Giải mã "ổ rắn cực độc" xuất hiện trên đảo Phú Quý

  •  
  • 1.377

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng và dư luận xôn xao trước thông tin một ổ rắn cực độc xuất hiện trên đảo Phú Quý, Bình Thuận. Vậy sự thật về loài rắn này là gì?

Thông tin "ổ rắn cực độc" tại đảo Phú Quý gây xôn xao cộng đồng du lịch

Như Dân trí đã đưa tin, vào ngày 10/4, một Youtuber có lượng người theo dõi lớn đã chia sẻ video với nội dung cảnh báo về "ổ rắn cực độc trên đảo Phú Quý", đồng thời Youtuber này kêu gọi mọi người cần cảnh giác khi đi du lịch đến đảo Phú Quý, một điểm du lịch tại tỉnh Bình Thuận.

"Mọi người đi đảo Phú Quý cần hết sức cẩn thận, nhất là các bạn nữ hay đi chụp ảnh ở các bãi đá, vũng nước nhỏ. Đây là nơi làm tổ của loài rắn biển, còn gọi là con đẻn, rất độc. Không những một tổ mà rất nhiều tổ, một tổ tầm 15-17 con", Youtuber này chia sẻ trong đoạn video của mình.

Những hình ảnh về "ổ rắn cực độc" khiến dân mạng xôn xao.
Những hình ảnh về "ổ rắn cực độc" khiến dân mạng xôn xao. (Ảnh chụp màn hình).

Tác giả của đoạn clip cho biết anh đã quay được video về ổ rắn độc trên Hòn Đen, một đảo nhỏ thuộc huyện đảo Phú Quý vào trưa 28/3. Người này cho biết đây là lần đầu tiên anh bắt gặp loài rắn này và khẳng định đây là loài rắn độc nhất thế giới.

Thông tin do Youtuber này chia sẻ đã lập tức "gây sốt" cộng đồng mạng. Nhiều trang Facebook, tài khoản TikTok có lượng người theo dõi lớn đã chia sẻ lại thông tin này càng khiến nhiều người hoang mang, lo lắng, đặc biệt khi Phú Quý là một điểm đến du lịch còn khá hoang sơ, phù hợp cho những người yêu thích khám phá và thiên nhiên hoang dã.

Dựa vào những hình ảnh xuất hiện trong đoạn video được chia sẻ lên mạng xã hội, có thể xác định đây là những cá thể rắn biển mép vàng, còn được gọi là đẻn cạp nong môi vàng (tên khoa học Laticauda colubrina), một loài rắn biển được tìm thấy ở các vùng biển nhiệt đới thuộc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Một cá thể rắn biển mép vàng trên bờ biển.
Một cá thể rắn biển mép vàng trên bờ biển. (Ảnh: AZAnimals).

Loài rắn này sở hữu thân hình với các sọc đen, xám hoặc trắng, một dải màu vàng kéo dọc mép và đuôi giống mái chèo, sử dụng khi bơi lội. Những cá thể rắn biển mép vàng cái lớn hơn con đực, với chiều dài tối đa có thể đạt được khoảng 1,4m. Chúng thường được bắt gặp quanh các rạn san hô, rừng ngập mặn và vùng nước cạn từ độ sâu 10m trở lên.

Giống các loài rắn biển khác, rắn biển mép vàng săn mồi dưới nước, nhưng quay trở lại đất liền để tiêu hóa thức ăn, nghỉ ngơi và sinh sản.

Phần đuôi giống mái chèo của rắn biển mép vàng.
Phần đuôi giống mái chèo của rắn biển mép vàng. (Ảnh: Getty).

Một điểm khác biệt của rắn biển mép vàng so với các loài rắn biển khác đó cách thức chúng giao phối. Trong khi các loài rắn biển đều giao phối dưới nước, rắn biển mép vàng không chỉ giao phối trên cạn, mà chúng còn có hành vi giao phối tập thể.

Rắn biển mép vàng có hành vi giao phối tập thể trong mùa sinh sản.
Rắn biển mép vàng có hành vi giao phối tập thể trong mùa sinh sản. (Ảnh: ScienPhoto).

Đến mùa giao phối, những cá thể rắn biển mép vàng cái sẽ xuất hiện trên bờ để thu hút những con đực. Các cá thể rắn đực sẽ đuổi theo con cái để dụ dỗ và giao phối tập thể. Những cá thể rắn biển mép vàng sẽ tụ tập với nhau thành từng nhóm trong các hang đá, vũng nước hoặc khe đá dọc bờ biển để giao phối.

Đó là lý do tại sao Youtuber trên lại có thể gặp một ổ rắn đông đúc như vậy.

Rắn biển mép vàng có độc không?

Rắn biển mép vàng là loài rắn sở hữu nọc độc thần kinh rất mạnh, đủ để giết chết những người trưởng thành bằng một nhát cắn. Tuy nhiên, loài rắn này rất nhút nhát, răng nanh nhỏ và không chủ động tấn công con người. Chúng chỉ tấn công khi bị đe dọa hoặc bị con người tìm cách bắt giữ.

Đa phần trường hợp con người bị loài rắn này cắn là các ngư dân, khi đang cố gắng gỡ những con rắn bị mắc lưới đánh cá.

Hầu hết các loài rắn biển đều rất nhút nhát và ít khi cắn người, chúng luôn tìm cách lẩn trốn các loài động vật trên cạn, kể cả con người.

Trên thực tế, hầu hết các loài rắn biển đều sở hữu nọc độc chết người và được đánh giá là độc hơn các loài rắn trên cạn. Sở dĩ có điều này là vì các loài rắn biển thường phải săn các loài cá, lươn… có tốc độ bơi rất nhanh, do vậy chúng cần phải tiến hóa nọc độc đủ mạnh để giết chết những con mồi, thay vì phải rượt đuổi con mồi trong môi trường nước.

Do rắn biển mép vàng nói riêng và rắn biển nói chung đều sở hữu nọc độc chết người, vì vậy các du khách khi đi tắm biển và nếu nhìn thấy rắn biển xuất hiện, hãy tránh xa những con vật này, tuyệt đối không tìm cách bắt giữ chúng để tránh những tai nạn đáng tiếc.

Rắn biển mép vàng có phổ biến tại Việt Nam không?

Tại Việt Nam, rắn biển mép vàng được phân bố tại Đảo Hòn Tre, đảo Hòn Mun, thuộc vịnh Nha Trang, cảng cá Cồn Chà, tỉnh Bình Thuận.

Bản đồ phân bố rắn biển mép vàng
Bản đồ phân bố rắn biển mép vàng. (Ảnh: Wiki).

Tuy nhiên, theo báo cáo khảo sát về Rắn biển tại Việt Nam, được thực hiện bởi Viện Hải dương học Nha Trang và Wildlife at Risk, Tổ chức phi chính phủ về bảo vệ các loài động vật hoang dã, rắn biển mép vàng rất khó bắt gặp tại Việt Nam.

Thông tin về loài rắn biển mép vàng trong Báo cáo khảo sát về Rắn biển tại Việt Nam.
Thông tin về loài rắn biển mép vàng trong Báo cáo khảo sát về Rắn biển tại Việt Nam. (Ảnh: WildLife at Risk).

Trước khi ổ rắn biển mép vàng được Youtuber tìm thấy ở đảo Phú Quý, các nhà khoa học chỉ thu được một mẫu vật của loài rắn này tại cảng cá Cồn Chà, tỉnh Bình Thuận và mẫu vật này đang được lưu giữ tại Viện Hải dương học thành phố Nha Trang.

Dù hiếm gặp, việc cần đề cao cảnh giác và cẩn thận khi đi tắm biển tại những khu vực có rắn biển không bao giờ là thừa.

Phú Quý hay còn gọi là cù lao Thu, cù lao Khoai Xứ là một đảo nhỏ nằm cách Phan Thiết, Bình Thuận khoảng 120km về phía Đông Nam.
Cập nhật: 12/04/2024 Dân Trí
  • 1.377