Tàn tích nghi thành cổ Troy trên ngọn đồi Thổ Nhĩ Kỳ

  •  
  • 1.655

Các nhà nghiên cứu tìm thấy dấu vết một thành phố cổ đại rộng lớn với tường thành đồ sộ bị vùi lấp dưới đồi Hisarlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi sử thi Iliad của Homer lần đầu tiên được viết vào thế kỉ thứ 8 trước Công nguyên, cuộc chiến thành Troy đã trở thành câu chuyện dân gian quen thuộc.

Nhờ văn hóa truyền miệng, mọi người biết đến cuộc vây hãm dài ngày, trận tỷ thí sống còn bên ngoài thành và mưu mẹo giúp đưa đến chiến thắng.

Cuối cùng, cả thành phố phồn hoa chìm trong biển lửa và không bao giờ vực dậy được. Nhưng liệu thành Troy có thực sự tồn tại?

Vào thời gian khảo cổ bắt đầu định hình ở thế kỉ 19, nhiều người hoài nghi câu chuyện hoàn toàn hư cấu, thần thoại do trí tưởng tượng vẽ ra về thời kỳ anh hùng đã qua. Nhưng vài học giả tin rằng, đằng sau chiến công phi thường và những điều kì diệu hẳn phải ẩn dấu sự thật lịch sử, một cuộc chiến thực sự đã xảy ra ở nơi nào đó. Frank Calvert cũng nằm trong số đó.

Con ngựa thành Troy.
Con ngựa thành Troy.

Ông đã dành cả tuổi trẻ để đi và tìm hiểu về những nền văn minh cổ đại, trước khi cùng em trai là Frederick đến vùng Anatolia thuộc Canakkale theo sứ mệnh ngoại giao.

Tại đây, Homer đã mô tả về sự định cư của người Hy Lạp ở cửa sông Scamander. Tại đây, số phận đã đưa Frank gặp gỡ nhà báo kiêm nhà địa chất tên Charles Maclaren.

Người dân địa phương từ lâu đã suy đoán thành Troy có lẽ nằm trên một trong những đỉnh đồi bao quanh.

Maclaren đã trở thành một trong những người đầu tiên công bố nghiên cứu chi tiết về khu vực này. Ông tin đã tìm ra vị trí mô đất cao 32m được biết đến với cái tên Hisarlik, có nguồn gốc từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nghĩa là “pháo đài”.

Ngay sau khi gặp Maclaren vào năm 1847, anh em Calvert đã mua 810 hecta trong khu đất này, bao gồm cả phần đồi.

Trước khi họ có thể khám phá thêm, chiến tranh Crimea đã nổ ra và cản trở những hoài bão khảo cổ của họ trong nhiều năm. Sau khi chiến tranh kết thúc, Frank Calvert bắt đầu nghiên cứu vị trí, nhưng thiếu kinh phí để tiến hành khai quật toàn diện. Đây là lúc thương gia giàu có người Đức và nhà khảo cổ học nghiệp dư Heinich Schliemann xuất hiện.

Theo lời mời của Calvert, Schliemann đến thăm mảnh đất vào năm 1868 và quyết định khai quật. Hào hứng tìm kiếm thành phố cổ, Schliemann đã đào rất nhiều hầm, rãnh xung quanh chân ngọn đồi. Tại đây, ông phát hiện kho báu là những đồ tạo tác quý giá, trang sức và đồ kim loại, bao gồm hai vương miện và một chiếc khiên bằng đồng.

Từ khám phá này, Schliemann được ghi nhận đã tìm ra thành Troy và kho báu của vua Priam. Nhưng kho báu thực sự ở một nơi khác.

UNESSCO đã công nhận Hisarlik là di tích thành Troy cổ.
UNESSCO đã công nhận Hisarlik là di tích thành Troy cổ. (Ảnh minh họa).

Khi những nhà khảo cổ kế tiếp nghiên cứu vị trí này, họ nhận ra mô đất bao gồm ít nhất 9 thành phố, phần mới được xây trên phần sụp đổ của địa tầng trước.

Những khám phá của Schliemann lại có niên đại từ thời kỳ Mycenae, sớm hơn 1000 năm so với thời kỳ Homer. Nhưng ở trong mô đất là những bằng chứng xác thực về một thành phố từng phát triển mạnh mẽ trong thời đồ Đồng với đá than hóa và đầu mũi tên gãy, những bộ xương người bị hỏng hé lộ một kết cục bạo lực. Đó là Troy VII, nằm vùi trong những địa tầng văn hóa ở giữa, giờ bị tàn phá thêm lần nữa bởi sự khai quật bất cẩn của Schliemann.

Khu định cư rộng khoảng 200.000m2 và là nơi trú ngụ của 10.000 người, phát triển thịnh vượng đến tận khoảng năm 1180 trước Công nguyên.

Vị trí ở lối vào phía nam eo biển Dardanelles tạo nên một địa điểm chiến lược cho cả phòng thủ lẫn thương mại. Quan trọng nhất là ở đây vẫn còn tàn tích của bức tường đồ sộ, có lẽ chính là bức tường mà Priam và Hector đã đứng nhìn quân Hy Lạp tiến đến gần. Tất nhiên, rất khó để xác định chắc chắn những tàn tích này là từ thành Troy cổ và các học giả vẫn đang tranh cãi, liệu cuộc chiến thành Troy mà Homer miêu tả liệu có thực sự xảy ra.

Tuy nhiên, với những bằng chứng thuyết phục, UNESSCO đã công nhận Hisarlikdi tích thành Troy cổ.

Cập nhật: 10/09/2018 Theo VNE
  • 1.655