Chích ma túy cho voi, kích động tình dục trên gà tây và thổi hồn vào xác chết, đó là vài trong số những thí nghiệm điên khùng nhất từ trước tới nay do tạp chí New Scientist bình chọn và công bố.
Video: Tự làm những thí nghiệm khoa học độc đáo
Những phòng thí nghiệm trong lòng đất
Năm 1962, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tò mò không biết điều gì sẽ xảy với một con voi được tiêm loại ma túy mạnh gây ảo giác (LSD). Và họ đã tiêm cho một con voi ngà dài một xi-lanh đầy thuốc, có liều lượng gấp 3.000 lần liều tối đa dành cho con người.
Con voi đã rống lên dữ tợn, ngã nhào xuống và chết trong vòng 1 giờ, bất chấp những nỗ lực cứu sống bằng các loại thuốc chống động kinh. "Rõ ràng là voi rất nhạy cảm với tác động của LSD", các nhà nghiên cứu rụt rè kết luận.
Với mong muốn khôi phục lại sự sống cho những người đã khuất, Robert Cornish, một nhà khoa học tại Đại học California, Mỹ, vào những năm 1930, đã đẩy xác chết bập bênh lên xuống để tuần hoàn máu, đồng thời tiêm vào các chất adrenalin và chất chống đông.
Bị đuổi ra khỏi trường vì thí nghiệm kinh hoàng này, Cornish tiếp tục tại nhà. Ông dựng nên một phòng thí nghiệm trong đó có một máy chạy tim phổi được tạo ra từ một máy hút bụi và vật liệu tản nhiệt.
Thomas McMonigle, một tù nhân sắp bị tử hình, đã tình nguyện làm vật thí nghiệm cho Cornish nhưng đã bị chính quyền bang California phản đối, bởi họ lo rằng nếu McMonigle sống lại, hắn có thể lại được tự do và gây đe dọa cho xã hội.
Vào năm 1960, nhà nghiên cứu Ian Oswald tại Đại học Edinburgh, Anh, đã tự hỏi liệu ai đó có thể ngủ mà đôi mắt vẫn mở. Ông đã cho các tình nguyện viên nằm xuống một tràng kỷ, cố định mắt ở tình trạng mở, đặt một hàng ánh sáng trắng trước mắt họ, gắn điện cực vào chân để tạo ra các cú sốc gây đau và bật nhạc thật mạnh vào tai.
3 tình nguyện viên gan dạ đồng ý tham gia thí nghiệm. Bất chấp mọi cản trở đối với giấc ngủ, máy theo dõi điện não đồ cho thấy tất cả đều thiếp đi trong vòng 12 phút.
Hai nhà nghiên cứu Martin Schein và Edgar Hale tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, đã phát hiện thấy những con gà tây đực, khi được đặt trong một phòng có mô hình giống như thật của một con gà cái, liền lập tức lao vào yêu đương với con giả, với thái độ hào hứng không kém như với con thật.
Gà tây đực rất háu gái. (Ảnh: in.gov)
Schein và Hale thí nghiệm để tìm hiểu đâu là mức độ kích thích tình dục tối thiểu, bằng cách từ từ loại bỏ các bộ phận trên mô hình cho tới khi con đực hoàn toàn hết hứng thú.
"Đuôi, bàn chân và cánh - các nhà khoa học đều đã bỏ đi, nhưng con chim khờ khạo vẫn cứ lao tới mô hình, phát ra tiếng kêu đầy dục vọng và tìm mọi cách để thực hiện được hành vi", tác giả Alex Boese của New Scientist viết.
"Cuối cùng chỉ còn mỗi cái đầu ở lại. Con gà đực vẫn máu me. Thực tế, nó vẫn thích một chiếc đầu gắn trên cái que hơn là một cơ thể không đầu", Boese cho biết.
Thí nghiệm nhà tù Stanford là một thí nghiệm tâm lý học xã hội, được tiến hành năm 1971. Tại đây, một nhóm học sinh đóng giả làm tù nhân, với nhóm còn lại là cai ngục.
Thí nghiệm kỳ quái này được cho là nhằm khảo sát những tác động tâm lý của cảm nhận quyền lực, tập trung vào cuộc đấu tranh giữa tù nhân và người quản giáo.
Trong khi các cai ngục thể hiện sự yêu thích quyền lực của họ, các tù nhân ngày càng trở nên bồn chồn, thậm chí nổi loạn. Một số quản giáo thậm chí đã thi hành những biện pháp độc đoán và tra tấn tâm lý đối với một số tù nhân, khiến các nhân viên pháp luật phải can thiệp.
Sau cùng, những phát hiện của thí nghiệm đã đặt ra nhiều nghi vấn, và bản thân thí nghiệm đã bị chỉ trích vì phương pháp luận thiếu khoa học.
Thí nghiệm diễn ra tại nhà tù Stanford.
Do lo ngại sự việc sẽ đi quá xa, nhà tâm lý học Philip Zimbardo – người khởi xướng thí nghiệm đã tuyên bố chấm dứt thí nghiệm sớm hơn dự định.
Thí nghiệm được tiến hành trên 22 trẻ em mồ côi, chia thành 2 nhóm. (ảnh minh họa).
Vào năm 1939, Wendell Johnson tại Đại học Iowa đã tiến hành một thí nghiệm điên rồ. Ông chia 22 trẻ em mồ côi thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất luôn được khen, khuyến khích trong các bài phát biểu. Ngược lại, nhóm thứ hai thường xuyên bị chê trách kịch liệt vì những lỗi sai.
Kết thúc thí nghiệm, những em ở nhóm thứ hai bị tác động tâm lý nặng nề và tỏ ra nhút nhát, sợ hãi. Cuộc thí nghiệm đã được giấu kín do lo ngại ảnh hưởng tới danh tiếng, trong bối cảnh các thí nghiệm trên cơ thể người của Đức Quốc Xã bị thế giới lên án.
Tới năm 2001, cuộc thí nghiệm bị phanh phui. Đại học Iowa đã phải lên tiếng xin lỗi về vụ việc.
Dự án 4.1 là một nghiên cứu y học được tiến hành bởi Hoa Kỳ trên những cư dân quần đảo Marshall từng tiếp xúc với bụi phóng xạ của vụ thử hạt nhân Castle Bravo vào ngày 1.3.1954.
Báo cáo thí nghiệm sau đó được đưa ra cho thấy tình trạng sẩy thai và thai chết lưu ở phụ nữ bị nhiễm xạ tăng gấp đôi trong 5 năm đầu tiên nhưng sau đó lại trở về bình thường. Trẻ em ở đảo này gặp một vài vấn đề trong phát triển nhưng không phổ biến.
Hình ảnh khối u của một nạn nhân phóng xạ.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ sau đó, đã xuất hiện những ảnh hưởng không thể phủ nhận của tình trạng nhiễm xạ. Trẻ em bắt đầu có dấu hiệu bị ung thư tuyến và 1/3 người bị nhiễm xạ có dấu hiệu của các khối u.
Trong báo cáo của Ủy ban Năng lượng Mỹ chỉ ra rằng, nhóm thí nghiệm đã nhận ra nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không thục hiện bất kì một liệu pháp y học nào. Báo cáo cũng cáo buộc mục đích kép của chương trình là sử dụng cư dân Marshall như “chuột bạch” cho thí nghiệm.
Dự án MKULTRA được tiến hành bởi CIA từ đầu thập niên 1950 đến cuối thập niên 1960. Những nạn nhân bị tiêm nhiều loại thuốc gây ra tình trạng ảo giác và thay đổi chức năng của não.
Những nạn nhân bị tiêm nhiều loại thuốc gây ra tình trạng ảo giác.
Các thuốc này được tiêm cho cả nhân viên CIA, quân nhân, bác sĩ, nhân viên chính phủ, gái mại dâm, bệnh nhân tâm thần và những người bình thường khác. Sau đó, những người này được đưa vào nhà thổ để quan sát hoạt động qua một chiếc gương 1 chiều.
Năm 1973, Giám đốc CIA lúc bây giờ là Richard Helms đã ra lệnh tiêu hủy tất cả các tài liệu liên quan đến dự án. Vì vậy ngày nay, không có nhiều thông tin cụ thể về MKULTRA được biết tới.
Aversion là dự án của quân đội Nam Phi triển khai trong thập niên 70,80 thế kỉ XX nhằm tiến hành “chuyển đối giới tính” đối với các binh sĩ đồng tính da trắng. Phần lớn trong số họ là nam giới, có độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi.
Tiến sĩ Aubrey Levin, người tiến hành thí nghiệm.
Các giáo sĩ sau khi phát hiện ra biểu hiện đồng tính sẽ ra lệnh đưa các binh sĩ này tới đơn vị quân đội cơ sở. Họ sẽ bị trói vào cọc gỗ ngoài trời, bị chế giễu, đánh đập và bị nhốt vào các nhà giam biệt lập.
Nếu vẫn chưa “khỏi bệnh”, các binh sĩ sẽ chuyển qua điều trị tại bệnh viên Quân đội. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng thuốc, gây sốc ảo giác, điều trị nội tiết tố bằng cách tiêm hooc-môn giới tính.
Được biết, dự án này được tiến hành bởi Tiến sĩ Aubrey Levin, hiện nay đang là giáo sư lâm sàng tại Khoa Tâm thần, Đại Học Alberta.
Tuskegee là một nghiên cứu lâm sàng với khoảng 399 bệnh nhân người da đen Mỹ gốc Phi nghèo không có khả năng chữa trị được thực hiện từ năm 1932 tới năm 1972 ở Albama (Mỹ).
Một phần mục tiêu ban đầu của nghiên cứu là để xác định xem bệnh nhân khả quan hơn nếu điều trị bằng các biện pháp khắc phục độc hại. Tuy nhiên nghiên cứu này trở nên nổi tiếng bởi vì các bác sỹ không chữa trị cho những người bị bệnh giang mai mà chỉ quan sát xem bệnh này phát triển như thế nào.
Những người này không chữa trị bệnh mà chỉ nhận được bữa ăn miễn phí và bảo hiểm chôn cất trong trường hợp tử vong. Đến cuối nghiên cứu, chỉ có 74 người tham gia thử nghiệm còn sống.
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, nhà khoa học pháp y Nicolas Minovici từng tiến hành một trong những nghiên cứu khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, khi yêu cầu các trợ lý treo cổ ông, cũng như những người khác để xem điều gì xảy ra khi ai đó chết do treo cổ.
Ông đặt thòng lọng quanh cổ, rồi ra hiệu lệnh cho các trợ lý kéo đầu bên kia của sợi dây bằng tất cả sức mạnh của họ. Kết quả là sợi dây bị kéo căng, nâng vị giáo sư liều lĩnh khỏi mặt đất vài mét.
Trong những lần thử nghiệm, ông từng ngạt thở, bất tỉnh và chịu chấn thương ở vùng cổ do đánh giá sai tình huống. Nhưng ông vẫn may mắn sống sót.
Kết quả đề tài của ông gồm 200 trang đã được công bố vào năm 1904 ở Romania dưới tiêu đề Nghiên cứu về treo cổ. Trong đó mô tả chi tiết tất cả các quá trình và các hiện tượng liên quan xảy ra của cái chết của người treo cổ. Nhiều thông tin của nghiên cứu đã được trích dẫn trong các công trình pháp lý quan trọng.
Tương tự như nghiên cứu treo cổ nhưng khủng khiếp hơn, đó là nghiên cứu đóng đinh của nhà bệnh học Frederick Zugibe. Thí nghiệm này kỳ thực đã thu hút được một số lượng lớn tình nguyện viên tham gia, với mong muốn cảm nhận được việc trở thành Chúa Giê-su (lúc bị đóng đinh lên cây cột).
Nhà du hành vũ trụ Boris Morukov. (Ảnh: Space).
Năm 1986, nhà du hành vũ trụ Boris Morukov đã thực hiện một thí nghiệm bao gồm yêu cầu 11 người khỏe mạnh nằm trên giường suốt 370 ngày mà được phép đứng dậy. Tại đó, mọi đối tượng phải giữ nguyên tư thế ngủ và thực hiện tất cả các hoạt động hàng ngày của họ, bao gồm ăn uống, xem TV hoặc tắm rửa, ở cùng một vị trí.
Rốt cuộc, không một ai vượt qua được thí nghiệm tưởng như vô cùng dễ dàng này. Về mặt thể chất, hầu hết các cơ và xương của con người sẽ bị phá vỡ trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Cơ thể bên ngoài cũng sẽ chịu những vết loét khó chịu, được gọi là vết loét trên giường.
Bên cạnh đó, sức khỏe tinh thần cũng sẽ bị ảnh hưởng, với nguy cơ gia tăng chứng lo lắng và trầm cảm.
Paul Stapp từng chấp nhận lao mình ra khỏi một máy bay phản lực siêu thanh vì mục đích khoa học. (Ảnh: Spectator).
Năm 1946, một số thí nghiệm dưới dạng bài kiểm tra sức chịu đựng của con người đã được thực hiện tại căn cứ không quân Wright Field, Mỹ. Trong đó, một thí nghiệm yêu cầu phi công rời khỏi máy bay phản lực siêu thanh khi đang bay ở tốc độ cao.
Paul Stapp là người tình nguyện cho những thí nghiệm này. Trong suốt 7 năm, ông đã thực hiện chúng tổng cộng 29 lần, với việc bị đẩy ra khỏi máy bay với tốc độ lên tới 322 km/h.
Các thí nghiệm góp phần giúp quân đội Mỹ thiết kế ghế phóng an toàn hơn cho các phi công trong trường hợp thoát khỏi máy bay ở tốc độ cao.