Những pha thoát hiểm thần kỳ của phi công Nga tài năng

  •  
  • 1.745

Lịch sử ngành hàng không dân dụng của Liên Xô và sau này là Nga ghi nhận những lần các phi công Nga tài năng điều khiển máy bay thoát hiểm thần kỳ trong những tình huống ngặt nghèo.

“Phép màu trên dòng Hudson” là sự kiện nổi bật năm 2009, khi phi công Mỹ thực hiện pha hạ cánh khẩn cấp an toàn trên dòng sông Hudson chảy qua thành phố New York.

Trong lịch sử của Liên Xô và sau này là Nga cũng từng ghi nhận những phép màu tương tự khi những phi công Nga tài năng thoát hiểm thần kỳ trong những tình huống ngặt nghèo buộc phải hạ cánh khẩn cấp.

Phép màu trên dòng Neva

Tôi đang ở trên ban công và nhìn thấy người ta chạy đến bên dòng Neva. Chắc chắn có điều gì xảy ra rồi. Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc Tupolev Tu-124 nổi bập bềnh và những hành khách trên đó rời máy bay trên 1 chiếc cánh của nó”, Yury Tuysk, sống tại Leningrad (bây giờ là Saint Petersburg) nhắc lại hồi ức về sự kiện diễn ra ngày 21/8/1963.

Phi công Nga nhiều lần chứng tỏ khả năng tuyệt vời của mình trong những tình huống ngặt nghèo buộc phải hạ cánh khẩn cấp
Phi công Nga nhiều lần chứng tỏ khả năng tuyệt vời của mình trong những tình huống ngặt nghèo buộc phải hạ cánh khẩn cấp. (Ảnh: TASS).

Những gì diễn ra trong sự kiện này hơi giống với trường hợp của “Phép màu trên dòng Hudson”, song các phi công của hãng Aeroflot phải đổi mặt với việc cả 2 động cơ của chiếc Tu-124 bị hỏng hoàn toàn.

Sau khi cất cánh từ sân bay Tallinn, Estonia, phi hành đoàn trên chiếc Tu-124 chở theo 45 hành khách sớm phát hiện ra càng trước không thể thu được, nên hướng máy bay đến Leningrad thay vì Matxcơva.

Sau khi tới không phận Leningrad, các phi công quyết định bay vòng quanh thành phố để rút cạn nhiên liệu trước khi hạ cánh khẩn cấp. Càng trước của máy bay vẫn mắc kẹt trong khi 1 động cơ ngừng hoạt động khiến cơ trưởng buộc phải bay qua thành phố Leningrad để hạ cánh xuống sân bay Pulkovo.

Đột nhiên động cơ thứ 2 ngừng hoạt động, chiếc máy bay không đủ độ cao để lượn ra khỏi thành phố. Cơ trưởng Viktor Mostovoy, khi ấy 27 tuổi, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hạ cánh xuống dòng Neva.

"Phép màu trên dòng Neva" xảy ra ngày 21/8/1963 tại thành phố Leningrad
"Phép màu trên dòng Neva" xảy ra ngày 21/8/1963 tại thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg). (Ảnh: Sputnik)

Chiếc Tu-124 bay lướt qua vài cây cầu trên dòng Neva, thậm chí chỉ cách đỉnh cây cầu cuối vài mét. Khi đáp xuống mặt nước, cánh phải của chiếc Tu-124 suýt va vào 1 chiếc tàu kéo, cú hạ cánh êm đến mức không ai trên máy bay bị thương.

Phi công kỳ cựu Yury Sytnik nhận định rằng đó là trường hợp cực hiếm: “Chỉ có thể thực hiện trên mô phỏng. Ở ngoài đời, chỉ có 2 trên 10 máy bay nguyên vẹn sau cú hạ cánh như vậy. Nước không mềm như bạn nghĩ đâu, khó hạ cánh trên mặt nước và nó có thể xé máy bay của bạn thành từng mảnh nhỏ. Gần như không thể sống sót được”.

Phép màu ở Izhma

Ngày 7/9/2010, máy bay Tupolev Tu-154 của hãng Alrosa chở theo 81 hành khách gặp tình huống cực kỳ nguy hiểm khi bay qua những khu rừng taiga tại Siberia, khi hệ thống điện của máy bay này bị hỏng hoàn toàn.

Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống dẫn đường ngừng lẫn bơm nhiên liệu đều ngừng làm việc, động cơ máy bay chỉ còn đủ nhiên liệu cho 30 phút bay sau khi sự cố xảy ra.

Video: Máy bay Tupolev Tu-154 hạ cánh kỳ diệu tại Izhma

May mắn thay, các phi công phát hiện ra 1 sân bay bỏ hoang gần làng Izhma, trong gần 12 năm liên tục chỉ có trực thăng hạ cánh tại đây và thậm chí còn bị loại khỏi bản đồ trong suốt 7 năm ròng rã. Song điều đáng ngạc nhiên là đường băng vẫn đủ tố để máy bay chở khách hạ cánh.

Dù chỉ phải đảm nhận công việc bảo trì bãi đáp trực thăng, song Sergei Sotnikov, người phụ trách khu vực này vẫn tự giác bảo trì cả đường băng của sân bay. Sau này ông Sergei Sotnikov nói với báo giới rằng phi công chiếc Tu-154 “không thể tin vào mắt anh ấy khi anh ấy nhìn thấy đường băng – tôi lắp đặt những biển báo cần thiết và sơn vẽ các dấu hiệu”.

Tuy nhiên đường băng hơi quá ngắn, nó chỉ dày 1.300 m trong khi chiếc Tu-154 cần đường băng 2 km để đảm bảo hạ cánh an toàn. Thêm nữa, hệ thống điện trục trặc khiến vành cánh của máy bay không hoạt động, do đó việc giảm tốc độ là điều không thể.

Chiếc Tu-154 trượt khỏi đường băng 160 m
Chiếc Tu-154 trượt khỏi đường băng 160 m. (Ảnh: Sputnik)

Phi công điều khiển chiếc Tu-154 phải thực hiện thao tác hạ cánh đến 3 lần, khi tiếp đất chiếc Tu-154 di chuyển với tốc độ 420 km/h thay vì 250 km/h như bình thường. “Nhanh đến mức mà lốp cháy lên. Máy bay vượt qua đường băng khoảng 160 m”, ông Sotnikov nói. Và thật may mắn, không có bất cứ ai trên máy bay bị thương.

Tôi cảm thấy biến ơn phi hành đoàn. Chúng tôi chẳng có thời gian mà sợ hãi”, một trong số các hành khách nói ngay sau khi đến Matxcơva. Ông Sotnikov nhận huy chương vì hành động đầy trách nhiệm và tự giác khi bảo trì cả sân bay nói trên, vốn không phải là nhiệm vụ của ông, còn 2 phi công nhận danh hiệu Anh hùng Nước Nga.

Vụ nổ trên biển Caribe

Ngày 10/2/2016, máy bay chở khách Boeing 777 của hãng hàng không Orenair chở theo hành khách cất cánh từ sân bay thuộc Cộng hòa Dominica tới Matxcơva, Nga. Thế nhưng động cơ của chiếc máy bay này bốc cháy và phát nổ.

“Chúng tôi đang ở khu trước của máy bay. Vụ nổ xảy ra ở bên trái... Cơ trưởng nói sẽ hạ cánh khẩn cấp và chúng tôi sẽ quay lại Punta Cana. Ông ấy cho máy bay lượt vòng khoảng 40 phút. Việc hạ cánh diễn ra như thường lệ. Cơ trưởng thật tuyệt vời”, hành khách Alexander Kolotilin chia sẻ với RT.

Cơ trưởng Konstantin Parikozha, người thực hiện an toàn pha hạ cánh khẩn cấp trên chiếc Boeing 777 chỉ còn 1 động cơ
Cơ trưởng Konstantin Parikozha, người thực hiện an toàn pha hạ cánh khẩn cấp trên chiếc Boeing 777 chỉ còn 1 động cơ. (Ảnh: TASS)

Việc hạ cánh 1 chiếc máy bay chở khách khổng lồ với đầy nhiên liệu và chỉ còn 1 động cơ là thách thực cực kỳ khủng khiếp.

Những hành động của tổ bay cực kỳ chuyên nghiệp. Trọng lượng của máy bay rất lớn. Không thể dùng được mọi biện pháp theo thông lệ vì chỉ còn 1 động cơ hoạt động”, phi công bay thử Viktor Zabolotsky đánh giá cao hành động của các phi công trên chiếc Boeing 777 gặp nạn này.

Trong quá trình hạ cánh, khung thân của chiếc Boeing 777 nói trên bắt lửa. Hành khách buộc phải sử dụng máng trượt khẩn cấp để di tản khỏi máy bay. Không có bất cứ ai bị thương trong vụ việc này và cơ trưởng điều khiển chiếc Boeing 777 nói trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng Huân chương Dũng cảm.

Cập nhật: 18/02/2018 Theo VTC
  • 1.745