Cho đến nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân hình thành nên các hình vẽ kỳ lạ trên sa mạc Nazca và sa mạc Namib. Đây là một hiện tượng bí ẩn chưa có lời giải đáp xác đáng.
>> Những sa mạc kỳ lạ nhất thế giới
Một trong những hiện tượng bí ẩn xuất hiện ở các sa mạc trên thế giới là sự tồn tại của những hình vẽ kỳ lạ hằn trên cát. Sa mạc Nazca(Peru) và sa mạc Namib (châu Phi) có vô số những đường vẽ đặc biệt mà khoa học chưa lý giải được.
Lâu nay, sa mạc Peru nổi tiếng bởi những hình vẽ khổng lồ trên mặt đất mà giới khoa học vẫn hay gọi với cái tên Nazca Lines (đường Nazca). Các Nazca Lines lần đầu tiên được phát hiện từ trên không vào năm 1939 khi một phi công bay qua khu vực Nazca của vùng cao nguyên ven biển Peru. Chúng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1994 với quy mô trải dài hơn 50 dặm (80 km) giữa các thị trấn Nazca và Palpa.
Hiện tượng bí ẩn chưa lời giải về hình vẽ kỳ lạ trên sa mạc Nazca
Một phi công phát hiện những hình vẽ mới bao gồm một con rắn dài khoảng 60 m, một con lạc đà và một con chim. Khám phá này do phi công Eduardo Herrán Gómez de la Torre phát hiện khi tình cờ bay ngang qua vùng trời Peru vào năm 1920. Những hình vẽ này trước kia bị chôn vùi dưới lớp cát sâu. Sau cơn gió mạnh thổi bay lớp đất cát, chúng mới được phát hiện. Đây được xem như một bằng chứng đào sâu thêm bí ẩn về những hình vẽ trên sa mạc Peru mà lâu nay con người vẫn chưa lý giải nổi.
Sa mạc này bao gồm hơn 300 hình vẽ, bao gồm hình chim ruồi, khỉ, nhện, thằn lằn…. Chúng được tạo nên trong nền văn hóa Nazca trong khoảng năm 200 trước công nguyên tới năm 600 sau công nguyên.
Những đường vẽ kỳ lạ trên sa mạc ở Peru vẫn còn là một hiện tượng bí ẩn chưa giải thích được
Các nhà khảo cổ khám phá thành phố biến mất ở gần khu vực này, thành phố Cahuachi, được xây dựng trong khoảng 2.000 năm trước. Tuy nhiên, thành phố này bị bỏ rơi cách đây 1.500 năm. Hiện tại, giới khảo cổ học vẫn chưa thể giải thích lý do vì sao người Nazca tạo ra những hình thù kỳ dị khổng lồ này.
Một nghiên cứu, được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành PLoS ONE ngày 27/6/2012, cho hay, vô số hình tròn xuất hiện trên những đồng cỏ trên sa mạc Namib ở Namibia. Mặc dù những hình tròn xuất hiện giữa những đồng cỏ, song cỏ không tồn tại bên trong chúng. Những hình tròn nhỏ tồn tại trong thời gian trung bình 24 năm, trong khi những hình tròn lớn có thể tồn tại tới 75 năm. Người dân địa phương gọi chúng là “hình tròn thần tiên”. Mặc dù vậy, nghiên cứu không chỉ ra nguyên nhân khiến những hình tròn xuất hiện, tồn tại và biến mất sau hàng thập kỷ.
Hiện tượng bí ẩn về những hình tròn lạ kỳ trên sa mạc Namib
Các nhà khoa học đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc của những hình tròn - như hoạt động của kiến và mối. Tuy nhiên, không ai đưa ra bằng chứng xác đáng để chứng minh giả thuyết của họ. Trong một bài báo trên tạp chí Science, nhà sinh học Norbert Juergens của Đại học Hamburg tại Đức cho rằng loài mối cát Psammotermesallocerus có thể là thủ phạm gây nên những "hình tròn thần tiên". "Cứ mỗi khi tới một hình tròn, tôi luôn nhìn thấy mối cátPsammotermesallocerus. Do cỏ không mọc bên trong những vòng tròn, nước mưa sẽ ngấm thẳng xuống đất xốp. Lượng nước đó đủ lớn để giúp mối tồn tại trong mùa khô", Juergens nói.
Ngoài mối cát Psammotermesallocerus, Juergens còn tìm thấy một loài mối khác và hai loài kiến. Song chúng chỉ xuất hiện trong vài hình tròn, chứ không phải tất cả. "Dường như những con mối đã ăn rễ cỏ khiến những cây cỏ biến mất và tạo nên hình tròn", Juergens nhận định. Tuy nhiên, Juergens chưa thể giải thích tại sao mối cát tạo ra hình tròn, chứ không phải hình vuông hay bất kỳ hình nào khác.