Một chiếc túi nhựa có thể mất tới 100, thậm chí hàng ngàn năm để phân hủy. Một chiếc lon nhôm thì 80 - 200 năm trôi nổi ngoài biển mà dường như vẫn còn nguyên hình hài. Và bạn biết không, một chiếc áo thun bình thường thôi, để làm ra nó cũng tốn đến hơn 5000 lít nước cơ đấy.
Đó chỉ là những ví dụ rất nhỏ cho thấy tác động của con người đến tự nhiên là lớn đến mức nào. Chúng ta đã quá tàn nhẫn với tự nhiên, với các loài động vật và đối với chính bản thân chúng ta.
Rác thải của nhân loại là một trong những yếu tố gây tác động kinh khủng nhất. Do tốc độ phân hủy không đủ nhanh, rác kết lại khiến cống tắc nghẽn, gây ngập nước, và làm dịch bệnh lây lan. Mỗi ngày, chúng ta thải ra nhiều rác đến mức trong năm 2016, toàn cầu phát thải tới 242 triệu tấn tính riêng rác nhựa mà thôi.
Con số khổng lồ này không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người, mà còn khiến các loài vật trong tự nhiên - đặc biệt là sinh vật biển - gặp rất nhiều rủi ro. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng rác nhựa (mảnh lớn) có thể xuống tới độ sâu 30m, và nhiều loài sinh vật biển đã mắc nghẹn khi vô tình nuốt phải chúng.
Dù đã có những sản phẩm thay thế, nhưng mỗi năm con người vẫn sát hại vô số loài vật để lấy lông phục vụ ngành thời trang. Theo số liệu của Hội nhân đạo quốc tế (HSI), có đến cả trăm triệu sinh vật được buôn bán, trao đổi vì mục đích lấy lông, chủ yếu là chồn, cáo, gấu chó Bắc Mỹ...
Tại rất nhiều nơi trên thế giới, mỗi ngày con người phải hít thở trong một bầu không khí cực kỳ ô nhiễm, từ khí thải của phương tiện giao thông cũng như các nhà máy công nghiệp.
Các loại khí thải công nghiệp thực sự nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta. Theo số liệu từ Tổ chức y tế thế giới WHO, khí thải từ ô tô thậm chí còn có khả năng gây ra ung thư phổi.
Tin mừng là thế giới cũng đã dần nhận thức được điều này. Trong Hội nghị sức khỏe và ô nhiễm không khí Toàn cầu vào năm 2018, nhiều giải pháp đã được đưa ra, bao gồm việc chuyển đổi nhiên liệu thành các nguồn năng lượng sạch.
Một nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Plos One chỉ ra rằng việc loài người sử dụng lưới cào (trawling) đã khiến hệ sinh thái biển chịu ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Dành cho những người chưa biết, lưới cào có thể sử dụng ở tầng nước rất sâu, càn quét cả một vùng đáy biển, không chừa lại bất kỳ thứ gì. Những tấm lưới này có thể phá hủy các tổ trứng cá, khiến các thế hệ cá tiếp theo không thể ra đời. Hay nói cách khác, nó chẳng khác gì tận diệt cả.
Ngoài ra trong quá trình phát triển, nhân loại đã để quá nhiều hóa chất độc hại lọt ra ngoài đại dương. Một số chuyên gia nhận định, dư chất độc hại được tìm thấy ở độ sâu lên tới 10.000m.
Con người khai thác tài nguyên của hành tinh để phát triển. Tuy nhiên có một thực tế là tốc độ khai thác của nhân loại đang lớn hơn khả năng phục hồi của Trái đất.
Ví dụ năm 2019, con người đã dùng hết số tài nguyên mà Trái đất có thể phục hồi trong 1 năm vào ngày 29/7. Nghĩa là kể từ thời điểm ấy, chúng ta đang dùng những gì đáng lẽ phải thuộc về thế hệ sau này, và phải cần đến 1,75 Trái đất thì mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Ảnh hưởng của nhân loại đến Trái đất là rất lớn, đặc biệt là với động vật hoang dã.
Việc nhiệt độ Trái đất đang tăng dần lên, băng Bắc Cực tan nhanh hơn với tỉ lệ 11,3% mỗi thập kỷ đã ảnh hưởng mạnh đến loài gấu trắng. Biển Bắc Cực nay đã ít băng hơn, khiến cuộc sống của gấu trắng ngày càng chật vật. Chúng không thể bơi quá xa, phạm vi kiếm ăn bị thu hẹp, và trở nên héo mòn.