Những pha thoát hiểm kỳ lạ trong thảm họa

  •   3,73
  • 10.030

2 dân chài ở đảo Kiribati trên Thái Bình Dương đã thoát hiểm sau 57 ngày trôi dạt giữa biển khơi mà không có đồ ăn, thức uống. Họ sống sót khi rơi vào tâm bão giữa biển mênh mông.

Thảm họa và những lần thoát chết kỳ diệu

Sống sót giữa biển khơi

Typhoon (tên gọi bão biển Thái Bình Dương) nhìn từ ảnh vệ tinh là những khối xoáy khổng lồ phủ kín cả ngàn km, tạo ra những con sóng lừng dựng đứng như một bức tường cao hơn chục mét. Đứng trước “hung thần biển cả” này, những con tàu trọng tải hàng chục ngàn tấn giống như những chiếc lá mong manh. Vậy mà 2 dân chài Atabu Baiaa, 32 tuổi và Ruben Baeke, 22 tuổi thuộc đảo Kiribati (Thái Bình Dương) đã thoát hiểm sau 57 ngày lênh đênh trên biển không đồ ăn, thức uống.

Những pha thoát hiểm kỳ lạ trong thảm họa
Đảo Kiribati ở Thái Bình Dương. (Ảnh: kiritours.com)

Trong điều kiện khắc nghiệt, điều khó khăn nhất để sinh tồn là nước uống. Con người có thể nhịn đói cả tháng, nhưng thiếu nước chỉ vài ba ngày là sẽ tử vong. Hơn nữa, mỗi ngày cơ thể mất chừng 1,5 lít nước qua đường bài tiết. Nếu vận động, lượng nước còn mất nhiều hơn. Để sống sót, 2 ngư dân may mắn đã uống những giọt nước mưa quý giá và nước ép từ cá bắt được. Thậm chí họ đã phải uống cả nước biển. Thực phẩm duy nhất là thịt cá sống.

Thêm nữa, thông thường chỉ sau vài ngày trôi dạt trên biển, con người sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn, đôi khi các nạn nhân sẽ chết vì sợ hãi trước khi nguồn năng lượng của họ cạn kiệt. Nhưng 2 ngư dân kia vẫn giữ được trạng thái tâm lý tốt. Khi một chiếc tàu Papua New Guinea cứu họ lên, các thủy thủ đã rất kinh ngạc khi biết sức khỏe của 2 ngư dân vẫn tốt sau những thử thách kinh hoàng mà họ đã trải qua. Đây có lẽ là một trong những trường hợp may mắn nhất trong lịch sử.

Sống sót giữa bão cát sa mạc

Sa mạc Taklamakan nằm trong lòng chảo Tarim ở phía tây bắc Tân Cương, Trung Quốc, là một trong những sa mạc rộng nhất trên thế giới. Ở đây có sự chênh lệch về nhiệt độ đến đáng sợ. Buổi tối nhiệt độ có thể xuống tới độ âm, trái ngược hẳn với ban ngày, nóng lên tới hơn 40 độ C.

Trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, anh Alexander Zverev (người Nga) đã được cứu sống sau 25 ngày bị nạn. Người ta đã tìm thấy anh trong trạng thái kiệt sức. Để chống lại cái lạnh ban đêm, Zverev ngủ trong một chiếc hang, anh làm một cái giường bằng cành cây. Zverev cho biết chiếc mũ bảo hiểm đã cứu sống anh do nó có một lớp mút giữ nhiệt và khi đêm xuống, anh để nó dưới lưng để cơ thể không mất nhiệt. Khi tìm thấy Zverev, các nhân viên cứu hộ đã không thể tin rằng nỗ lực của họ được đền đáp, vì Zverev bị lạc trong một vùng quá rộng và khắc nghiệt.

Những pha thoát hiểm kỳ lạ trong thảm họa
Sa mạc Taklamakan

Vượt qua băng giá

Băng tuyết lạnh giá, đôi lúc xuống thấp tới - 40 độ C luôn là một thách thức với mọi sinh vật. Ở nhiệt độ quá thấp, cơ thể con người rơi vào trạng thái mất nhiệt. Kèm theo đó là những tác động lên hệ tim mạch, thần kinh, có thể dẫn đến hoại tử những bộ phận như tay chân. Ánh nắng phản chiếu trên băng tuyết có thể gây bỏng thị giác...

Vậy mà, một gia đình gồm 6 thành viên lại có thể sống trong chiếc xe tải kẹt giữa tuyết lở tại một địa điểm cao 1.158m so với mực nước biển tận... 17 ngày.

Những pha thoát hiểm kỳ lạ trong thảm họaẢnh minh họa

Trong chuyến du lịch tới vùng núi hẻo lánh bang Oregon (Mỹ), chiếc xe tải chở gia đình nhà Stivers đi nghỉ sau khi trật bánh khỏi một con đường ở phía tây nam bang Oregon đã bị kẹt trong lớp tuyết dày hơn 1 m. Họ không có cách nào liên lạc với thế giới bên ngoài. Sau một thời gian, đoàn cứu hộ khẩn cấp đã ngừng công việc tìm kiếm vì cho rằng đã hết hy vọng sống cho những người mất tích. Nhưng bằng những nỗ lực phi thường, 2 vợ chồng Pete Stivers và Marlo đã đi bộ qua vùng núi tuyết hoang vu suốt 2 ngày trước khi được phát hiện. Sau đó, các nhân viên cứu hộ đã dùng trực thăng tới chỗ xe tải cứu người bị nạn.

Thoát hiểm sóng thần

Cơn sóng thần cực lớn gây ra bởi trận động đất mạnh tới 8,9 độ Richter ngày 26/12/2005 ở Nam Á, Đông Nam Á và khu vực Đông Phi đã cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng.

Những cơn sóng dồn dập, cao hàng chục mét đã cuốn đi tất cả các ngôi làng ven biển. Sau cơn thảm họa, mỗi giờ người ta lại tìm thấy thêm hàng nghìn xác chết mới và con số những người mất tích không ngừng tăng lên.

Những pha thoát hiểm kỳ lạ trong thảm họaẢnh minh họa

Ông Shahputra bị sóng thần cuốn ra biển và may mắn thoát chết sau 8 ngày bám vào một cái cây nhờ ăn dừa và uống nước mưa. Shahputra bị sóng thần cuốn ra biển khi ông đang lau chùi đền thờ. Sau đó ông bám vào các cành cây cùng với một số người khác trong làng, nhưng cuối cùng họ bị nhấn chìm hết trong biển cả. Thủy thủ của một chiếc tàu đang hành trình từ Nam Phi về Malaysia đã phát hiện ra ông đứng trên một cái bè đang vẫy gọi trong tuyệt vọng. Ông được tìm thấy trong tình trạng rất yếu và cháy nắng. 9 nạn nhân khác của trận sóng thần được tìm thấy trên đảo Campbell Bay trong vịnh Andaman sau 38 ngày. Những người này đã phải ăn và uống nước dừa để sống trước khi được trực thăng cảnh sát bất ngờ tìm thấy.

Theo Sức khoẻ và Đời sống, Vnexpress
  • 3,73
  • 10.030