếp cận đường sá", Endo chia sẻ. "Ý tưởng chủ chốt của đường tự động là tạo ra không gian bên trong mạng lưới đường cho vận tải hàng hóa, tận dụng hệ thống vận chuyển không người lái 24 giờ".
Một video đồ họa do chính phủ Nhật Bản chia sẻ cho thấy những container lớn trên kệ kê hàng, mỗi container có thể chở trọng lượng một tấn, di chuyển sát nhau dọc theo đường băng chuyền tự động ở giữa cao tốc, trong khi các phương tiện chạy theo chiều đối diện ở cả hai bên. Xe nâng tự động sẽ chất hàng hóa lên container nằm trong mạng lưới nối giữa sân bay, đường sắt và cảng biển. Các thử nghiệm sẽ bắt đầu vào năm 2027 hoặc đầu năm 2028, con đường sẽ đi vào hoạt động đầy đủ giữa thế kỷ tới.
Mô phỏng hoạt động của đường băng chuyền.
Dù chưa có ước tính chính thức, đường băng chuyền giữa Tokyo và Osaka sẽ có chi phí 23,69 tỷ USD dựa trên số lượng đường hầm lớn. Nếu thành công, dự án sẽ được mở rộng để bao gồm nhiều nơi khác ở Nhật Bản. Tuy nhiên, con người vẫn cần vận chuyển hàng để giao tận nơi cho tới khi có thể sử dụng phương tiện không người lái.
Bộ giao thông Nhật Bản ước tính các đường băng chuyền vận chuyển hàng có thể thực hiện công việc của 25.000 tài xế xe tải mỗi ngày. Việc thiếu hụt tài xế xe tải phụ trách chở khoảng 90% hàng hóa của Nhật Bản sẽ tăng mạnh sau khi áp dụng luật hạn chế thời gian làm thêm giờ trong năm nay nhằm giảm số lượng tai nạn.