Nhiễm khuẩn bệnh viện là gì? Cách phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện

  •  
  • 2.184

Như môi trường bình thường bên ngoài, bệnh viện cũng là nơi con người có thể phát triển các nhiễm trùng, do mầm bệnh sẵn có hoặc lây lan từ người khác.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là gì?

Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) được định nghĩa là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh điều trị tại bệnh viện và nhiễm khuẩn này không hiện diện cũng như không nằm trong giai đoạn ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện.

Nhiễm khuẩn liên quan đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không chỉ là chỉ số chất lượng chuyên môn, mà còn là chỉ số an toàn của người bệnh, chỉ số đánh giá sự tuân thủ về thực hành của nhân viên y tế, chỉ số đánh giá hiệu lực của công tác quản lý và là một chỉ số rất nhạy cảm đối với người bệnh và xã hội.

Môi trường bệnh viện (không khí, đất, nước và nhân tố trung gian truyền bệnh) có ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Sự tương tác giữa vật chủ (bệnh nhân, nhân viên y tế...), vi sinh vật và môi trường bệnh viện có ý nghĩa quyết định đến tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Chu trình nhiễm khuẩn bệnh viện.
Chu trình nhiễm khuẩn bệnh viện. (Ảnh: Bệnh viện Quân Y 103).

Nhiễm khuẩn bệnh viện bắt nguồn từ đâu?

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện có thể phát sinh từ nhân viên y tế mang trong mình các tác nhân gây bệnh. Họ có thể có hoặc không có các biểu hiện ra bên ngoài và truyền mầm nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.

  • Do không khí trong môi trường bệnh viện bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng bệnh viện lây lan theo các giọt nhỏ hoặc các hạt bụi lơ lửng trong không khí, gần đây người ta còn chú ý tới vai trò của các các máy điều hòa nhiệt độ trong sư lây truyền vi khuẩn Legionella pneumophila gây viêm phổi.
  • Do thực hiện nhiều thủ thuật xâm lấn, do dụng cụ y tế, thực phẩm, nước bị nhiễm khuẩn.
  • Do sự lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác trong thời gian nằm viện, đôi khi do những người nhà thăm nuôi bệnh, có thể là những người đang nhiễm khuẩn, những người đang trong thời kỳ ủ bệnh hoặc là người lành mang trùng. Đây cũng là Đường truyền quan trọng của vi khuẩn trong bệnh viện từ những người bệnh bị nhiễm khuẩn hoặc những người bệnh mang nguồn vi khuẩn do có sự tăng sinh và tu tập của vi khuẩn đó trên người bệnh nhưng không có biểu hiện lâm sàng, nói một cách khác giống như người lành mang chủng vi khuẩn đa kháng sang người bệnh nhậy cảm (người suy giảm miễn dịch, người điều trị kháng sinh kéo dài, người chịu nhiều thủ thuật xâm lấn,…). Quá trình lây truyền này có thể xảy ra khi chăm sóc không được đảm bảo vô khuẩn sẽ đưa nguồn bệnh từ người bệnh này sang người bệnh khác và ngược lại. Việc phát hiện người bệnh nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện này chỉ như là tảng băng nổi, bởi thật sự chúng ta không thể phát hiện được hết những người này.
  • Con đường lây truyền nữa của các tác nhân gây bệnh chính là từ bề mặt môi trường bị nhiễm (bao gồm bề mặt nơi người bệnh nằm đều trị, bề mặt máy móc sử dụng cho người bệnh, …), và khi người nhân viên y tế đụng chạm vào mà không rửa tay, sẽ đưa nguồn vi khuẩn đến người bệnh, đây là con đường hay gặp, nhưng không phải là quan trọng nhất trong việc lây từ người bệnh này sang người bệnh khác.

Tuy nhiên, nguồn gốc của hầu hết ca nhiễm khuẩn trong bệnh viện là từ bệnh nhân mang trong mình các vi sinh vật gây bệnh. Các vi sinh vật này thường được thải vào môi trường với số lượng lớn, vượt quá mức nhiễm khuẩn tối thiểu, và lây bệnh cho người khác - những người này sẽ phát triển các nhiễm trùng bệnh viện.

Các nhân viên y tế thường xuyên rửa tay để tránh phát tán nguồn bệnh nhiễm khuẩn.
Các nhân viên y tế thường xuyên rửa tay để tránh phát tán nguồn bệnh nhiễm khuẩn. (Ảnh: KPCC).

Vi sinh vật có thể được phát tán từ nguồn tới vật chủ mới qua tiếp xúc gián tiếp, tiếp xúc trực tiếp hay qua vật trung gian truyền bệnh như côn trùng, các loài chân đốt hay ký sinh trùng. Trong đó, tuyến đường lây lan chủ yếu của nhiễm khuẩn bệnh viện là qua tiếp xúc gián tiếp. Bệnh nhân nhiễm bệnh chạm vào một vật thể, dụng cụ hay bề mặt và để lại vi khuẩn ở đây. Sau đó, bệnh nhân khác chạm vào chúng và có thể sẽ bị nhiễm.

Hai quy tắc chính để ngăn ngừa việc lây lan nhiễm khuẩn bệnh viện tại các cơ sở y tế là cô lập nguồn gây bệnh và xóa bỏ các đường phát tán bệnh. Việc cô lập nguồn bệnh không chỉ là tách riêng những bệnh nhân nhiễm bệnh, mà còn gồm các kỹ thuật khử trùng. Mọi vật tiếp xúc với bệnh nhân nên được xem là tiềm ẩn khả năng lây bệnh, cần được loại bỏ (nếu là loại dùng một lần) hoặc làm sạch, khử trùng hoặc vô trùng (nếu là loại có thể tái sử dụng).

Đối tượng nào dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện?

Trẻ sơ sinh là đối tượng có nguy cơ nhiễm cao nhất và khi đã mắc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong sẽ cao nhất do chưa hoàn chỉnh hệ thống miễn dịch. Tỷ lệ tử vong khi mắc nhiễm khuẩn bệnh viện có thể lên tới 50%.

Trong không khí luôn tồn tại vi khuẩn, nhưng chúng thường không gây bệnh. Vi khuẩn này sẽ thường trú trên cơ thể trẻ. Khi có can thiệp thủ thuật, sẽ mở đường cho vi khuẩn vào trong cơ thể gây ra nhiễm khuẩn. Trẻ mắc bệnh nặng cần can thiệp nhiều, nguy cơ nhiễm khuẩn cũng tăng lên.

Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, can thiệp thủ thuật, mổ… là đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện.
Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, can thiệp thủ thuật, mổ… là đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện.

Vi khuẩn thường trú ngụ trên cơ thể người chủ yếu là trên da, mũi, họng, bình thường các vi khuẩn này không gây bệnh. Nhưng khi có các thủ thuật can thiệp tạo ra con đường cho vi khuẩn đi vào cơ thể con người gây ra nhiễm khuẩn. Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, can thiệp thủ thuật, mổ… là đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện.

Cách phòng tránh nhiễm khuẩn bệnh viện

Một số biện pháp phòng chống nhiễm trùng khi chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện theo WHO:

  • Rửa tay
  • Dùng găng tay
  • Dùng khẩu trang, kính, mặt nạ
  • Mặc áo blouse
  • Dùng dụng cụ y tế đảm bảo vệ sinh
  • Kiểm soát môi trường bệnh viện
  • Giặt sạch và khử trùng các đồ từ vải
Cập nhật: 15/04/2020 Tổng Hợp
  • 2.184