Những điều ít biết về Lễ đăng quang của Vua Charles III

  •  
  • 311

Lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ diễn ra khi nào và ở đâu? Nó sẽ khác với lễ đăng quang của Nữ vương Elizabeth II như thế nào? Có rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp trước thềm buổi lễ trọng đại như một dấu mốc lịch sử của Hoàng gia Anh này.

Sau khi Nữ vương Elizabeth II băng hà vào ngày 8 tháng 9 năm 2022, con trai của bà, Charles III, lập tức trở thành Vua. Kể từ đó, ông đã có bài phát biểu đầu tiên trước cả nước Anh, có các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới và bắt đầu ổn định vai trò mới của mình với tư cách là người đứng đầu Khối thịnh vượng chung.

Lễ đăng quang này sẽ thu hút sự chú ý của đông đảo người dân khắp thế giới.
Lễ đăng quang này sẽ thu hút sự chú ý của đông đảo người dân khắp thế giới.

Suốt 70 năm Nữ vương Elizabeth II trị vì, nước Anh không có bất kỳ lễ đăng quang nào. Do vậy, sự kiện lần này sẽ thu hút sự chú ý của đông đảo người dân khắp thế giới.

Mặc dù nhiều nghi thức truyền thống sẽ được tuân thủ chính xác như năm 1953 khi Nữ vương Elizabeth II lên ngôi, nhưng sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh hiện đại của sự kiện quan trọng này. Tất cả nhằm phản ánh sự thay đổi của thời đại và sự nhạy cảm của vị quốc vương 74 tuổi. Ông là người lớn tuổi nhất trong số những người từng lên kế vị ngai vàng nước Anh, từ trước đến nay.

Lễ đăng quang của Nữ vương Elizabeth II là lễ đăng quang đầu tiên được truyền hình trực tiếp và không còn gì nghi ngờ, buổi lễ đăng quang của Vua Charles vào ngày 6 tháng 5 sắp tới tại Tu viện Westminster (London) cũng sẽ được truyền hình trực tiếp. Kênh truyền hình BBC, ITV và Sky News dự kiến sẽ phát sóng trực tiếp buổi lễ. Các kênh truyền hình khác của Anh và Mỹ vẫn chưa công bố kế hoạch của họ.

Có một điều khác biệt, khi Nữ vương Elizabeth II lên ngôi ở tuổi 25, bà chưa có con cháu nhưng Vua Charles III sẽ có cả con và các cháu tham dự.

Đây là tất cả những gì bạn cần biết về lễ đăng quang của Charles.

Khi nào diễn ra lễ đăng quang của Vua Charles?

Lễ đăng quang sẽ diễn ra vào thứ Bảy, ngày 6 tháng 5 năm 2023, tại Tu viện Westminster ở thủ đô London (Vương quốc Anh). Chương trình truyền hình trực tiếp sẽ bắt đầu lúc 7h30 phút sáng (giờ địa phương) quay cảnh rước nhà vua đến Tu viện. Còn thực tế lễ đăng quang bắt đầu lúc 11 giờ sáng.

Đăng quang là gì?

Đừng nhầm lẫn với nghi lễ tấn phong chính thức Vua Charles III diễn ra khi Nữ vương Elizabeth II qua đời vào ngày 8 tháng 9. Lễ đăng quang của Vua Charles III đòi hỏi phải lập kế hoạch chi tiết, vì vậy không có thể diễn ra trong một thời gian ngắn sau khi Nữ vương Elizabeth II tạ thế. Trước đây, lễ đăng quang của bà, với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia từ khắp nơi trên thế giới, diễn ra 16 tháng sau khi bà lên ngôi.

Theo Royal Collection Trust, lễ đăng quang là "sự phong chức chính thức cho một vị vua", trong đó Vương miện St. Edward's nặng gần 2,2kg sẽ được đặt lên đầu Vua Charles cho lần đầu tiên (và duy nhất), vì chiếc vương miện không bao giờ được mang đi khỏi Tu viện Westminster.

Vương miện thánh Edward
Vương miện thánh Edward xuất hiện trước công chúng lần gần nhất là khi nó được đặt trên quan tài của Nữ vương Elizabeth II vào tháng 9 năm 2022. Vương miện này là báu vật đáng chú ý nhất của Crown Jewels, một bộ sưu tập lớn các đồ vật nghi lễ hoàng gia được đặt trong tháp London.

Tổng giám mục Canterbury Justin Welby sẽ ban phước lành cho tân vương và xức dầu thánh từ núi Olives ở Jerusalem. Dầu được rót từ Ampulla, một chiếc bình bằng vàng có từ năm 1661 với hình con đại bàng, vào Chiếc thìa đăng quang (Coronation Spoon).

Crown Jewels là gì?

Crown Jewels, một bộ sưu tập lớn các đồ vật nghi lễ hoàng gia được đặt trong tháp London. Nó là bộ sưu tập lấp lánh bao gồm nhiều vương miện theo nghĩa đen và tất cả các lễ phục đăng quang, phần lớn trong số đó, bao gồm cả Vương miện Thánh Edward, được tạo ra cho Vua Charles II vào năm 1661. Chiếc thìa đăng quang 674 tuổi nói trên là vật lâu đời nhất trong bộ sưu tập.

Nhiều món đồ khác nhau sẽ được tặng cho vị vua mới, bao gồm: Một đôi đinh thúc ngựa tượng trưng cho "giá trị và đức tính" của hiệp sĩ; Gươm báu; 2 vương trượng, một cái có hình thánh giá và cái kia hình chim bồ câu; Cặp vòng tay (còng tay bằng vàng, lót nhung với thiết kế tráng men đã được tặng cho ông nội của ông là Vua George VI tại lễ đăng quang vào năm 1937; một quả cầu nạm đá quý tượng trưng cho thế giới; và Chiếc nhẫn của Chủ quyền, một viên sapphire bao quanh bằng kim cương được phủ bởi những viên hồng ngọc tạo thành thánh giá của Thánh George.

Hòn đá Định mệnh sẽ nằm ở đâu?

Hòn đá Định mệnh (còn được gọi là Hòn đá Bánh nướng) là một khối đá sa thạch cổ nặng 152kg từng được sử dụng trong nhiều thế kỷ cho lễ đăng quang của các vị vua Scotland. Nó được xem là một đồ vật linh thiêng dù không ai biết rõ nguồn gốc.

Đến năm 1296, Vua Edward I đã chiếm lấy Viên đá, cùng với Vương miện và Quyền trượng của Vương thất Scotland để mang về London.

Hòn đá Định mệnh
Hòn đá Định mệnh.

Hòn đá nằm đó cho đến ngày Giáng sinh năm 1950. Khi đó, trong một lần "cả gan", bốn sinh viên người Scotland đã cố gắng đánh cắp nó và mang về phía bắc biên giới.

Cuối cùng, vào năm 1996, hòn đá đã được trả lại cho Scotland. Giờ đây, các bước chuẩn bị tối mật và an ninh đang được thực hiện để đưa nó trở lại Tu viện Westminster chuẩn bị cho lễ đăng quang của Vua Charles.


Hòn đá Định mệnh được đặt dưới mặt "ngai vàng".

Vai trò của Vương hậu Camilla trong lễ đăng quang của Vua Charles?

Người vợ 18 năm của Charles, Camilla, sẽ sánh vai cùng chồng. Bà sẽ được trao chiếc nhẫn của Vương hậu (Queen Consort), một viên hồng ngọc được bao quanh bởi những viên kim cương và hai vương trượng. Vương miện của Vương hậu Mary, ban đầu được làm cho vợ của Vua George V vào năm 1911, sẽ được đội trên đầu bà.

Viên kim cương Koh-i-Noor được thay thế bằng các viên kim cương Cullinan III, IV và V để tưởng nhớ Nữ vương Elizabeth II.

Vua Charles III và vương hậu Camila.
Vua Charles III và vương hậu Camila.

Đây là lần đầu tiên một vương hậu không nhận được vương miện chế tác mới hoàn toàn. Cung điện giải thích quyết định "tái chế" là vì "lợi ích của tính bền vững và hiệu quả".

Vào tháng 2/2021, trong lễ hội đánh dấu bảy thập kỷ trị vì, Nữ hoàng Elizabeth ra sắc lệnh gọi Nữ công tước xứ Cornwall là "Vương hậu" thay cho "Vương phi" khi Charles lên ngôi.

Vương hậu” là tên thường gọi cho vợ của vị vua trị vì. Vương quốc Anh không có cách gọi này kể từ năm 1952, khi Vua George VI qua đời và vợ của ông, Nữ hoàng Elizabeth, trở thành Hoàng thái hậu.

Tất cả những người vợ của các vị vua nước Anh trước đây đều là gọi là Vương hậu. Vào thế kỷ 20, có 2 người được gọi như vậy là Vương hậu Mary, vợ của Vua George V và Vương hậu Alexandra, vợ của Vua Edward VII (bà nội và bà cố của Nữ vương Elizabeth II).

Trong khi đó, tên gọi "Nữ vương" chỉ người phụ nữ kế vị ngai vàng thông qua thứ tự thừa kế. Nữ vương Elizabeth lên ngôi do thừa kế ngai vàng từ cha bà sau khi Vua George VI qua đời năm 1952, còn bà Camilla trở thành vương hậu thông qua hôn nhân.

Cả gia đình Vua Charles III sẽ tham dự lễ đăng quang?

Cả 3 anh chị em của Charles - Công chúa Anne, Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward và các con của họ được cho là sẽ tham dự lễ đăng quang.

Vương tử William và Vương phi Kate Middleton, sẽ có mặt cùng các con của họ là Hoàng tử George, 9 tuổi, Công chúa Charlotte, 7 tuổi và Hoàng tử Louis, vừa tròn 5 tuổi vào ngày 23/4. Vào ngày 12 tháng 4 mới đây, cung điện Buckingham xác nhận rằng Hoàng tử Harry sẽ tới dự lễ đăng quang của vua cha, còn Meghan Markle sẽ ở lại California cùng các con của họ.

Vương tôn George sẽ làm gì trong lễ đăng quang?

Vương tôn George được giao nhiệm vụ với vai trò truyền thống là cầm một thanh kiếm bảo vệ Nhà Vua trong lễ đăng quang ngày 6/5.

Vương tôn George (9 tuổi) là một trong 4 tiểu đồng danh dự của Vua Charles III trong lễ đăng quang tại Tu viện Westminster. Theo truyền thống, George sẽ được trang bị một thanh kiếm nghi lễ nhỏ để bảo vệ Nhà vua khỏi bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào tại lễ đăng quang.

Ngoài George, 3 tiểu đồng cầm kiếm bảo vệ Vua Charles III trong nghi lễ đăng quang gồm: Oliver Cholmondeley, con trai Hầu tước Cholmondeley; Nicholas Barclay và Ralph Tollemache, cháu bà Sarah Troughton - em họ Vua Charles III. Cả 4 đứa trẻ sẽ xuất hiện trong trang phục áo khoác đỏ, quần chẽn trắng và tất dài.

Cập nhật: 06/05/2023 PNV
  • 311