Trở thành người đứng đầu thiên hạ, nắm trong tay quyền sinh sát của một quốc gia, nhưng những vị Hoàng đế này không hề màng chính sự mà chỉ mải mê theo đuổi những đam mê riêng của mình.
Từ vị vua đầu tiên là Hạ Vũ (nhà Hạ) cho đến vị vua cuối cùng – Phổ Nghi (nhà Thanh), Trung Quốc đã trải qua 67 triều đại với 446 Hoàng đế. Ở một mức độ nào đó, các Hoàng đế sẽ là những người quyết định hoàn toàn số phận của đất nước. Dù là vua một nước, nhưng họ cũng có những đam mê riêng như bao người đàn ông khác.
Đường Túc Tông.
Đường Túc Tông (711 - 762), tên thật Lý Hanh, là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Đường. Khi quân nổi dậy An Lộc Sơn chiếm được kinh đô Trường An (756), cha ông là Đường Huyền Tông Lý Long Cơ phải chạy sang Thành Đô; Lý Hanh được các đại thần và dân chúng tôn xưng làm Hoàng đế ở Linh Vũ vào ngày 12 tháng 8 năm 756.
Tuy nhiên, lúc sinh thời, Đường Túc Tông là một người có niềm say mê cuồng nhiệt với Cờ tướng. Ông thậm chí còn vì chơi cờ tướng mà bỏ bê các tấu chương của đại thần về tình hình chiến trường trong cuộc nổi loạn. Để tránh những cận thần nghe được âm thanh chơi cờ của mình, vua còn thay đổi vật liệu làm các quân cờ tướng từ kim loại thành gỗ.
Đến cuối đời, vì Túc Tông quá tin tưởng hoạn quan Lý Phụ Quốc, hắn đã trở thành quyền thần trong triều, mở ra nạn hoạn quan tham chính trong các triều đại tiếp theo. Năm 762 , không bao lâu sau cái chết của Thượng hoàng Huyền Tông, Túc Tông vì quá đau buồn mà sinh bệnh rồi qua đời.
Hình ảnh chơi Cuju thời cổ đại.
Đường Hy Tông (862 –888), nguyên danh Lý Nghiễm, đến năm 873 cải thành Lý Huyên là một hoàng đế nhà Đường. Ông là ngũ hoàng tử của Đường Ý Tông và là hoàng huynh của Đường Chiêu Tông. Đường Hy Tông là một vị vua nổi tiếng giỏi Cuju.
Cuju (Hán Việt: Xúc Cúc) là một trò chơi bóng của Trung Quốc cổ đại và được FIFA coi là hình thức chơi bóng đá sớm nhất của nhân loại. Đường Hy Tông đam mê bộ môn này đến nỗi thường đá trong suốt vài giờ, thậm chí quên cả ăn. Ông cũng liên tục ra lệnh cho các quan chức địa phương chiêu mộ người tham gia vào đội bóng. Nhiều người trong số họ đã được thăng quan tiến chức nhờ khả năng chơi Cuju giỏi. Tuy nhiên, cũng không ít người mất mạng khi mắc sai lầm trong quá trình chơi với Hoàng đế.
Nam Đường Hậu Chủ (937 - 978), tên thật là Lý Dục, thường gọi Lý Hậu Chủ, là vị vua cuối cùng nước Nam Đường thời Ngũ Đại Thập Quốc.
Dù là một vị vua được cho là thiếu bản lĩnh và kém cỏi, nhưng ông được biết đến rộng rãi là một nhà thơ, từ, họa sĩ và nhà thư pháp lỗi lạc nổi tiếng của Trung Quốc trong thế kỷ thứ 10. Ông được xem là một người uyên thâm thể loại từ vào hàng bậc nhất, do đó được xưng tụng là "Thiên cổ từ đế".
Ông trị vì từ năm 961 đến năm 976, rồi bị bắt giữ bởi quân đội nhà Tống hùng dũng tấn công vào đất nước của mình. Về sau, Tống Thái Tông ra lệnh đầu độc chết Lý Hậu Chủ, kết thúc cuộc đời sau 2 năm bị giam lỏng vị cựu hoàng này.
Chân dung Minh Vũ Tông.
Minh Vũ Tông (1491 - 1521) là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Trong suốt thời gian 16 năm tại vị, ông chỉ dùng niên hiệu là Chính Đức, nên các sử gia trong sử sách còn gọi ông là Chính Đức Đế.
Mặc dù bị sử sách miêu tả là một vị Hoàng đế gian dâm, phóng đãng và có nhiều sở thích quái lạ. Tuy nhiên, cũng có nhiều bằng chứng chứng tỏ ông là một vị Hoàng đế có năng lực, quyết đoán, như việc ông giết gian hoạn Lưu Cẩn, bình định Ninh vương chi loạn...
Hàng ngày, ông đều buông thả bản thân trong các hoạt động như cưỡi ngựa và săn bắn, không màng đến việc triều chính. Vị vua này còn là kẻ nghiện rượu, ông tuyên bố cứ hai ngày mỗi khuya là dắt hoạn quan Lưu Cẩn ra ngoài hoàng cung uống rượu và "vui vẻ" với một vài mỹ nhân. Minh Vũ Tông cho rằng làm Hoàng đế thì không hề vui vẻ gì, nên ông quyết định phong cho mình làm Đại tướng. Còn đích thân dẫn quân ra chiến trường giết giặc. Sau khi khải hoàn trở về, hài lòng vì mình đã "lập công", Minh Vũ Tông phong cho mình lên chức Thái Sư (một tước vị cao trong triều đình Trung Hoa cổ đại).
Tống Huy Tông.
Tống Huy Tông (1082 –1135), tên húy Triệu Cát, là vị Hoàng đế thứ 8 của triều đại Bắc Tống. Ngoài là vua một nước, ông còn nổi tiếng với vai trò nhà thơ, họa sĩ, nhạc công và nhà thư pháp xuất sắc. Có một niềm đam mê cuồng nhiệt với nghệ thuật, ông còn cho tập hợp một nhóm tùy tùng gồm các văn nghệ sĩ bên cạnh mình. Ông bảo trợ cho nhiều nghệ sĩ tại triều đình và trong danh lục bộ sưu tập hoàng gia của ông có tới trên 6.000 bức họa đã được biết đến.
Tuy nhiên, để phục vụ cho sở thích cá nhân, ông làm tiêu tốn nhiều nhân lực và quốc khố của triều đình vào nhiều hoạt động xa xỉ. Không những vậy, quốc gia trong thời gian trị vì của ông bị đi xuống do các quyết định thiếu chính xác được đề ra đối với chính sách đối ngoại. Sự kết thúc thời kỳ trị vì của ông cũng đánh dấu một thời kỳ đầy thảm họa cho nhà Tống.
Minh Thế Tông.
Minh Thế Tông (1507 - 1567), là vị Hoàng đế thứ 12 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông cai trị tổng cộng 45 năm, từ năm 1521 tới năm 1567, trở thành một trong những vị Hoàng đế Trung Quốc tại vị trên ngai vàng lâu nhất.
Ở những năm đầu mới lên ngôi, Minh Thế Tông có thể được coi là một minh quân khi tiến hành cải cách, chăm lo quốc sự, chính sách quyết đoán, dẹp trừ hoạn quan, củng cố biên cương, xuất hiện 1 giai đoạn "Trung hưng cục diện", đưa Đại Minh quốc đi lên. Tuy nhiên, 18 năm cuối cùng trị vì, Thế Tông dần dần bỏ bê chính sự, không buồn thiết triều, pháp kỷ quốc gia cũng dần bị bãi bỏ
Minh Thế Tông cực kỳ yêu thích mèo. Ông nuôi hai chú mèo cưng đặt tên là Tuyết Mi và Sư Mao. Tương truyền, ông vô cùng "sủng ái" hai con mèo này, thậm chí còn ban bổng lộc và phong cho chúng tước hiệu, khiến cho các phi tần trong hậu cung cũng phải ghen tị. Minh Thế Tông suốt ngày chỉ chơi cùng mèo và thậm chí còn bỏ bê việc quốc gia đại sự trong suốt gần 20 năm. Khi Tuyết Mi và Sư Mao chết, ông cho người đóng quan tài, xây mộ và viết cả thơ đề tặng lên bia mộ của chúng.
Minh Hy Tông.
Minh Hy Tông (1605 – 1627), tức Thiên Khải Đế, tên thật Chu Do Hiệu, là vị hoàng đế thứ 16 của nhà Minh. Theo sử sách ghi chép lại, Hy Tông là vị Hoàng đế đặc biệt nhất trong lịch sử nhà Minh nói riêng và trong lịch sử Trung Quốc nói chung, vì khi trưởng thành đã không hề tiếp nhận một sự giáo dục chính quy nào.
Còn đặc biệt hơn nữa, khi là một Hoàng đế nhưng ông lại có niềm đam mê cuồng nhiệt với nghề mộc. Hàng ngày, Minh Hy Tông chỉ bận rộn với các đồ nghề búa, rìu, bào gỗ... mà không màng gì đến việc chính sự. Được biết, vua đã tỏ ra hứng thú với việc chạm khắc gỗ từ khi còn nhỏ. Khi lên ngôi, ông vẫn tiếp tục theo đuổi sở thích của mình. Nghệ thuật điêu khắc gỗ của vua rất khéo và tinh xảo, có thông tin rằng Hoàng đế này là người đã xây dựng mô hình mẫu Cung Càn Thanh trong Tử Cấm Thành Trung Quốc.