Những nhầm tưởng mọi người hay có về ánh sáng xanh và cách bảo vệ mắt hiệu quả

  •  
  • 2.376

Từ lâu, ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như smartphone, laptop, tivi... đã bị buộc tội là nguyên nhân gây mất ngủ, thậm chí tổn thương mắt. Ánh sáng xanh có bước sóng ngắn, có nghĩa là nó mang năng lượng cao và có thể làm hỏng các mô tế bào thị giác.

Các nghiên cứu được thực hiện trên chuột cho thấy tiếp xúc với ánh sáng xanh cường độ cao trong thời gian dài làm tổn thương tế bào võng mạc của chúng. Ánh sáng xanh có thể xuyên đến võng mạc, nơi chứa tập hợp các tế bào làm nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu ánh sáng thành tín hiệu thần kinh cho não bộ, cơ chế nền tảng cho phép chúng ta nhìn thấy mọi vật.

Thế nhưng, đó là những kết quả từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Còn các nghiên cứu dịch tễ học được thực hiện trên người lại kể ra một câu chuyện khác.

Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như smartphone, laptop, tivi...
Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như smartphone, laptop, tivi...

Là một phó giáo sư tại Trường Optometry thuộc Đại học bang Ohio, Phillip Yuhas đã trực tiếp giảng dạy và thực hiện các nghiên cứu về thị giác, bao gồm cả công việc với các tế bào võng mạc.

"Tôi cũng trực tiếp thăm khám cho các bệnh nhân tới phòng khám phục vụ giảng dạy tại trường. Thường thì những bệnh nhân sẽ hỏi, làm thế nào để họ có thể giữ cho đôi mắt mình khỏe mạnh khi vẫn phải nhìn vào màn hình máy tính cả ngày", Yuhas cho biết.

Các bệnh nhân muốn biết những sản phẩm như kính chặn ánh sáng xanh thường được quảng cáo trên internet có thiệu quả hay không. Nhưng theo Yuhas khi nói đến việc bảo vệ và giữ gìn cho đôi mắt của bạn khỏe mạnh, ánh sáng xanh lại không phải là mối lo ngại lớn nhất mà bạn cần để ý tới.

Mắt người có cơ chế bảo vệ bẩm sinh

Một hướng tiếp cận với chủ đề ánh sáng xanh và nguy cơ tổn thương võng mạc là hãy xem xét ánh sáng mặt trời. Trên thực tế, ánh sáng mặt trời chủ yếu là ánh sáng xanh. Vào một buổi chiều đầy nắng, ánh sáng mặt trời có cường độ gấp gần 100.000 lần so với màn hình máy tính của bạn.

Tuy nhiên, rất ít nghiên cứu được thực hiện trên người phát hiện được một mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và sự phát triển của thoái hóa hoàng điểm liên quan đến tuổi tác, một bệnh võng mạc dẫn đến mất thị lực vùng trung tâm trường thị giác.

Nếu việc ra ngoài trời trong một buổi chiều đầy nắng không làm hỏng võng mạc của con người, thì màn hình lờ mờ của chiếc máy tính bảng trong so sánh này cũng không thể.

Vậy tại sao ánh sáng xanh có thể làm hỏng mắt của chuột trong những nghiên cứu trên loài động vật này, còn nghiên cứu trên người thì không?

Việc ra ngoài trời trong một buổi chiều đầy nắng không làm hỏng võng mạc của con người
Nếu việc ra ngoài trời trong một buổi chiều đầy nắng không làm hỏng võng mạc của con người, thì màn hình lờ mờ của chiếc máy tính bảng cũng không thể.

"Đó là bởi vì mắt người khác với mắt của loài gặm nhấm", Yuhas giải thích. Mắt chúng ta có những cơ chế bảo vệ bẩm sinh, chẳng hạn như các sắc tố ở hoàng điểm và bản thân thủy tinh thể đã có thể chặn ánh sáng xanh. Những cấu trúc này hấp thụ ánh sáng xanh trước khi nó đến được võng mạc mỏng manh của chúng ta.

Nhưng điều này cũng không có nghĩa là bạn nên bỏ kính râm ra khi đi ngoài trời nắng. Bởi những chiếc kính không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ mắt bạn khỏi ánh sáng xanh đến từ mặt trời. Lợi ích của nó còn đến từ nhiều khía cạnh khác, chẳng hạn như nghiên cứu cho thấy đeo kính râm giúp làm chậm sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể.

Ánh sáng xanh và đồng hồ sinh học

"Chỉ bởi ánh sáng xanh không làm tổn hại võng mạc của bạn không có nghĩa là các thiết bị điện tử hoàn toàn vô hại, hoặc ánh sáng xanh đó không ảnh hưởng gì đến mắt của chúng ta", Yuhas cho biết. "Với bản chất về bước sóng của nó, ánh sáng xanh thực sự làm gián đoạn giấc ngủ sinh lý khỏe mạnh".

Đóng một vai trò quan trọng ở đây là các tế bào nhạy cảm với ánh sáng xanh được gọi là tế bào hạch võng mạc cảm quang (hay ipRGC). Các tế bào này được mệnh danh là núm chỉnh giờ cho chiếc đồng hồ sinh học bên trong não bộ của bạn.

ipRGC cảm nhận ánh sáng trong môi trường để nói với não bộ về thời gian bên ngoài. Điều đó có nghĩa là, khi bạn nhìn vào một màn hình sáng vào buổi tối, các tế bào này sẽ đặt lại chiếc đồng hồ bên trong não bạn về thời điểm ban ngày.

ipRGC là các tế bào này được mệnh danh là núm chỉnh giờ cho chiếc đồng hồ sinh học bên trong não bộ của bạn.
ipRGC là các tế bào này được mệnh danh là núm chỉnh giờ cho chiếc đồng hồ sinh học bên trong não bộ của bạn.

Nhưng điểm mấu chốt cần lưu ý ở đây, đó là mặc dù ipRGC nhạy cảm hơn với ánh sáng xanh, chúng cũng nhận được tín hiệu đầu vào từ tất cả các tế bào thần kinh võng mạc khác nhạy cảm với toàn bộ phổ màu ánh sáng.

Do đó, chặn ánh sáng xanh không thôi sẽ không cải thiện được giấc ngủ cho bạn. Nếu muốn ngủ ngon hơn, bạn cần phải chặn mọi loại ánh sáng vào buổi tối.

Đối với những người thường phàn nàn về một đôi mắt mệt mỏi sau cả ngày dài nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính cũng vậy. Ánh sáng xanh chỉ là con tốt thí để đổ lỗi.

Một nghiên cứu gần đây chứng minh việc chặn riêng ánh sáng xanh không giúp cải thiện sự thoải mái của những người làm việc với máy tính so với việc giảm cường độ sáng tổng thể của màn hình.

Triệt tiêu ánh sáng xanh có ích gì hay không?

"Nhiều bệnh nhân muốn biết liệu họ có nên mua một số sản phẩm được quảng cáo để chặn ánh sáng xanh hay không", Yuhas cho biết. "Dựa trên nghiên cứu, câu trả lời ngắn gọn là "không"".

Sự thật là tiếp xúc với bất kỳ loại ánh sáng mạnh nào quá sát giờ đi ngủ đều cản trở giấc ngủ tự nhiên của bạn.

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng việc nhìn vào các màn hình điện tử trước giờ đi ngủ khiến bạn khó ngủ hơn so với đọc sách giấy. Nó cũng cướp đi giai đoạn ngủ REM của bạn, làm giảm quá trình phục hồi cơ thể, giảm sự tập trung và hoạt động của não bộ vào ngày hôm sau.

Vấn đề sẽ còn trầm trọng hơn nữa khi bạn dí màn hình điện thoại quá sát vào mắt.

Các loại kính chặn ánh sáng xanh thường chỉ chặn được khoảng 15% ánh sáng xanh phát ra
Các loại kính chặn ánh sáng xanh thường chỉ chặn được khoảng 15% ánh sáng xanh do một màn hình phát ra. Bạn có thể đạt được hiệu quả tương tự chỉ bằng cách giữ điện thoại xa mắt hơn vài cm.

Thêm vào đó, các sản phẩm được quảng cáo là có khả năng chặn ánh sáng xanh thường làm việc không hiệu quả. Ví dụ, các loại kính chặn ánh sáng xanh thường chỉ chặn được khoảng 15% ánh sáng xanh do một màn hình phát ra.

Bạn có thể đạt được hiệu quả tương tự chỉ bằng cách giữ điện thoại xa mắt hơn vài cm. Hãy thử ngay bây giờ để xem bạn có nhận thấy sự khác biệt nào không? Không phải không?

Đúng vậy, một nghiên cứu phân tích tổng hợp gần đây cũng đã kết luận rằng các loại kính có lớp phủ chặn ánh sáng xanh không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ, sự thoải mái khi nhìn vào màn hình máy tính hay độ khỏe của võng mạc.

Những phương pháp cho hiệu quả thực sự

Có nhiều cách để giúp bạn thoải mái hơn khi phải nhìn vào những chiếc màn hình và đảm bảo được chất lượng giấc ngủ.

Đầu tiên là một nguyên tắc: tắt tất cả các thiết bị điện tử của bạn trước khi đi ngủ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng phòng ngủ trẻ em nên là khu vực không có màn điện tử, nhưng tất cả người lớn chúng ta cũng nên thực hiện theo lời khuyên này.

Bên ngoài phòng ngủ, khi bạn buộc phải nhìn vào một chiếc màn hình thì hãy giảm độ sáng của nó.

Nếu bạn bị mỏi mắt khi làm việc với máy tính, hãy đảm bảo việc bạn đeo kính đúng độ của mình trước tiên. Hãy đi khám bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn chính xác nhất về vấn đề này.

Sau đó, bạn cần chăm sóc mắt cẩn thận. Ví dụ khi nhìn vào màn hình máy tính, bạn không chỉ nhìn vào nó mà còn là nhìn chằm chằm, thậm chí căng mắt không hề chớp. Trong điều kiện bình thường, chúng ta chớp mắt khoảng 12 lần mỗi phút. Nhưng khi làm việc với máy tính, con số giảm xuống chỉ còn một nửa.

Kết quả là nước mắt phía bên ngoài giác mạc bị bay hơi hết có thể gây viêm trên bề mặt mắt. Đó là lý do tại sao bạn bị khô và mỏi mắt sau một ngày làm việc với máy tính.

Bạn thường nhìn chằm chằm vào màn hình, thậm chí căng mắt không hề chớp.
Ví dụ khi nhìn vào màn hình máy tính, bạn không chỉ nhìn vào nó mà còn là nhìn chằm chằm, thậm chí căng mắt không hề chớp.

"Tôi thường khuyên bệnh nhân của mình thực hiện hai bước để đảm bảo mắt của họ được giữ ẩm", Yuhas cho biết.

"Bước một, hãy tuân theo quy tắc 20-20-20. Hiệp hội Thị lực Hoa Kỳ định nghĩa quy tắc này là nghỉ 20 giây sau mỗi 20 phút để nhìn vào một vật nào đó ở khoảng cách 20 feet (6 mét). Điều này sẽ cho phép bạn chớp mắt và thư giãn".

Ngay trên điện thoại cũng có rất nhiều ứng dụng giúp bạn đặt lịch hẹn giờ và nhắc bạn thực hiện điều này.

"Bước hai, hãy sử dụng thuốc nhỏ mắt nếu có ý định làm việc với máy tính trong thời gian dài. Chiến thuật này sẽ hỗ trợ những giọt nước mắt tự nhiên và giữ cho bề mặt mắt của bạn có đủ nước", Yuhas khuyến cáo.

"Nhưng hãy tránh những loại thuốc nhỏ mắt tuyên bố sẽ loại bỏ được những vết đỏ trong mắt bạn. Chúng chứa các loại thuốc gây đỏ mắt kéo dài và chất bảo quản có thể làm hỏng các lớp bên ngoài của mắt".

Theo đó, các loại nước mắt nhân tạo có dán nhãn "không chất bảo quản" thường là lựa chọn tốt nhất.

Cuối cùng Yuhas cho biết dựa trên kinh nghiệm của ông, mọi người đừng nên tin vào những thông tin cường điệu hóa về tác động của ánh sáng xanh, từ đó không lãng phí tiền để mua các sản phẩm vô dụng.

Thay vào đó, biện pháp đơn giản, hiệu quả mà ai cũng làm được là hãy sơ tán tất cả các thiết bị có màn hình ra khỏi phòng ngủ, giảm cường độ sáng của các thiết bị bên ngoài và giữ cho mắt bạn đủ ẩm. Và đừng quên chớp mắt!

Cập nhật: 17/10/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.376