Những “kiệt tác kiến trúc” của loài vật

  •  
  • 3.542

Cùng ngắm nhìn những công trình xây dựng vĩ đại mà ít ai ngờ người xây nên chúng là những loài vật bé nhỏ vô cùng.

1. Đập nước lớn của loài hải ly

Những “kiệt tác kiến trúc” của loài vật

Hải ly là loài động vật có lông dày và răng lớn, nổi tiếng với việc dùng gỗ, bùn đất và đá để xây dựng các đập nước. Nó có tác dụng như một con hào nhằm bảo vệ cho gia đình chúng, ngăn chặn được những loài thú săn mồi như chồn, cáo, sói, gấu và giúp chúng dễ dàng kiếm thức ăn trong mùa đông. Đây cũng chính là ổ của một gia đình hải ly. Hàng ngày, chúng sẽ không ngừng gia cố và mở rộng thêm cho con đập của mình.

Kỷ lục về đập nước lớn nhất thế giới do hải ly xây dựng từng được ghi nhận có chiều dài khoảng 850m nằm ở Công viên quốc gia Wood Buffalo, Canada. Đây có thể nói là công trình kiến trúc của loài vật lớn nhất trên Trái đất và đặc biệt nhất là có thể nhìn thấy chiếc đập nước khổng lồ này trong những bức hình chụp từ vệ tinh ngoài không gian.

2. “Siêu thành phố” của loài mối

Những “kiệt tác kiến trúc” của loài vật

Trong tự nhiên, tổ của loài mối là những tháp lớn xây dựng từ đất, bùn, gỗ mục và thậm chí là từ phân của chúng với chiều cao lớn nhất có thể tới 7,5m, đường kính khoảng 12m và nặng đến hàng trăm tấn. Trong một tổ mối, mối chúa có kích cỡ gấp 30 lần mối thợ, mối lính và đôi khi, nó đẻ tới hơn 30 trứng trong 1 phút để giúp duy trì đế chế của mình.

Dưới những cột tháp khổng lồ đó còn là cả một vương quốc lớn ở dưới lòng đất với quy mô phức tạp, có những khu vực riêng để trồng nấm, đảm bảo tự cung tự cấp.

Điểm ấn tượng nhất của hang mối là hệ thống đường hầm với tác dụng như là ống dẫn để điều hòa không khí và nhiệt độ, một ý tưởng lớn mà mãi sau này con người mới lưu tâm đến trong những tòa nhà của mình.

3. Thành phố ngầm của chuột chũi

Những “kiệt tác kiến trúc” của loài vật

Hang của loài chuột chũi thực sự có thể gọi là thành phố với lãnh địa kéo dài tới hàng trăm mét và sức chứa hàng nghìn “cư dân” cùng một lúc. Tại đây, chúng dự trữ một lượng lương thực lớn để đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt.

Điểm ấn tượng nhất của công trình tự nhiên này là quy hoạch thành phố được tổ chức rất tốt với hệ thống các phòng riêng biệt với phòng ngủ, phòng giữ ấm vào mùa đông và thậm chí là nơi giữ những con chuột chũi con. Các phòng đều có những hốc nhỏ để giúp thông khí và điều hòa nhiệt độ.

Nguy cơ ngập nước cũng được ngăn ngừa khi chúng đã đắp những bờ đê xung quanh miệng hang để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, chúng còn bố trí những con gác tại miệng hang để đề phòng kẻ thù tấn công bất ngờ. Nếu thấy có dấu hiệu đáng ngờ, chúng sẽ truyền tín hiệu để báo động và tăng cường phòng thủ.

4. Siêu mạng nhện khổng lồ

Những “kiệt tác kiến trúc” của loài vật

Nhện là loài sống đơn độc và thường sống xa nhau để tránh xảy ra xung đột nên hiếm khi chúng ta có thể thấy nhiều nhện ở cùng một chỗ bao giờ. Tuy nhiên, trong những dịp hiếm hoi mà chúng kết hợp với nhau cùng “tác chiến” thì kết quả thật đáng kinh ngạc với những mạng nhện khổng lồ giăng khắp cây cối và mọi vật trong phạm vi bao phủ. Người ta cho rằng có thể nguyên nhân là do mưa rào làm cho lượng sâu bọ có thể ăn được dồi dào, chính vì thế mà những con nhện đã chọn cách hợp tác để cùng nhau thu hoạch chiến lợi phẩm trời cho này.

5. Tổ kiến khổng lồ

Những “kiệt tác kiến trúc” của loài vật

Tổ kiến lớn nhất từng được phát hiện nằm tại châu Âu có chiều dài hơn 6.400km với số lượng hàng nghìn tỷ con. Chúng ta đều biết kiến là một loài vật với sức khỏe phi thường có thể mang những vật nặng gấp vài lần trọng lượng cơ thể chúng nhưng không biết chúng còn là những nhà “kiến trúc sư” đại tài.

Nhìn vào công trình tổ kiến ngầm của chúng mới thấy hết được sự vĩ đại này. Như tổ kiến trên hình có diện tích là 46m2, chiều sâu tới 7,5m và cần tới gần 40 tấn đất bùn để hoàn thành với chằng chịt vô số những hang, đường nhánh nhỏ.

6. Những tổ chim “bền vững với thời gian”

Những “kiệt tác kiến trúc” của loài vật

Giống chim sẻ thuộc họ nhà Hilton, thường sống ở châu Á và châu Phi là một trong những giống chim thân thiện nhất trên thế giới và cũng được biết đến là loài có chiếc tổ lớn nhất. Thay vì xây những tổ riêng lẻ, khoảng 300 cặp chim sẻ chung tay xây một chiếc tổ khổng lồ với chiều rộng tới 6m, cao 2,5m, trong đó mỗi căn riêng nhỏ được dành cho một cặp đôi.

Những chiếc tổ như vậy vô cùng vững chắc và có thể tồn tại đến hàng trăm năm. Tổ chức quy củ, phức tạp và tính bền vững theo thời gian của những chiếc tổ chim này đúng là một tuyệt tác kiến trúc của thế giới tự nhiên.

7. Sự “chuẩn mực” đến hoàn hảo trong kiến trúc của tổ ong

Những “kiệt tác kiến trúc” của loài vật

Có thể nói đây là một kiệt tác đáng kinh ngạc của ong thợ với sự chính xác đến không ngờ. Ngay cả quá trình xây dựng cũng là một kì công khi những chú ong thợ tiết ra những miếng sáp ong ấm chỉ nhỏ bằng kích thước đầu kim rồi sau đó miệt mài xây đắp để tạo ra một mạng lưới gồm vô số các ô nhỏ hình trụ có 6 mặt đều tăm tắp xếp theo chiều dọc. Mỗi cạnh của 6 mặt có cùng một chiều rộng và nằm ở một góc 120°, kiến trúc đối xứng hoàn hảo một cách đáng kinh ngạc mà không cần đến một dụng cụ đo đạc nào như ở con người.

Theo VietNamNet
  • 3.542