Những điều còn chưa biết về heo rừng

  •   34
  • 29.791

Lợn lòi hay còn gọi là heo rừng có tên khoa học là Sus Scrofa, là giống vật du cư sống theo bầy đàn cùng bộ lông sọc vằn màu xám nâu đặc trưng. Với tầm vóc dài đến 1,5m và nặng 300 kg, heo rừng có hệ răng nanh rất phát triển giúp chúng kiếm ăn và phòng vệ.

Heo rừng sống chủ yếu ở châu Âu, châu Á và Bắc Phi trong các cánh rừng rậm rạp ven đầm lầy. Vào mùa xuân, heo nái thường đẻ từ 10 đến 12 con. Chúng ăn cỏ, rễ cây, hoa quả, sâu bọ và những sinh vật thân mềm khác.

Heo rừng là một trong những loài động vật hoang dã bị con người săn bắn nhiều nhất. Bất cứ người thợ săn từng trải nào cũng có thể kể vô số chuyện về sự khôn ngoan, thậm chí cả về những “biệt tài” của heo rừng. Ví như tại một khoảng rừng sâu giữa Siberia thuộc Liên bang Nga, trong những đêm trăng sáng, đàn heo thường di chuyển dọc theo “bóng râm” ngả xuống từ dãy cột truyền tải điện để tránh bị phát hiện.

Vốn là giống vật du cư, chúng đi lại dọc ngang khắp “lục địa cũ”. Chỉ sau một đêm có thể di chuyển tới 30 cây số đường rừng. Nếu như có chỗ nào đó ưa thích trên đường đi, heo ta có thể “trụ” lại đấy một tháng, một năm hay nhiều năm ròng... Rồi một ngày đẹp trời nào đó nó lại “nổi hứng” đi tiếp. Bất thình lình biến mất y như khi mới xuất hiện vậy. Tóm lại heo rừng ưa tự do, hay thay đổi chỗ ở so với tất cả các giống vật vốn gắn bó với lối sống hoang dã.

Heo rừng - Sus Scrofa
(Ảnh: Hlasek.com)

Heo rừng thường không “chùn bước” trước bất kỳ vật cản nào trên đường đi, nó có thể chạy xuyên qua những nơi hiểm trở nhất khi bị săn đuổi, hoặc sẵn sàng nghênh chiến với chó săn trong tư thế “một tấc không đi, một ly không rời”. Nếu bất chợt gặp một chú heo giữa rừng sâu, xem ra đó là con vật rất hiền lành. Đầu tiên nó sẽ đứng bất động ngước nhìn bạn với ánh mắt thân thiện để tỏ tình bằng hữu, sau mới nhẹ nhàng tháo lui bằng những bước chạy ngắn cùng cái đuôi ngoe nguẩy. Hoàn toàn không có nét gì là giống vật “hiếu chiến” như nhiều người vẫn tưởng.

Dù sao bạn cũng nên cẩn trọng, ngộ nhỡ gặp một con “heo độc” vừa bị thương bởi đạn súng săn chẳng hạn, nó sẽ không ngần ngại lao vào tấn công bạn với mục đích “phục thù” đồng loại của kẻ đã sát thương nó. Nhưng điều này hiếm khi xảy ra, bởi heo rừng là một giống vật khôn ngoan, luôn đề cao tiêu chí bảo toàn tính mạng trong bối cảnh đào thải khắc nghiệt giữa muôn loài. Ngay cả những con heo rừng sống trong một khu bảo tồn ở Bắc Phi vẫn điềm nhiên băng qua đường lộ, do biết “nhìn trước ngó sau” tránh dòng xe cộ đông đúc...

Bây giờ xin đề cập tới bản tính “ưa đề phòng” và “rất đỗi thù nghịch” ở những con heo cái. Một khi đám heo con đang đứng trước nguy cơ gặp nạn thực sự, heo mẹ sẽ lao thẳng tới, sẵn sàng “xả thân” để cứu đàn con. Đó cũng chính là bản năng của nó, như nhiều loài vật khác.

Heo rừng - Sus Scrofa
(Ảnh: bigtusks.com)

Thực tế cho thấy nhiều thợ săn bất ngờ bị trọng thương sau khi vừa đoạt “chiến lợi phẩm” là chú heo con, do heo mẹ nấp đâu đó gần đấy quyết định xông ra “báo thù”. Còn nếu như bạn có diễm phúc được sở hữu một chú heo rừng nhí, bạn có thể dễ dàng thuần dưỡng nó y như với loài chó cảnh vậy. Nó sẽ trở nên dịu dàng, biết nghe lời và nhất là quyến luyến không rời bạn nửa bước.

Một thợ săn luống tuổi người Pháp ngụ gần Lyon từng sở hữu 2 con heo rừng đã thuần dưỡng cho biết, chúng luôn theo chân ngựa của ông mỗi khi đi săn, với nhiệm vụ cụ thể là truy đuổi và đem về những con mồi mà chủ nhân vừa săn được – y như với giống chó săn thực thụ vậy. Heo rừng thuần hóa thích thể hiện những cử chỉ thân thiện và mến chủ giống loài khuyển. Nhưng xin chớ quá đà! Một chú heo con nặng chừng 30 đến 40 kg cùng “thái độ sàm sỡ” là điều cực kỳ nguy hiểm.

Heo rừng còn là giống vật có sức chịu đựng phi thường. Thông thường một con heo rừng đã “dính” nhiều vết đạn vẫn có thể lết đi cả trăm mét, thậm chí nhiều cây số đường rừng. Trong nhiều trường hợp, nó còn đủ sức tiêu diệt những con chó săn được huấn luyện công phu đang ráo riết truy đuổi phía sau...

Chung quy lại heo rừng là một sinh vật đặc trưng của đời sống hoang dã, tinh khôn, láu lỉnh và can đảm. Không nhân nhượng nhưng lại rất thân thiện. Sus Scrofa đã hiện diện từ lâu trong “sách đỏ” cảnh báo về các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Hãy dừng ngay những nhu cầu quái gở về “đặc sản thịt rừng”, đồ trang sức từ xương heo rừng và cả áo lông thú sọc vằn “sành điệu” cũng vậy!

Trần Hồng

Theo Le Figaro, CAND.com.vn
  • 34
  • 29.791