Những điều thú vị về các tòa lâu đài cổ ở Châu Âu

  •  
  • 7.348

Ngày nay các tòa lâu đài ở châu Âu chỉ còn là những di tích lịch sử, phục vụ khách tham quan du lịch chứ không còn là nơi ở của con người nữa. Tuy nhiên đã từng có quãng thời gian, các lâu đài là chốn cư ngụ “số 1” của tầng lớp quý tộc, giúp họ bảo vệ tài sản và thể hiện địa vị của mình trong xã hội. Bên trong những tòa lâu đài cổ ấy là cấu trúc xây dựng và cuộc sống của con người ở thời trung cổ có thể khiến bạn đọc cảm thấy thực sự thú vị.

Chỗ làm vệ sinh cá nhân

Chỗ làm vệ sinh cá nhân

Các lâu đài trung cổ không có phòng tắm tiện nghi như chúng ta ngày nay. Khi xây dựng, các kĩ sư đã thiết kế một số những cấu trúc nhỏ có tên là garderobes, là một cống thoát mà mọi người có thể đi vệ sinh vào đó và chất thải sẽ chảy qua tường vào trong hào. Nhưng đó mới chỉ là một phần bất tiện. Phòng tắm thì luôn lạnh và đầy gió vì cống thoát nào cũng dẫn thẳng ra ngoài trời.

Chất liệu xây dựng

Những lâu đài đầu tiên ở Châu Âu được xây nên từ gỗ
Những lâu đài đầu tiên ở Châu Âu được xây nên từ gỗ

Khi người Norman đặt chân đến nước Anh gần một ngàn năm trước, họ đã xây lên những lâu đài gỗ theo lối “motte-and-bailey”, nghĩa là xây lâu đài trên nền đất cao tự nhiên hoặc nhân tạo, xung quanh là khoảng sân rộng có tường che chắn và có hào nước bảo vệ. Điều này khiến cho thứ dân và kẻ thù ở vị trí thấp hơn và phải “tốn công” khi phải leo dốc để tiếp cận được tòa lâu đài. Tuy cách lợi dụng nền đất cao để tạo nên vị thế phòng thủ khá tốt nhưng với chất liệu của bức tường che chắn được làm từ gỗ, lại khiến cho chúng dễ dàng bị đốt cháy và về lâu dài sẽ dễ bị hủy hoại do ẩm mốc.

Tòa lâu đài cổ nhất vẫn còn con người cư ngụ

Lâu đài Windsor

Lâu đài Windsor có tuổi đời hơn 900 năm nằm ở thị trấn Windsor vùng Berkshire, cách trung tâm London chưa đầy một giờ xe chạy, là một trong ba nơi ở chính thức của Hoàng gia Anh cùng với cung điện Buckingham ở London và Holyrood ở Edinburgh. Windsor lúc đầu là một tòa lâu đài gỗ theo lối motte-and-bailey được vua William I xây nên vào giữa thế kỉ 11 sau khi người Norman chiếm đóng đảo Anh. Sau này lâu đài được mở rộng nhiều lần và được cải tạo lại bằng đá và xây thêm một vài điểm nhấn khác như tường hào ngoài kiên cố và tháp tròn bởi vua Henry II. Với diện tích sàn 44.965m2, Windsor chính là toà lâu đài lớn nhất và cổ nhất thế giới hiện nay còn có người sinh sống.

Mục đích xây dựng

Những điều thú vị về các tòa lâu đài cổ ở Châu Âu

Nhìn vào đặc điểm chung trong thiết kế của các tòa lâu đài ta có thể thấy ngay mục đích của chúng để làm gì. Với hệ thống hào bao quanh, đường hầm, tháp canh, hố giết người, lỗ châu mai… dĩ nhiên chúng được xây dựng với mục đích ngăn chặn kẻ thù tiến gần đến tòa lâu đài. Hố giết người là những hố được thiết kế mà ở phía trên hố binh lính có thể ném đá, bắn tên hoặc rót dầu, nước sôi vào kẻ thù. Lỗ châu mai được khoét trên tường thành và các tòa tháp nhằm bắn tên hoặc đạn trong khi vẫn che dấu được vị trí đặt vũ khí. Ngoài ra khi bị tấn công, binh lính còn đổ dầu sôi lên hào nước xung quanh tòa lâu đài để tạo nên một biển lửa ngăn chặn kẻ thù. “Công thành” đối với những tòa lâu đài được bảo vệ kĩ lưỡng như vậy bao giờ cũng kèm theo thiệt hại về người tương đối lớn.

Cầu thang

Những điều thú vị về các tòa lâu đài cổ ở Châu Âu

Cầu thang trong các tòa lâu đài trung cổ luôn có dạng trôn ốc xoáy theo chiều kim đồng hồ. Ý nghĩa của thiết kế này xuất phát từ một mục đích rất thực tế. Khi kẻ thù vây hãm thành chúng phải leo lên cầu thanh để tiếp cận bên trong lâu đài nhưng việc này sẽ khiến chúng khó khăn trong việc vung kiếm lên vì phần lớn con người thuận tay phải. Mặt khác, người sống trong các tòa lâu đài khi đi xuống cầu thang sẽ có lợi thế hơn khi cầm vũ khí ở tay phải.

Số lượng các tòa lâu đài

Những điều thú vị về các tòa lâu đài cổ ở Châu Âu

Theo thống kê của bộ sách Castellarium Anglicanum đã có tới 1500 lâu đài tồn tại ở lãnh thổ nước ở Anh và xứ Wales. Tuy nhiên, có nhiều lâu đài trong số này đã bị phá hủy và chúng ta không còn nhìn thấy chúng nữa. Trên 800 lâu đài có dấu vết còn sót lại và hơn 300 lâu đài vẫn còn đứng vững và gần như vẫn nguyên vẹn về mặt cấu trúc.

Mức độ "tiện nghi"

Những điều thú vị về các tòa lâu đài cổ ở Châu Âu

Khi nghĩ về lâu đài, chúng ta thường nghĩ ngay về những căn phòng rộng lớn xa hoa tráng lệ nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Các tòa lâu đài trung cổ được thắp sáng rất ít, chủ yếu là nhờ vào ánh sáng mặt trời chiếu qua các cửa sổ nên chúng khá ẩm ướt và rất bí do việc lưu thông không khí rất kém. Bên cạnh đó, các tòa lâu đài được xây dựng với mục đích chính là phòng thủ nên việc tạo ra điều kiện sống tiện nghi chỉ là thứ yếu. Tuy nhiên ở giai đoạn sau, các lãnh chúa đã trang trí thêm bằng vải rèm và kính đổi màu vào cửa sổ và các đồ nội thất xa hoa để làm cho tòa lâu đài của họ trở nên lộng lẫy hơn, cũng như để phản ánh sự giàu có và quyền uy của mình.

Tổ chức tiệc tùng là thú vui tiêu khiển chính

Những điều thú vị về các tòa lâu đài cổ ở Châu Âu

Cuộc sống ở các tòa lâu đài trung cổ thực sự rất nhàm chán. Nếu như ở ngoài trời có một số hoạt động chỉ dành cho nam giới như săn bắn hay luyện tập chiến đấu thì ở bên trong tòa lâu đài còn buồn tẻ hơn. Người ta thường chơi cờ để giết thời gian nên cách số 1 để giải tỏa cơn buồn chán là tổ chức ăn uống. Tại những buổi tiệc như vậy, có rất nhiều món ăn và rượu được bày ra, đồng thời có cả những tiết mục nhảy múa ca hát và pha trò khiến cho không khí càng trở nên rộn ràng hơn.

Cuộc sống của người hầu

Những điều thú vị về các tòa lâu đài cổ ở Châu Âu

Người hầu trong lâu đài tuy bị đối xử thậm tệ không khác gì một nô lệ nhưng nếu xét mặt sinh hoạt thì họ có một cuộc sống tương đối tốt so với người khác. Họ được ngủ trong những căn phòng riêng biệt lập có lò sưởi riêng trong khi những nơi còn lại của tòa lâu đài rất ẩm ướt và lạnh lẽo. Nếu họ ngủ trên sàn nhà thì sẽ được lãnh chúa cấp cho tấm chăn để đắp. Nếu so sánh với những thứ dân thấp kém khác phải ngủ trong các tháp canh và chỉ có vải giường để sưởi ấm thì cuộc sống của người hầu đáng để họ phải mơ ước.

Giếng nước – gót chân Achilles

Những điều thú vị về các tòa lâu đài cổ ở Châu Âu

Nếu những tòa thành được xây dựng kiên cố như vậy nên để tấn công, kẻ thù cần phải tìm ra được điểm yếu. Gót chân Achilles của bất kì tòa lâu đài kiên cố nào là giếng nước. Giếng nước là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho toàn bộ cư dân bên trong lâu đài. Nếu kẻ thù làm nhiễm độc nguồn nước hoặc các lãnh chúa không quan tâm để nguồn nước không may bị cạn kiệt thì toàn bộ cấu trúc được thiết kế vô cùng công phu của cả tòa lâu đài sẽ trở thành đồ bỏ đi. Lúc đó chính là lúc thích hợp nhất để tấn công các tòa lâu đài.

Theo genk, Listverse
  • 7.348