Khoa học giải thích tại sao bạn lại nhìn thấy... ma!

  •   32
  • 3.683

Theo Sciencing, cả ma, yêu tinh và ma cà rồng đều không thực sự tồn tại. Vì vậy, việc bạn nhìn thấy ma có thể chỉ là do quá sợ hãi.

Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng không có bằng chứng khoa học nào chỉ ra rằng ma có tồn tại. Tuy nhiên, điều này không khiến mọi người ngừng tin tưởng rằng có tồn tại thế lực siêu nhiên kể trên. Trong một cuộc thăm dò của Huffington Post/YouGov năm 2013, có khoảng 45% người Mỹ tin rằng có ma trên đời. Ngoài ra, theo một khảo sát của Pew vào năm 2009, 18% số người được hỏi cho biết đã nhìn thấy ma.

Vậy tại sao lại có niềm tin của con người vào việc ma thực sự tồn tại trên đời? Các nhà khoa học cho rằng đây là vấn đề thuộc về yếu tố văn hóa, giống như kiểu có niềm tin cho rằng sự sống sau cái chết thực sự tồn tại.

Nhìn thấy ma là do quá sợ hãi

Theo Sciencing, việc nhiều người cho rằng nhìn thấy ma là do tác dụng phụ của phản ứng căng thẳng tự nhiên. Khi quá sợ hãi và căng thẳng, ví dụ như việc đi bộ một mình vào ban đêm, nhiều người sẽ nghĩ rằng có bước chân phía sau mình.

Khi đó, trái tim sẽ bắt đầu đập nhanh hơn và nhận thức của bạn về môi trường xung quanh cũng nhạy bén hơn nhiều. Điều này khiến cho chỉ cần nghe được một thứ gì đó hoặc nhìn thấy thứ gì đó đang chuyển động là bạn quy ngay cho nó là ma.

Việc nhiều người cho rằng nhìn thấy ma là do tác dụng phụ của phản ứng căng thẳng tự nhiên
Việc nhiều người cho rằng nhìn thấy ma là do tác dụng phụ của phản ứng căng thẳng tự nhiên.

Lý thuyết kể trên đã được khoa học chứng minh. Các nhà nghiên cứu tại Anh từng kiểm tra trạng thái tinh thần của những người từng cho rằng bản thân nhìn thấy ma. Họ phát hiện ra những người đó nhiều khả năng nhìn thấy ma (hoặc các sinh vật huyền bí khác) khi bị căng thẳng.

Nói cách khác, khi căng thẳng, cơ thể chúng ta quá nhạy bén với mọi thứ xung quanh và tưởng tượng bất kỳ thứ gì chuyển động cũng có thể là ma.

Niềm tin nói chuyện được với người đã chết

Niềm tin rằng thực sự nói chuyện được với người chết thậm chí còn phổ biến hơn là niềm tin rằng có ma trên đời. Khi trải qua một trải nghiệm quá đau buồn, chẳng hạn như việc mất người thân, đương nhiên bạn sẽ tuyệt vọng và tìm kiếm sự an ủi.

Một chuyên gia về nhận thức người Anh có tên Jennifer Whitson trả lời BBC cho biết: "Nếu bộ não không thể được kiểm soát một cách khách quan, chúng ta sẽ nhận thức có nhiều cấu trúc xung quanh mình hơn, ngay cả khi chúng không tồn tại".

Điều này có nghĩa niềm tin rằng thực sự nói chuyện được với người chết có thể đến từ việc nó sẽ giúp mang lại cảm giác thoải mái cho bạn hoặc mang đến niềm tin rằng họ đang thực sự dõi theo bạn. Tất nhiên, điều này có nghĩa là việc người thân hiện về trong giấc mơ cũng là một phần của việc bạn quá đau buồn và nhớ về họ.

Hầu hết mọi người tin rằng có tồn tại sự sống sau cái chết. Điều này khiến không có gì ngạc nhiên khi nhiều người tin rằng người chết cũng có thể xuất hiện hoặc liên lạc với chúng ta. Việc nhận thức được tiếp xúc với một hồn ma có thể là một phần của quá trình đau buồn bình thường và thậm chí có thể cho bạn biết về cách não bộ hoạt động trong một tình huống căng thẳng sẽ như thế nào.

Não khiến bạn nhìn thấy thứ mà đáng lẽ không thể

Những hiện tượng ma quái có thể là kết quả của những vấn đề lớn hơn trong não của chúng ta, cụ thể là chất xám.

Bí ẩn về chứng tê liệt trong khi ngủ vẫn còn chưa được giải đáp
Bí ẩn về chứng tê liệt trong khi ngủ vẫn còn chưa được giải đáp (Ảnh: Sleepcycle).

Đối với một số người, việc nghe thấy tiếng nói hoặc trải nghiệm một vài hình ảnh kỳ lạ có thể là dấu hiệu sớm của các tình trạng bệnh lý như tâm thần phân liệt.

Đối với những người trải qua nỗi đau mất mát người thân, nỗi nhớ về hình bóng của họ có thể khiến não "triệu hồi" các linh hồn như một phương thức để đối phó với chấn thương tâm lý.

Điều đó hình thành nên những "cuộc gặp gỡ" sống động giữa người sống và linh hồn, thứ được các nhà tâm lý học gọi là "giao tiếp sau khi chết".

Nó từ lâu đã nằm trong số những loại trải nghiệm huyền bí phổ biến nhất, ảnh hưởng đến cả những người hoài nghi và những người tin tưởng.

Ngay cả với những người không mắc bệnh tâm thần, những thay đổi tạm thời trong hoạt động của não cũng có thể dẫn đến việc bạn cảm thấy như "chạm trán với hồn ma".

Các nhà khoa học từng mất hàng thập kỷ, nhưng vẫn chưa thể giải mã hiện tượng "liệt trong giấc ngủ", khi vẫn giữ được cảm giác có ý thức nhưng không thể cử động.

Một số người cho rằng nó xảy ra khi não giao thoa giữa giai đoạn nhận thức có ý thức và giai đoạn ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh).

Các nền văn hóa khác nhau có cách gọi tên khác nhau cho hiện tượng kỳ lạ này. Thí dụ ở Campuchia, một số người nói rằng đó là "con ma đẩy nạn nhân xuống". Trong khi ở Nigeria, người dân địa phương lại gọi nó bằng cái tên khác: "con quỷ ngồi lên lưng bạn".

Cập nhật: 30/10/2024 Theo VnReview/Dân Trí
  • 32
  • 3.683