Các nhà nghiên cứu ở Morocco tình cờ phát hiện một con đường có chứa 85 dấu chân con người được bảo tồn tốt, thuộc hàng lâu đời nhất trên thế giới.
Hai dấu chân người cổ đại in trên một bãi biển ở Morocco tạo thành một trong những dấu chân lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 85 dấu chân do con người để lại tại bãi biển ở Morocco. (Ảnh: M. Sedrati, et al).
Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà nghiên cứu đã tình cờ phát hiện ra địa điểm có dấu chân gần mũi phía bắc của Bắc Phi vào năm 2022 khi đang nghiên cứu các tảng đá ở bãi biển gần đó.
Mouncef Sedrati, phó giáo sư về động lực học ven biển và địa chất tại Đại học Nam Brittany ở Pháp, cho biết: “Giữa các đợt thủy triều, tôi nói với nhóm của mình nên đi về phía bắc để khám phá một bãi biển khác và hết sức ngạc nhiên khi tìm thấy dấu chân đầu tiên. Lúc đầu, chúng tôi không tin đó là dấu chân, nhưng sau đó chúng tôi tìm thấy thêm dấu vết".
Phân tích địa điểm này, nơi có dấu vết con người duy nhất được biết đến ở Bắc Phi và Nam Địa Trung Hải, đã tiết lộ hai con đường mòn chứa tổng cộng 85 dấu chân con người thuộc nhóm người hiện đại thời kỳ đầu in dấu trên bãi biển.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp xác định niên đại quang học, một kỹ thuật xác định thời điểm các khoáng chất cụ thể trên hoặc gần một hiện vật được tiếp xúc lần cuối với nhiệt hoặc ánh sáng mặt trời. Dựa trên độ tuổi của các hạt thạch anh tạo nên phần lớn cát của bãi biển dốc thoai thoải, các nhà nghiên cứu xác định rằng, một nhóm người Homo sapiens nhiều thế hệ đã đi bộ trên bãi biển khoảng 90.000 năm trước, tạo ra các con đường. Sự kiện này diễn ra vào thời kỳ Hậu Pleistocene, còn được gọi là kỷ băng hà cuối cùng, kết thúc khoảng 11.700 năm trước.
Sedrati cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện các phép đo tại chỗ để xác định chiều dài và độ sâu của dấu chân. Dựa trên kích thước của dấu chân, chúng tôi có thể xác định độ tuổi gần đúng của các cá nhân, bao gồm cả trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn".
Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc bảo tồn tuyệt vời các dấu chân cổ xưa là do vị trí của bãi biển và tầm xa của thủy triều để có thể "bảo tồn dấu chân cuối cùng".
Sedrati cho biết: "Điều đặc biệt là vị trí của bãi biển trên một nền đá được bao phủ bởi trầm tích đất sét. Những trầm tích này tạo điều kiện tốt để bảo tồn dấu vết trên bãi cát trong khi thủy triều nhanh chóng chôn vùi bãi biển. Đó là lý do tại sao có dấu chân được bảo quản rất tốt ở đây".
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về những gì nhóm kỷ băng hà đang làm trên bãi biển.
Sedrati nói: “Chúng tôi hy vọng tìm hiểu được toàn bộ lịch sử của nhóm người này và những gì họ đã làm ở đó”.