Những cỗ máy thử giày khiến con người nhiễm bức xạ

  •  
  • 100

Những năm 1920 - 1950, nhiều hiệu giày tại châu Mỹ và châu Âu trang bị máy chụp X-quang trực tiếp, giúp khách hàng chọn những đôi giày vừa vặn.

Thiết bị thử giày bằng X-quang đầu thế kỷ 20 được gọi là máy thử giày huỳnh quang, gần giống thiết bị kiểm tra hành lý ở sân bay nhưng nhỏ hơn. Chúng cho thấy rõ xương thịt của bàn chân và đường viền giày, giúp khách hàng không phải đoán và có thể chọn những đôi giày vừa vặn hơn.

 Mặt trước và mặt bên của máy thử giày huỳnh quang.
Mặt trước và mặt bên của máy thử giày huỳnh quang. (Ảnh: Wikimedia).

Máy thử giày huỳnh quang gồm một ống tia X hướng lên gắn bên trong đáy hộp kim loại và màn hình huỳnh quang phía trên với ba cổng quan sát. Một khoảng hở bên cạnh hộp cho phép khách hàng đặt chân vào giữa ống và màn hình huỳnh quang. Tia X xuyên qua giày và bàn chân rồi chạm đến màn hình huỳnh quang, làm sáng màn hình với hình ảnh bàn chân khách hàng. Khách hàng, nhân viên bán giày và một người khác có thể cùng xem hình ảnh này qua ba cổng quan sát.

Cỗ máy thường được che chắn, nhưng đôi khi những tấm chắn thiết yếu này bị tháo ra để tăng chất lượng hình ảnh hoặc làm máy nhẹ hơn. Do đó, một lượng đáng kể bức xạ bị phân tán theo mọi hướng, khiến toàn bộ cơ thể của khách hàng và người bán bị bức xạ bao phủ. Một lần chụp thường kéo dài khoảng 20 giây, phát ra lượng bức xạ bằng khoảng 1/2 một lần chụp CT ngực.

Nhiều máy được bảo trì kém và phát ra lượng bức xạ ở mức có thể gây nguy hiểm. Những cỗ máy đặc biệt kém thậm chí phát ra bức xạ nhiều gấp 300 lần giới hạn cho phép. Kể cả những người ngồi trong phòng chờ cũng nhiễm bức xạ. Tình hình thậm chí còn tệ hơn vì khách hàng hiếm khi chỉ thử một đôi giày, và họ cũng quay lại nhiều lần.

Người đối mặt với rủi ro lớn nhất là nhân viên bán hàng. Họ hứng chịu lượng bức xạ phân tán ra suốt cả ngày và trong mỗi ngày đi làm. Trong một ấn bản của tạp chí The British Medical năm 1957, chuyên gia H. Kopp từ Viện Finsen tại Copenhagen miêu tả trường hợp một phụ nữ 56 tuổi chịu cơn đau dữ dội và những tổn thương da ở chân và bàn chân phải, trùng khớp với hiện tượng bỏng bức xạ.

Khi hỏi thăm, các bác sĩ phát hiện bà đã làm việc trong một hiệu giày suốt 10 năm. Bà chạy máy thử giày huỳnh quang 15 - 20 lần một ngày, thậm chí đôi khi còn tự cho bàn chân vào trong máy để chứng minh cho những đứa trẻ đang sợ hãi rằng cỗ máy không gây đau.

 Máy thử giày huỳnh quang từng được ưa chuộng trong các cửa hàng giày cao cấp.
Máy thử giày huỳnh quang từng được ưa chuộng trong các cửa hàng giày cao cấp. (Ảnh: Amusing Planet)

Máy thử giày ban đầu do bác sĩ Jacob Lowe chế tạo để chụp X-quang bàn chân của binh lính bị thương trong Thế Chiến I mà không cần tháo giày. Thiết bị giúp đẩy nhanh việc chữa trị và Lowe có thể kiểm tra cho rất nhiều bệnh nhân trong thời gian ngắn. Sau chiến tranh, ông cải tiến thiết bị để thử giày và giới thiệu nó lần đầu tại một hội nghị của nhà bán lẻ giày tại Boston vào năm 1920. 7 năm sau, ông được cấp bằng sáng chế của Mỹ cho cỗ máy.

Trong thời gian này, một cỗ máy tương tự có tên Pedoscope cũng được cấp bằng sáng chế tại Anh. Trong vòng vài năm, máy thử giày huỳnh quang và Pedoscope trở thành điểm nổi bật của những cửa hàng giày cao cấp trên khắp Anh và Bắc Mỹ. Những năm 1950, trong thời kỳ đỉnh cao, có tới 3.000 máy ở Anh, 10.000 máy ở Mỹ và 1.000 máy ở Canada.

Năm 1927, nhà khoa học Mỹ Hermann Joseph Muller công bố một nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa tỷ lệ mắc ung thư xương ở thợ sơn mặt đồng hồ radium và việc tiếp xúc lâu dài với bức xạ. Tuy nhiên, không có đủ dữ liệu để định lượng mức độ rủi ro. Sau sự kiện đánh bom Hiroshima và Nagasaki, các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu về tác động lâu dài của bức xạ.

Năm 1946, lần đầu tiên Hiệp hội Tiêu chuẩn Mỹ phát hành chỉ dẫn cho việc sản xuất máy thử giày huỳnh quang, đặt giới hạn cho lượng bức xạ mà thiết bị có thể phát ra. Các cửa hàng giày cũng lần đầu tiên được yêu cầu đặt biển cảnh báo trên máy, khuyến nghị khách hàng không chụp quá 12 lần một năm. Tuy nhiên, một nghiên cứu được tiến hành hai năm sau ở Detroit nhận thấy đa số máy vẫn phát ra lượng bức xạ nguy hiểm, gây lo ngại trên khắp nước Mỹ. Những khảo sát sau đó trên 40 bang của Mỹ phát hiện 75% máy không an toàn.

Những cảnh báo đầu tiên được đưa ra vào năm 1950 và máy thử giày huỳnh quang dần bị loại bỏ khỏi các cửa hàng. Nhưng phải đến 3 thập kỷ sau, những chiếc máy cuối cùng mới dừng hoạt động.

Cập nhật: 19/08/2024 VnExpress
  • 100