Các nhà khảo cổ vừa khai quật được rất nhiều bia đá khổng lồ khắc chữ “Meroitic” tại “thành phố của người chết” ở Sudan.
Meroitic chính là ngôn ngữ viết lâu đời nhất tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara mà hiện nay con người mới chỉ giải mã được một phần. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tìm ra nghệ thuật xây dựng đền thờ nữ thần Maat trong thần thoại Ai Cập – hiện thân của trật tự, công lý, hòa bình, và được khắc họa bởi phong cách châu Phi rất “đặc trưng”.
Bia đá Ataqeloula, được phát hiện tại nghĩa trang Sedeinga vào tháng 11/2017, tưởng niệm một người phụ nữ và các thành viên trong gia đình quyền quý của xã hội Sedeinga. (Ảnh: Vincent Francigny).
Sedeinga là khu di tích nằm ở bờ Tây sông Nile trên địa phận Sudan, cách khoảng 60 dặm (gần 100km) về phía Bắc “cataract” (vùng nước chảy nhanh nhưng nông) thứ ba của sông Nile.
Theo Bách khoa toàn thư Britannica, lần đầu tiên các nhà khảo cổ nghe nói đến địa điểm này là từ những câu chuyện kể của nhiều du khách trong thế kỷ 19, khi họ đã tả lại các di tích tại đền thờ Nữ hoàng Ai Cập Tiye – chính thất của vua Amenhotep III và là một trong những vị hoàng hậu nổi tiếng nhất Ai Cập cổ đại. Triều đại Amenhotep III đã kéo dài trong giai đoạn 1390 – 1353 TCN, và đạt đến đỉnh cao của nền văn minh – cả về quyền lực chính trị lẫn thành tựu văn hoá.
Trước đó, khu vực rất giàu có này (nhờ trữ lượng vàng dồi dào) là lãnh địa của người Nubia cổ. Theo Viện Đông phương học thuộc Đại học Chicago (Mỹ), người Nubia đã từng cai trị một số vương quốc đầu tiên ở Châu Phi, thậm chí cả Ai Cập cổ đại với vai trò pharaoh.
Sedeinga vẫn thường được biết đến như một khu nghĩa trang lớn, hay “thành phố của người chết”, và trải dài trên một diện tích rộng 60 mẫu Anh (khoảng 25 ha). Ở đây vẫn đang lưu giữ những di tích của khoảng ít nhất 80 kim tự tháp (xây bằng gạch) và hơn 100 ngôi mộ – của các vương quốc Napata và Meroe, từ khoảng thế kỷ thứ 7. Cho đến thế kỷ thứ 4, những quốc gia này đã pha trộn thành công nhiều nét đặc trưng của văn hóa Ai Cập cổ với phần còn lại của Châu Phi, và thành quả chính là những gì chúng ta có thể quan sát được hôm nay ở Sudan. Có thể nói, từ ảnh hưởng của những người hàng xóm Ai Cập cổ, Napata và Meroe đã cùng nhau xây dựng nên một nền văn minh – vương quốc Kush. Ngoài ra, Meroitic – ngôn ngữ của Meroe, thực chất cũng chính là sự vay mượn của chữ viết Ai Cập cổ.
Theo nhà khảo học Vincent Francigny – người lãnh đạo dự án khai quật Sedeinga: cho đến nay, hệ thống chữ viết Meroe vẫn đang là một thách thức đối với sự hiểu biết của chúng ta. “Nếu các văn tự được sử dụng thông dụng trong tang lễ có rất ít biến thể và được giải mã gần như hoàn toàn, thì nhiều loại văn bản khác lại không rõ ràng. Tuy nhiên, tất cả đều quan trọng, vì chúng có thể làm sáng tỏ những điều gì đó mới”.
Hình ảnh khu khai quật chụp từ trên cao. (Ảnh: Vincent Francigny).
Các nhà khảo cổ cho biết hiện đã khai quật được một bộ sưu tập đồ sộ các bản khắc phục vụ tang lễ của Meroe. Theo Francigny, chúng ta có thể tìm thấy trên mỗi bản khắc toàn bộ thân thế, lai lịch, địa vị của một người, để rồi từ đó đưa ra dự đoán và xác định thêm những địa điểm mới, lẫn tìm hiểu thêm về cấu trúc chính quyền của vương quốc.
Bằng những dữ liệu thu thập được trên các bản khắc, nhóm nghiên cứu nhận định Sedeinga đã từng nằm ở vị trí án ngữ huyết mạch con đường giao thương, nhờ tránh được những khúc quanh co và vùng "cataract" sông Nile. Điều đó ám chỉ khu vực này đã từng rất trù phú và phát triển. Thêm nữa, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy nhiều mẫu sa thạch được trang trí rất đẹp, trong đó có cả những tác phẩm miêu tả nữ thần Maat mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của Nubia.
“Meroe là một vương quốc đã vay mượn khá nhiều ý niệm văn hoá, tôn giáo của người Ai Cập cổ và điều chỉnh lại để thích ứng với truyền thống địa phương”, Francigny nói. “Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ rằng Meroe chỉ biết thụ động trước những ảnh hưởng ngoại lai, mà trái lại họ đã cho thấy khả năng chọn lọc cực tốt, về những gì có thể du nhập để phục vụ cho mục đích của hoàng tộc lẫn sự phát triển xã hội theo hệ thống Pharaoh – nhưng không phải là của Ai Cập”.
Nhóm khảo cổ cũng lưu ý, rằng rất nhiều món đồ tạo tác ở Sedeinga là để dành cho các phụ nữ quý tộc. Lấy ví dụ, một tấm bia khắc đã miêu tả Lady Maliwarase – trong vai trò chị của hai thầy tu danh tiếng ở Amon, và mẹ của người cai trị Faras (thành phố lớn giáp ranh vùng nước trắng thứ hai trên sông Nile).
Bởi vì xã hội Nubia đã được duy trì trên nền tảng mẫu hệ, cho nên việc truy theo dòng dõi của người phụ nữ là “một khía cạnh quan trọng khi nghiên cứu về các hoàng tộc”, Francigny nói. Tại Meroe, một người là “candace” (tức mẹ của vua/nữ hoàng), có thể đóng vai trò đặc biệt lớn, liên quan đến nhiệm vụ thực thi quyền lực. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những phụ nữ xuất thân bình dân hay từ tầng lớp thấp hơn cũng có thể đóng vai trò trong tôn giáo hay quản lý vương quốc hay không?”
Một điểm thú vị nữa là người Meroe thường bị thu hút bởi những đồ vật mang hình dáng khác thường. “Chẳng hạn, ở khu vực gần đền thờ nơi chỉ các thầy tu mới được tiếp cận, nhiều đồ tế lễ đôi khi lại được làm từ những viên đá tự nhiên có hình thù kỳ quặc, đó có thể là các biểu tượng tôn giáo hay giống với những bộ phận trên cơ thể người”, Francigny nói. “Thậm chí những đồ vật như vậy cũng được tìm thấy ở những nơi linh thiêng nhất, như “naos” – đền thờ gần với tượng của các vị thần".
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu kỳ vọng sẽ xác định được vị trí của những ngôi mộ xây dựng từ thời Meroe còn chịu sự cai trị của Ai Cập, tức giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, điều không may là nước sông Nile tại đây lại chảy về hướng Đông và đang dần xâm lấn khu di tích khảo cổ, khiến cho nhiều công trình gần lưu vực sông đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại hoàn toàn.