Những sự kiện thiên văn nổi bật trong tháng 9

  •  
  • 1.405

Sự gặp gỡ của các hành tinh, Mặt Trăng, giai đoạn chuyển tiếp giữa các mùa là những sự kiện thiên văn nổi bật trong tháng này.

Khi màn đêm tại Bắc bán cầu bắt đầu dài ra trong tháng 9, những người quan sát bầu trời có cơ hội chiêm ngưỡng một số hành tinh gần Trái Đất từ lúc chạng vạng tối đến lúc bình minh của ngày hôm sau, theo National Geographic. Sao Kim bay gần hơn so với Mặt Trời và trở nên sáng hơn, trong khi đó hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc và sao Thổ nổi bật ở bầu trời phía nam. Cả hai bán cầu bước qua giai đoạn chuyển mùa, thu phân ở Bắc bán cầu và xuân phân ở Nam bán cầu.

Sao Kim gặp ngôi sao Spica - ngày 1/9

Khoảng 30 phút sau khi Mặt Trời lặn, chúng ta có thể nhìn thấy hai điểm sáng nổi bật nằm cạnh nhau ở gần đường chân trời phía tây là sao Kim và Spica, ngôi sao sáng nhất của chòm sao Xử Nữ.

Sao Kim, hành tinh thứ hai tính từ Mặt Trời, và ngôi sao Spica chỉ cách nhau bằng khoảng chiều rộng của hai đĩa Mặt Trăng. Chúng ta có thể quan sát rõ hơn cuộc hội ngộ này bằng ống nhòm.

Sao Kim và ngôi sao Spica nằm ở vị trí gần nhau ngày 1/9.
Sao Kim và ngôi sao Spica nằm ở vị trí gần nhau ngày 1/9. (Ảnh: A. Fazekas).

Mặt Trăng gặp sao khổng lồ đỏ - ngày 3/9

Nếu nhìn lên cao trên bầu trời phía đông ngay trước lúc bình minh, chúng ta sẽ thấy mặt trăng lưỡi liềm nằm cạnh ngôi sao khổng lồ đỏ Aldebaran, thành viên chính của chòm sao Kim Ngưu. Bằng cách sử dụng ống nhòm, chúng ta cũng có thể nhận ra hình dạng chữ V riêng biệt của cụm sao Hyades ở gần Aldebaran.

Trăng lưỡi liềm xuất hiện gần ngôi sao Aldebaran và cụm sao Hyades vào ngày 3/9.
Trăng lưỡi liềm xuất hiện gần ngôi sao Aldebaran và cụm sao Hyades vào ngày 3/9. (Ảnh: A. Fazekas).

Ánh sáng hoàng đạo - ngày 5/9

Ánh sáng hoàng đạo, hoặc bình minh giả, là nguồn ánh sáng kỳ lạ giống một kim tự tháp mờ ảo, kéo dài lên từ đường chân trời phía đông vào mùa thu, trước khi Mặt Trời mọc. Người quan sát cũng có thể thấy nó ở phía tây vào mùa xuân, sau khi Mặt Trời lặn. Trong trường hợp này nó được gọi là hoàng hôn giả.

Kể từ ngày 5/9, bầu trời không có Mặt Trăng trước lúc bình minh. Do đó, hai tuần kế tiếp là cơ hội tốt nhất cho những người muốn quan sát ánh sáng hoàng đạo tại Bắc bán cầu.

Nhiều người cho rằng, ánh sáng hoàng đạo bắt nguồn từ hiện tượng nào đó trên tầng cao khí quyển của Trái Đất. Tuy nhiên, nó hình thành khi ánh sáng Mặt Trời phản chiếu vô số hạt bụi bay xung quanh Mặt Trời, thuộc mặt phẳng đĩa của hệ Mặt Trời (Trái Đất và các thiên thể dường như đều quay xung quanh một mặt phẳng hình đĩa với tâm là Mặt Trời). Những hạt bụi này còn sót lại trong quá trình hình thành Trái Đất và các hành tinh khác cách đây 4,5 tỷ năm.

Mặt Trăng nằm cạnh sao Mộc - ngày 13/9

Khi màn đêm buông xuống, Mặt Trăng lưỡi liềm sẽ nằm ngay bên cạnh sao Mộc ở phần thấp của bầu trời phía tây nam. Cả hai thiên thể sẽ lặn xuống dưới đường chân trời vào lúc 10 giờ tối theo giờ địa phương.

Mặt Trăng gặp sao Thổ - ngày 17/9

Khi hoàng hôn buông xuống, Mặt Trăng khuyết sẽ xuất hiện phía trên sao Thổ màu vàng ở bầu trời phía nam. Ngay bên dưới chúng là nhóm sao Teapot thuộc chòm sao Nhân Mã có hình dạng giống một chiếc ấm pha trà.

Mặt Trăng nằm gần sao Thổ và nhóm sao Teapot.
Mặt Trăng nằm gần sao Thổ và nhóm sao Teapot. (Ảnh: A. Fazekas).

Điểm phân - ngày 22/9

Điểm phân (equinox) năm nay sẽ xảy ra vào lúc 8 giờ 54 phút ngày 23/9, theo giờ Việt Nam. Đây là thời gian chính thức bắt đầu mùa thu ở Bắc bán cầu và mùa xuân ở Nam bán cầu. Từ "equinox" bắt nguồn từ tiếng Latin "equal night", ám chỉ thời gian ngày và đêm bằng nhau. Thu phân và xuân phân cũng là những ngày duy nhất trong năm Mặt Trời mọc ở chính Đông và lặn ở chính Tây.

Chòm sao Pegasus - ngày 30/9

Nhìn về bầu trời hướng đông bắc, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của chòm sao khổng lồ Pegasus, hay còn gọi là ngựa bay. Đây là chòm sao lớn thứ 7 trên toàn bộ bầu trời, và rất dễ nhìn thấy nhờ bốn ngôi sao sáng rực rỡ xếp thành hình ô vuông, tượng trưng cho cơ thể con ngựa.

Cập nhật: 08/09/2018 Theo VNE
  • 1.405