Những chuyện thú vị về khả năng não người (Phần 1)

  •  
  • 3.231

Một công dân Libăng có thể nói, đọc, viết 59 thứ tiếng trên thế giới và chỉ mất một tuần để nắm vững một ngôn ngữ mới. Khi học một tiếng nước ngoài, mỗi ngày anh dành 30 phút để nghe, 30 phút học ngữ pháp và 15 phút ghi lại các âm thanh.

Không chỉ trường hợp đặc biệt nói trên mà ngay cả bộ não một người bình thường cũng có nhiều điều thú vị. Não của người trưởng thành có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh kết nối với nhau thông qua khoảng 5.000 khớp. Mỗi giây não có thể tạo ra và cắt đứt một triệu kết nối. Nó có thể lưu trữ thông tin trong hơn một thế kỷ (nếu bạn có thể sống từng ấy năm), tự động phân loại, thay thế và chỉnh sửa dữ liệu khi cần thiết.

Não có thể tái tạo môi trường xung quanh chúng ta nhờ các tế bào nhạy cảm có khả năng cảm thụ rung động, phóng xạ điện từ, hóa chất, áp suất. Các tế bào đó có khả năng quyết định thông tin cần ưu tiên hàng đầu chỉ trong một phần triệu giây. Não phối hợp hoạt động của ít nhất 640 cơ và theo dõi hoạt động sản sinh năng lượng, sinh sản cùng nhiều quá trình khác. Tuy nhiên một số bộ não tỏ ra đặc biệt hơn hẳn so với nhiều bộ não của số đông khác.

Chỉ số thông minh

Trí thông minh là một khái niệm khá trừu tượng và chẳng có gì ngạc nhiên khi nó luôn là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều nghiên cứu khẳng định trí thông minh có liên quan tới kích thước, khối lượng, thể tích của não. Sandra Witelson, một chuyên gia thần kinh tại Đại học McMaster (Canada) tìm hiểu não của 100 người quá cố từng hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra chỉ số thông minh (IQ) lúc còn sống. Bà phát hiện một số mối liên hệ tích cực giữa chỉ số IQ và thể tích não, song chúng lại thay đổi theo giới tính, tay thuận và loại bài kiểm tra.

Ví dụ mức độ thông minh ngôn từ có mối quan hệ tỷ lệ thuận với thể tích não ở đàn ông thuận tay phải, nhưng điều đó không đúng ở đàn ông thuận tay trái. Ở phụ nữ, trí thông minh không gian (khả năng bắt chước động tác hình thể, làm toán hình học) có liên quan chặt chẽ tới thể tích não, song mối tương quan đó không mạnh như trí thông minh ngôn ngữ.

Tất nhiên kích thước não không phải là điều quan trọng nhất. Não phụ nữ nhỏ hơn nhiều so với đàn ông ngay cả khi tính tới tương quan giữa não với kích thước cơ thể, nhưng chỉ số thông minh giữa nam và nữ không có khác biệt lớn. Trên thực tế, sách kỷ lục Guinness thế giới từng ghi nhận một phụ nữ tên Marilyn vos Savant là người có chỉ số IQ cao nhất thế giới trong giai đoạn 1986-1989. Kể từ đó, danh sách những người có IQ cao không được cập nhật nữa. Ngoài ra, chỉ số IQ mà Marilyn vos Savant đạt được cũng không ổn định. Nó dao động từ 186 tới 228, tùy thuộc vào loại bài kiểm tra, điều kiện môi trường xung quanh và ngày tiến hành làm bài.

Nếu kích thước không thể giải thích được trí thông minh thì hoạt động của não có thể mang đến manh mối không? Năm 2000, một nhóm chuyên gia thần kinh của Đại học Cambridge tìm ra một thứ gọi là “điểm G” của não. Đó là khu vực có mối liên hệ với trí thông minh tổng hợp – đối tượng mà các bài kiểm tra IQ hướng tới.

Sau khi sử dụng kỹ thuật chụp positron cắt lớp, nhóm nghiên cứu nhận thấy các câu đố và bài toán mà người ta dùng để đo trí thông minh tổng hợp (hoặc điểm G) dường như chỉ tác động tới vùng vỏ não bên trán chứ không kích hoạt toàn bộ não. Phát hiện này cho thấy có nhiều thứ khác quan trọng hơn kích thước não.

Trí thông minh cũng có thể liên quan tới trí nhớ hoạt động. Đôi khi chúng ta có thể tập luyện để tăng cường khả năng ghi nhớ và điều đó tốt cho trí thông minh, đặc biệt là khả năng giải quyết vấn đề mới. Tuy nhiên, biện pháp ấy chỉ có thể là đường tắt để chúng ta đạt được điểm cao hơn khi làm các bài kiểm tra IQ, chứ không thể giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về cấu trúc não.

Năm ngoái, Philip Shaw, một chuyên gia làm việc tại Viện Sức khỏe thần kinh quốc gia Mỹ tìm ra một khác biệt liên quan tới IQ trong quá trình phát triển của trẻ. Ông và cộng sự tiến hành thử nghiệm với hơn 300 trẻ em có độ tuổi từ 7 tới 18. Nhóm nghiên cứu chia lũ trẻ thành 3 nhóm theo chỉ số IQ: trung bình (dưới 108), cao (109-120) và xuất sắc (trên 120).

Khi lũ trẻ đến tuổi 18, các nhà khoa học không nhận thấy bất kỳ khác biệt nào về độ dày vỏ não. Tuy nhiên, trẻ trong nhóm IQ trung bình đạt tới độ dày cực đại ở tuổi thứ 8, sau đó độ dày giảm dần khi chúng lớn lên. So với nhóm trung bình, vỏ não của trẻ xuất sắc mỏng hơn ở tuổi thứ 7 nhưng độ dày tiếp tục tăng lên cho tới 11 hoặc 12 tuổi rồi sau đó giảm đi. Vỏ não của trẻ thuộc nhóm IQ cao cũng giống như vỏ não của nhóm xuất sắc, nhưng chúng đạt độ dày cực đại trong khoảng thời gian từ 8 tới 11 tuổi.

Khả năng học ngoại ngữ

Ziad Fazah, một người Libăng nhắc đến ở trên, có khả năng nói, đọc và viết 59 ngôn ngữ gồm 10 ngôn ngữ anh sử dụng như tiếng mẹ đẻ. Anh chỉ cần một tuần để nắm vững một ngôn ngữ mới. Cha của Ziad chào đời tại Colombia và bản thân Ziad cũng được sinh ra tại Liberia, phía tây châu Phi. Anh tới Libăng khi còn là một đứa trẻ và lớn lên gần một hải cảng, nơi anh có cơ hội gặp gỡ thủy thủ tới từ nhiều nước.

Ziad bắt đầu học tiếng Pháp và Anh tại trường. Năm lên 11 tuổi, anh ấp ủ ước mơ nói được tất cả ngôn ngữ trên hành tinh. Trong 3 năm sau đó, tuy không hề rời Libăng, anh học hơn 50 ngôn ngữ. Đôi khi Ziad học vài ngôn ngữ cùng lúc, song với mỗi thứ tiếng anh chỉ mất 3 tháng để sử dụng thành thạo. Chàng thanh niên này từng mơ ước làm việc cho Liên Hợp Quốc và được nhiều cơ quan tình báo mời làm việc, nhưng giờ đây anh quyết định theo đuổi một cuộc sống bình lặng với nghề giáo viên ngôn ngữ tại Brazil.

Bên trong não những thiên tài ngôn ngữ ẩn chứa những bí mật gì? Ziad tỏ ra chẳng có gì đặc biệt mặc dù anh nói rằng trí nhớ của anh “giống như một máy ảnh” và anh cũng dành khá nhiều thời gian cho việc học. Ziad cho rằng mọi người có thể nói được ít nhất một tiếng nước ngoài nếu bỏ ra 30 phút mỗi ngày để nghe âm thanh của một người nói thứ tiếng ấy, 30 phút nữa để học ngữ pháp và 15 phút để ghi lại các âm thanh.

Ziad chưa bao giờ tham gia vào nghiên cứu nào liên quan tới tài năng của anh. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu nhiều thiên tài ngôn ngữ khác, các nhà khoa học khẳng định việc tìm ra các yếu tố khiến người ta có khả năng học ngôn ngữ cực nhanh không hề đơn giản. Luận điểm duy nhất được nhiều nhà khoa học tán thành là: Càng tiếp xúc với ngôn ngữ sớm, người ta càng dễ tiếp thu nó.

Nếu chúng ta không thể tạo ra được ký ức về những âm thanh đặc biệt ngay trong năm đầu tiên của cuộc đời, khả năng nhận ra chúng sẽ biến mất và việc học trở nên khó khăn hơn. Việc tiếp xúc với ngữ pháp của các ngôn ngữ nước ngoài trước tuổi thứ 7 sẽ giúp bạn tiếp thu chúng tốt hơn trong giai đoạn sau của cuộc đời. Tuy nhiên, mức độ ghi nhớ từ vựng hoàn toàn phụ thuộc vào trí nhớ của chúng ta.

(Còn tiếp)

Theo VnExpress (Newscientist)
  • 3.231