Hơn 41 năm trước đây, ngày 18-3-1965, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nhà du hành vũ trụ Liên Xô - Aleksei Leonov, thực hiện chuyến đi bộ ra ngoài vũ trụ.
Chuyến bay kéo dài 26 giờ này đã được viết đến rất nhiều, nhưng ít ai biết được rằng đó chính là chuyến bay giữa sự sống và cái chết, có thể lập nên những kỷ lục bất thường trong Sách kỷ lục Guinness.
Tàu được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonur
Chuyến bay mù
Liên Xô rất vội vàng với việc đưa người đi bộ ra ngoài vũ trụ bởi họ cảm thấy hơi nóng của Mỹ ngay sau gáy mình trong cuộc chạy đua này. Trước chuyến bay của ê-kíp Pavel Belyaev và Aleksei Leonov, Liên Xô phóng lên quỹ đạo tàu thám thính không người lái.
Trong khoảng thời gian định trước, cửa tàu được mở để đưa một chiếc âu thuyền ra khoảng không nhằm thu thập các chỉ số về độ bức xạ, áp suất, nhiệt độ... có thể ảnh hưởng đến con người. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp nhưng trên đường trở về trái đất, vì một nguyên nhân nào đó, chiếc âu thuyền đã bốc cháy và những thông tin thu thập được đều mất hết. Kết quả là 1 tháng trước khi ê-kíp Belyaev - Leonov lên vũ trụ, các chuyên gia vũ trụ Liên Xô hầu như không có thông tin quan trọng nào cho chuyến bay.
Tổng công trình sư Sergei Korolev lúc đó lưỡng lự hỏi ê-kíp bay: Tiếp tục thử nghiệm và hoãn không thời hạn kế hoạch hay chờ đợi từ 6-8 tháng để xây dựng con tàu khác với mục đích thám thính như trên, rồi sau đó mới đưa người lên vũ trụ? Cả hai nhà du hành đều biết Korolev chờ đợi họ trả lời như thế nào khi người Mỹ trên thực tế hầu như đã có thể thực hiện được việc này. Ê-kíp bay trả lời rất đơn giản: "Chúng tôi đang có phong độ tuyệt vời, tâm lý đã sẵn sàng. Chúng ta cần phải bay".
Trước đó, trong quá trình tập luyện, phía Liên Xô còn dự liệu cả tình huống khi nhà du hành bước ra khoảng không sẽ bị ngất, lúc ấy người trong tàu phải nhanh chóng kéo họ vào. Korolev rất lo lắng, trước chuyến bay ông yêu cầu Leonov: "Cậu ra ngoài đó thì đừng có bò ra xa, chỉ cần vẫy tay chào rồi vào ngay. Chúng ta chỉ cần biết con người có thể làm việc ngoài khoảng không vũ trụ hay không".
Rắc rối bộ đồ bay
Ngay sau khi xuất phát đã bắt đầu có những trục trặc: Thay vì lên quỹ đạo ở độ cao 300 km theo dự tính thì con tàu lên đến độ cao 500 km, và điều gì đến đã đến. Lo sợ bộ quần áo bay sẽ biến dạng, nên trước khi bước ra khỏi âu thuyền, Leonov đã cẩn thận thắt chặt các dây đai quanh nó. Sau đó nhà du hành vũ trụ bước ra ngoài khoảng không và găng tay, giày, bộ quần áo bay bắt đầu phồng lên. Sau khi ở ngoài 50 phút, Leonov nhận lệnh phải quay vào âu thuyền. Nhưng quả là khủng khiếp khi Leonov hiểu rằng anh không thể đi vào âu thuyền được.
Leonov khi bước ra ngoài khoảng không vũ trụ
Theo kế hoạch, Leonov phải đưa chân vào âu thuyền trước, nhưng bộ quần áo bay phình to khiến anh không thể thực hiện điều này. Cảm thấy có điều gì không lành, chỉ huy con tàu Belyaev hỏi có chuyện gì xảy ra. Leonov bình thản trả lời: "Tôi không thể chui vào vì bộ quần áo phình to". Và sau đó vài phút, anh đề nghị chỉ huy: "Pasha, điều này thật nghiêm trọng, tôi thử chui đầu vào trước nhé"...
Lượng ôxy mang theo lúc đó chỉ còn đủ dùng 30 phút và chỉ còn 5 phút nữa là bay vào vùng tối, Leonov quyết định không xin lệnh từ mặt đất mà tự mình ứng dụng bài học "đưa người ngất từ trạng thái không trọng lượng vào tàu". Nhà du hành sử dụng chế độ giảm áp suất khẩn cấp của bộ đồ bay và ngay lập tức bộ quần áo, găng tay, giày xẹp xuống, Leonov chui được vào âu thuyền.
Sự cố áp suất
Pavel Belyaev (phải) và Aleksei Leonov trước chuyến bay |
Những tưởng điều tồi tệ đã ở phía sau, các nhà du hành chuẩn bị hạ cánh, nhưng một lần nữa sinh mệnh của họ lại như ngàn cân treo sợi tóc. Đột nhiên áp suất không khí trong khoang tàu tăng đột ngột: 160, 180... 220. Cả ê-kíp làm mọi cách để khắc phục tình thế như hạ độ ẩm, giảm nhiệt độ, nhưng áp suất tiếp tục tăng đến vạch 460 ml trên áp kế thủy ngân, đồng nghĩa với việc toàn bộ không khí trong tàu như một khối ga, chỉ cần một xúc tác nhỏ là con tàu sẽ nổ ngay. Bởi chỉ cần ở mức 360 ml thì điều này đã xảy ra. Trước chuyến bay lịch sử của Yuri Gagarin, do áp suất tăng mà buồng khí áp con tàu của nhà du hành Valentin Bondarenko đã nổ. Sau đó vào tháng 1/1967, điều tương tự xảy ra trong cabin tàu Apollo 1 của Mỹ làm 3 nhà du hành Griss, White và Chaffee chết.
Khi áp suất tăng, cả Leonov và Belyaev đều nghĩ rằng thế là hết. Thế nhưng áp suất lại từ từ hạ xuống. Tưởng như đó là điều không thể giải thích được. Sự thực là trong thời gian Leonov bước ra khoảng không, con tàu hoạt động ở tư thế tĩnh học, vì thế bên mạn tàu quay về phía mặt trời nóng lên 160 độ, còn bên quay về phía bóng tối nhiệt độ lại là âm 140 độ. Chính vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn này mà diễn ra sự thay đổi áp suất nêu trên. Tuy vậy đây cũng chưa phải là rủi ro cuối cùng. Khi đã chuẩn bị hạ cánh, bộ định vị tự động bị hỏng khiến ê-kíp đã phải chuyển sang chế độ định vị bằng tay và sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử ngành vũ trụ, họ phải dùng tay để điều khiển thiết bị khi hạ cánh. Kết quả là khoang tàu đã đáp xuống địa điểm không định trước: rừng taiga.
Mệnh lệnh bí mật
Vài tuần trước khi lên vũ trụ, Korolev muốn có cuộc gặp riêng với Belyaev và Leonov. Trước tiên ông gặp người chỉ huy ê-kíp Belyaev và hỏi: Đội bay liệu đã sẵn sàng để hoàn thành nhiệm vụ? Belyaev trả lời: Mọi chuyện diễn ra bình thường, ê-kíp và chỉ huy đã sẵn sàng. "Được, giờ tôi kiểm tra - Korolev nói - Dường như mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Hiện chúng ta được 0,7 điểm, nếu chuẩn bị thêm nửa năm nữa thì sẽ được 0,8 điểm. Nhưng sau một tuần nữa người Mỹ sẽ thực hiện chuyến bay như ta. Cậu tự biết là ai lên đầu tiên sẽ quan trọng như thế nào. Giờ thì tôi kiểm tra sự chuẩn bị của cậu. Cậu sẽ làm gì nếu như Leonov không quay vào được âu thuyền?".
Belyaev nói: "Chúng tôi đã tập tình huống này trên máy bay Tu-104 ở tình trạng không trọng lượng. Nếu anh ta không vào được thì tôi sẽ kéo anh ấy vào". Korolev hỏi tiếp: "Nhưng nếu như anh không thực hiện được điều này, thì anh có can đảm tách âu thuyền và Leonov ra khỏi con tàu"? Belyaev im lặng hồi lâu rồi nói: "Tôi tin vào mình. Điều này sẽ không thể xảy ra".
Giờ thì đến lượt Korolev trầm ngâm và vài phút sau ông nói: "Tôi hỏi về sự chuẩn bị của anh. Quả là không uổng công...". Belyaev lúc ấy mới nói khẽ: "Nếu yêu cầu, tôi có thể thực hiện điều này". “Cảm ơn" - Korolev bình thản trả lời.
Cuộc nói chuyện này được bác sĩ tâm lý của trung tâm đào tạo vũ trụ Bogdasevsky chứng kiến. Và nó đã gây nên những ý kiến tranh luận nhiều chiều. Có không ít người cho đó là điều không xác thực, nhưng về logic thì đây cũng là chuyện hết sức bình thường. Ở vị trí tổng công trình sư, Korolev cần phải tính đến nhiều tình huống, kể cả những tình huống xấu nhất để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Có thể Leonov đau đớn khi biết rằng mình có thể bị bỏ rơi ngoài khoảng không vũ trụ. Nhưng giữa việc một nhà du hành hy sinh để cứu cả một con tàu hay cả ê-kíp và con tàu đều không cứu được, thì rõ ràng giải pháp thứ nhất là hợp lý hơn. Bởi vào thời gian đó, sự thành công hay thất bại của chuyến bay là thước đo uy tín, là danh dự của Liên Xô hay kể cả với Mỹ trên trường quốc tế. Rất may là dù có những trục trặc chết người, nhưng ê-kíp Pavel Belyaev - Aleksei Leonov đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lịch sử nhân loại đã ghi danh họ, những người đầu tiên của trái đất thực hiện chuyến đi bộ ra ngoài khoảng không vũ trụ.
Hoàng Hoài Sơn - (Ảnh: Wikipedia, Itogi, AIF)