Cây bạch quả (ginkgo biloba) vốn nổi tiếng với những tính năng chữa bệnh và đặc biết sống rất lâu được xem là loài cây cổ nhất trái đất đã xuất hiện cách đây 300 triệu năm vào thời kỳ mà loài khủng long còn tồn tại.
|
Bạch quả là loài cây cổ nhất trái đất vẫn còn ẩn chứa những bí ẩn. (Ảnh: parks.it) |
Ngày nay, các nhà khoa học lại phát hiện một điều lạ lùng mới là cây còn chứa một loài tảo ký sinh mà không có loại cây nào tiếp nhận. Loài tảo này được tìm thấy ở tất cả những cây bạch quả hiện diện trên hành tinh chúng ta.
Cây bạch quả xuất phát từ Trung Quốc và được dùng trong lãnh vực y học cổ truyền từ hàng nghìn năm nay. Trong những năm 90, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các chất trích từ cây dược thảo này giúp cải thiện các khả năng nhận thực ở bệnh nhân sa sút trí tuệ. Ngày nay, cây được dùng để điều trị chứng mất trí nhớ cũng như những căn bệnh từ trầm uất đến rối loạn tuần hoàn.
Khi nghiên cứu cây,
các nhà khoa học đã ghi nhận sự có mặt của một loài tảo cộng sinh.
Các nhà khoa học đã phát hiện điều này vào năm 2002 khi một nhà dược lý học Pháp thuộc trường Đại học François Rabelais ở Tours ghi nhận rằng một số tế bào cây bạch quả được cấy đôi khi chuyển sang màu xanh lục.
Các phân tích sâu đã cho phép khẳng định rằng các tế bào bạch quả sống ẩn chứa những “bóng ma” tảo: đó là những khung tế bào không nhân và lục lạc. Nhưng khi các tế bào này chết đi, bóng ma sống lại và biến thành loài tảo quang hợp.
Loài tảo lạ lùng này đã được phát hiện ở tất cả các cây bạch quả được quan sát, bất kể nguồn gốc của chúng. Hiện tượng cộng sinh có mặt trong tất cả các phôi và mô sinh sản nhưng không có ở lá.
Các nhà khoa học không giải thích được hiện tượng này hoạt động như thế nào, họ cho rằng loài tảo này lệ thuộc vào cây bạch quả để sinh sống và ngược lại cung cấp cho cây những hợp chất được dùng làm thuốc chữa bệnh.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng cộng sinh này đã tồn tại từ hơn 100 triệu năm nay.
V.N