Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, loài người đã tạo được những cơn mưa nhân tạo vô cùng đặc biệt...
“Nắng mưa là chuyện của trời”, đó là quan điểm không sai và không ai phủ nhận. Con người trước đây phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, ngoài việc cầu cúng các vị thần và tổ chức các buổi cầu mưa thì chúng ta gần như bất lực trước sự bất thường của ông trời.
Tuy nhiên, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, loài người đã tạo được những cơn mưa, không còn phải dựa vào niềm tin như ngày xưa nữa. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những công nghệ đã thay thế công việc của các ông “thần mưa” như thế nào qua nghiên cứu dưới đây.
Vào thập niên 50 - 60 của thế kỉ XX, chiếc máy tạo mưa đầu tiên xuất hiện trên thế giới được phát minh nhà phân tâm học người Áo - Wilhelm Reich. Nhưng cách sử dụng vẫn còn gây nhiều sự nghi ngờ cho giới khoa học, bởi ông đã sử dụng năng lượng orgone - năng lượng từ vũ trụ để chế tạo ra mưa.
Chân dung của Wilhelm Reich
Để làm được việc này, ông đã chế tạo ra một chiếc máy để thu các dòng năng lượng orgone. Máy Cloudbuster gồm những ống kim loại rỗng đặt song song, một đầu hướng lên trời để thu năng lượng, đầu còn lại được dẫn nối với các ống nhỏ hơn, dẫn tới một thùng đựng nước.
Wilhelm Reich và chiếc máy Cloudbuster của ông
Reich khẳng định, nhờ thiết bị này ông có thể tập hợp hoặc giải tán các đám mây tùy ý. Từ đó, ông có thể tạo mưa hoặc ngừng mưa, thậm chí nếu được nâng cấp và điều khiển bởi người có năng lực, nó còn có thể tạo lốc xoáy.
Bản ghi chép của Reich về sự hoạt động của chiếc máy
Nghe có vẻ vô lý nhưng nó đã mang lại một kết quả đáng ngạc nhiên. Năm 1953, người dân trồng việt quất (blueberry) ở vùng tiểu bang Maine, Hoa Kỳ đã thuê ông Reich “giải hạn” để cứu mùa vụ. Reich đồng ý và lắp đặt một chiếc máy Cloudbuster, nó hoạt động chỉ hơn một giờ và sáng hôm sau một trận mưa lớn đã đến.
Chiếc máy Cloudbuster thời xưa còn sót lại
Chiếc máy Cloudbuster được cải tiến
Thế nhưng những lần “hô mưa” của Reich vẫn bị hoài nghi là “ăn may”. Bởi cho đến nay, việc nghiên cứu và sử dụng năng lượng vũ trụ vẫn chưa phổ biến và được công nhận hoàn toàn dưới góc độ khoa học. Tuy vậy, Reich và thiết bị của ông vẫn được coi là những nỗ lực tạo mưa đầu tiên trong lịch sử loài người.
“Gieo mây” (cloud seeding) là phương pháp có thể thay đổi lượng mưa hoặc kiểu mưa tùy ý bằng cách rải vào không khí các chất hóa học đặc biệt như chất làm ngưng tụ hơi nước hoặc các hạt nhân băng để thay đổi các quá trình vật lý của hiện tượng mưa.
Phương pháp "gieo mây"
Các hóa chất được sử dụng là bạc iodua, oxit nhôm và băng khô. Ngoài ra, đối với các đám mây ấm hơn, các nhà khoa học đã nghiên cứu sử dụng muối và propan (C3H8) dạng lỏng.
Về cơ bản, các hóa chất này kích thích quá trình ngưng tụ thành giọt mưa trong không khí diễn ra một cách nhanh chóng, lượng mưa và hình thức được tạo tùy vào lượng hóa chất cần "gieo".
Các chất được sử dụng như băng khô, bạc iodua, oxit nhôm, muối...
Ý tưởng độc đáo này đã được hình thành và nghiên cứu bởi nhà khoa học Vincent Schaefer, sau đó Bernard Vonnegut đã phát triển nó, tìm ra các hóa chất thích hợp, hiệu quả hơn. Các hóa chất được “gieo” vào bầu trời nhờ máy bay hoặc bắn từ mặt đất.
Trước khi thực hiện “gieo hạt”, các yếu tố tự nhiên như hướng gió, các dòng không khí đối lưu… phải được kiểm tra kĩ càng và chính xác. Hiện nay, phương pháp này đang được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, một số nước châu Phi…
Gieo hóa chất bằng máy bay
Không chỉ được dùng để tạo mưa, tăng lượng mưa, phương pháp này còn được ứng dụng để hạn chế các trận mưa đá và tuyết dày, sương mù. Tuy sử dụng hóa chất nhưng phương pháp này không gây ảnh hưởng xấu nhiều đến môi trường.
Gieo hóa chất từ mặt đất bằng súng
Trên thực tế, phương pháp “gieo mây” đã chứng minh được tính hiệu quả của nó khi chấm dứt rất nhiều đợt hạn hán, phá tan nhiều trận mưa đá và sương mù gây trở ngại.
Gieo hóa chất từ mặt đất bằng tàu
Ít ai biết rằng, nó đã được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Mỹ đã thực hiện tổng cộng 2.600 chuyến bay và rải hơn 47.000 đơn vị iốt bạc, gây mưa liên tục trong suốt hơn 30 ngày trên đường mòn Hồ Chí Minh, làm ngập lụt cục bộ với phương châm “hóa bùn con đường, cắt mạch chiến tranh”. Hiện nay, phương pháp “gieo mây” vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu phát triển và dần phổ biến hơn.
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là một vùng đất nổi tiếng giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ. Tuy nhiên, UAE lại thuộc vùng khí hậu khắc nghiệt - nóng và khô, quanh năm mưa ít, lượng mưa chỉ đạt 110mm/năm.
Đó là lý do khiến tổng thống Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan của UAE trăn trở. Ông đã thành lập một nhóm các nhà khoa học hàng đầu quốc gia, làm việc bí mật và cật lực trong nhiều năm để giải quyết vấn đề khí hậu này.
Dàn thiết bị tạo dòng ion của UAE
Kết quả là thiết bị tạo dòng ion lớn nhất thế giới ra đời. Các thiết bị này đã được một công ty Thụy Sĩ xây dựng, nó trông giống một cái cây khổng lồ có thân vươn cao lên trời.
Nguyên lý hoạt động của thiết bị
Thiết bị này sẽ phát ra các dòng điện tích trên một vùng rộng lớn, các ion dương sẽ “chìm” xuống mặt đất trong khi các Ion âm sẽ mang theo các hạt bụi trong không khí và “bay” lên tầng trên. Các hạt vật chất bay lên sẽ ngưng tụ lại tạo thành một vùng mây lớn, dần dần tích tụ hơi ẩm và tạo mưa.
Dàn thiết bị tương tự của Australia
Hệ thống hoạt động được với điều kiện độ ẩm tương đối trong không khí tối thiểu phải đạt 30%. Hiện tại, hệ thống thiết bị này vẫn đang trong thời gian nghiên cứu hoàn thiện và hoạt động ở một số vùng trong UAE với sự hỗ trợ kinh phí khổng lồ từ các tỷ phú dầu mỏ của UAE.