Những thanh kiếm có hình dạng kỳ quặc từng được sử dụng trên chiến trường

  •   4,73
  • 3.197

Trong lịch sử vũ khí của nhân loại, có không ít thanh kiếm mang hình thù kỳ quái mà chẳng ai nghĩ có thể sử dụng trên chiến trường.

Top 7 thanh kiếm kỳ quặc từng được sử dụng trong lịch sử

Kiếm là một trong số những loại vũ khí lâu đời và được sử dụng phổ biến nhất trong mọi cuộc giao tranh xuyên suốt lịch sử nhân loại. Hình dạng thường thấy nhất của kiếm là mỏng dẹt, dài với phần lưỡi được mài sắc và chuôi cầm. Tuy nhiên, cũng có không ít thanh kiếm có hình dạng độc nhất vô nhị, khác biệt hẳn so với hình dạng thông thường.

1. Nagan

Kiếm Nagan
Thanh kiếm này có hình dạng uốn éo giống hệt một con rắn đang bò trườn.

Trong tiếng Ấn, Nagan có nghĩa là rắn. Thế nên tất nhiên thanh kiếm này cũng có hình dạng uốn éo giống hệt một con rắn đang bò trườn. Thuở xa xưa, Ấn Độ là một trong số những siêu cường công nghệ. Cũng giống như Trung Quốc, nhờ lợi thế về vị trí địa lý nên người Ấn đã tiếp xúc được với kỹ thuật luyện kim chất lượng cao. Chính vì vậy mà thanh kiếm Nagan vẫn giữ được độ bền lẫn khả năng chiến đấu dù có hình dạng vô cùng kỳ quặc có sức sát thương khủng khiếp này.

2. Macuahuitl

Kiếm Macuahuitl
Thanh kiếm này có độ sắc bén và sát thương ngang với lưỡi kiếm thép.

Một thanh kiếm do người Aztec chế tác. Thay vì hình dạng mỏng dẹt, dài thì thanh macuahuitl lại có hình dạng giống một chiếc vợt với hai hàng đá odisbian được mài sắc hai cạnh đóng vai trò thế chỗ cho lưỡi kiếm thép. Điều kỳ lạ là thứ vũ khí trông như đồ chơi này lại có độ sắc bén và sát thương ngang với lưỡi kiếm thép. Hơn nữa, macuahuitl còn đáp ứng yêu cầu vô hiệu hóa các đối thủ sử dụng khiên.

3. Nagamaki

Kiếm Nagamaki
Điểm kỳ quặc ở thanh nagamaki là phần chuôi kiếm có vẻ dài quá khổ

Một thanh kiếm có hình dạng đặc trưng của vũ khí Nhật. Tuy nhiên, điểm kỳ quặc ở thanh nagamaki là phần chuôi kiếm có vẻ dài quá khổ, mất cân đối với phần lưỡi kiếm. Ưu điểm của thiết kế lạ lùng này có lẽ nằm ở việc người dùng có thể sử dụng để tấn công tầm xa.

4. Khopesh

Kiếm Khopesh
Thanh kiếm này vốn được cải tiến từ rìu chiến chứ không phải nông cụ.

Khopesh còn được gọi là kiếm liềm vì người ta cho rằng nó được cải tiến từ một công cụ nông nghiệp. Dù đây là vũ khí thời Đồ Đồng, nhưng có vẻ người ta vẫn dùng nó cho tới đầu thời kỳ Đồ Sắt. Các nghiên cứu về khopesh đã chỉ ra rằng kiếm vốn được cải tiến từ rìu chiến chứ không phải nông cụ.

5. Flamberge

Kiếm Flamberge
Thanh kiếm này có lưỡi kiếm dạng lượn sóng đều đặn trong khi phần chuôi khá nhỏ gọn.

Một thanh kiếm khác có hình dạng "không giống ai" có xuất xứ từ Đức. Flamberge có nghĩa là ngọn lửa, thế nên cũng không có gì ngạc nhiên khi lưỡi kiếm lại có dạng lượn sóng đều đặn trong khi phần chuôi khá nhỏ gọn.

6. Falx

Kiếm Falx
Thanh kiếm này có hình dạng cong giống hình trăng lưỡi liềm.

Falx là thanh kiếm của người Dacia. Nó có chiều dài trung bình khoảng 100cm, hình dạng cong giống hình trăng lưỡi liềm. Phần chuôi được bố trí nhỏ, dễ cầm.

7. Kris

Kiếm Kris
Kris đại diện cho sức mạnh ma thuật, đem đến may mắn và xua tan điều xấu.

Kris là vũ khí của người Indonesia. Được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Kris có phần lưỡi lượn sóng, gồm ba phần: lưỡi (billah hay wilah), chuôi kiếm (hulu) và vỏ bọc (warangka). Các bộ phận của kris đều có giá trị nghệ thuật cao, do được chạm khắc tỉ mỉ, chất liệu đa dạng từ kim loại, gỗ quý đến vàng và ngà voi. Tùy vào chất lượng và giá trị lịch sử, kris có thể trị giá đến hàng ngàn đô la hoặc hơn.

Kris đại diện cho sức mạnh ma thuật, đem đến may mắn và xua tan điều xấu, nên thường được sử dụng trong các lễ hội, nghi lễ thờ cúng. Ngoài ra, kris cũng có nhiều biến thể khác nhau, lên đến 60 loại.

Cập nhật: 03/06/2021 Theo Pháp luật và bạn đọc/GĐ&XH
  • 4,73
  • 3.197