Những phát hiện mới về dấu vết người cổ đại đến Australia

  •  
  • 91

Theo phóng viên tại Sydney, các nhà khảo cổ đến từ Đại học Quốc gia Australia cho biết đã tìm thấy các mẫu hóa thạch của động vật và thực phẩm có niên đại 42.000 năm tại một ngôi làng ở Indonesia thuộc Thềm Sahul, vốn là một khối đất gắn với Australia ngày nay.

Phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng mới giúp làm sáng tỏ con đường di cư có thể có của những nhóm người cổ đại đến quốc gia châu Đại Dương này.

 Một ngôi làng ở bờ biển phía bắc Tanimbar, Indonesia.
Một ngôi làng ở bờ biển phía bắc Tanimbar, Indonesia. (Ảnh: anu.edu.au).

Những khám phá khảo cổ học mới ở Indonesia đang giúp vẽ lên bức tranh về các mô hình di cư của con người qua Đông Nam Á và đến Australia. Một trong những ví dụ lâu đời nhất về nghệ thuật hang động đã được phát hiện ở đảo Sulawesi của Indonesia vào đầu tháng này và hiện các nhà nghiên cứu đã có một khám phá khác.

Ông Hendri Kaharudin, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia và là tác giả chính của nghiên cứu mới này, cho biết các dấu vết cổ đại được tìm thấy trong một ngôi làng trên quần đảo Tanimbar cho thấy con người đã cư ngụ và sinh sống ở đó cách đây 42.000 năm. Dấu vết của sự sống vẫn còn, gồm vỏ sò, dấu đốt lửa và than củi, nhím biển và cua.

Sahul là một lục địa cổ đại bao gồm lục địa Australia, Tasmania, New Guinea và quần đảo Aru, bị chia cắt sau kỷ băng hà cuối cùng cách đây khoảng 18.000 năm. Từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu đã tranh luận về 2 con đường di cư có thể có để giải thích cách người cổ đại đến Thềm lục địa Sahul. Con đường di cư đầu tiên vạch ra hành trình từ Sulawesi của Indonesia đến New Guinea - một tuyến đường mà các nhà nghiên cứu đã biết trước đây từng là cầu nối đất liền đến đất New Guinea. Một con đường khác ở phía Nam, nối dài từ Bali đến Timor và quần đảo Tanimbar, mà những hòn đảo này là một phần của một tuyến đường quan trọng như nhóm các nhà nghiên cứu và ông Kaharudin phỏng đoán. Ở giữa là một nhóm quần đảo gọi là Wallacea, vì vậy để đến Australia, họ phải đi từ đảo này sang đảo kia, tìm cách vượt qua rào chắn là biển để đi tới.

Những phát hiện mới cung cấp bằng chứng cho thấy, con đường ở phía Nam là một tuyến đường được sử dụng nhiều và cũng cho thấy những bằng chứng về kỹ thuật hàng hải tiên tiến của người cổ đại cùng kỹ năng định hướng của họ vào thời kỳ đó. Ông Kaharudin cho biết con đường này có tuổi bằng với Timor, cách Tanimbar khoảng 100km về phía Tây, và tại Wallacea, con đường có rất nhiều nhánh.

Các nhà nghiên cứu cho biết vẫn còn bằng chứng về sự định cư của con người ở Australia có niên đại hơn 60.000 năm. Sự di cư từ Indonesia chỉ là một mảnh ghép khác của bức tranh chưa hoàn chỉnh mà các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm để giải đáp cho câu hỏi về nguồn gốc sinh vật học đặc thù trên lục địa Australia.

Cập nhật: 02/08/2024 TTXVN/Báo Tin tức
  • 91