Những vật liệu tối ưu từ thiên nhiên

  •  
  • 4.365

Việc sản xuất các loại vật liệu xây dựng là một quá trình rất tốn kém, hơn nữa lại gây nhiều tác động xấu đến môi trường, nhất là môi trường không khí và môi trường nước. Sử dụng các loại vật liệu có sẵn trong tự nhiên sẽ giảm được công đoạn chế biến và xử lý, hơn nữa lại rất kinh tế và không gây ô nhiễm môi trường.

Xin giới thiệu một vài loại vật liệu thiên nhiên có những đặc tính tối ưu cho việc xây dựng nhà ở.

Đá

Đá là một trong những loại vật liệu xây dựng được sử dụng lâu đời nhất trên trái đất.
Đá là một trong những loại vật liệu xây dựng được sử dụng lâu đời nhất trên trái đất.

Nghĩ tới việc xây nhà, bạn nghĩ ngay đến những viên gạch đất nung vuông vắn hoặc những khối bê-tông đúc sẵn rất tiện lợi. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng những viên đá sẵn có tại địa phương, bạn hoàn toàn có thể xây cho mình một ngôi nhà độc đáo, xinh xắn, hơn nữa lại tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Các bức tường bằng đá hấp thụ nhiệt tốt; điều này có nghĩa rằng, khi thời tiết bên ngoài nóng bức, nó sẽ hấp thụ bớt lượng nhiệt này và giữ cho không khí trong nhà dễ chịu hơn bên ngoài; ngược lại, vào mùa đông, nó dùng cơ chế hấp nhiệt tương tự để hấp thu nhiệt từ bên ngoài và “sưởi” cho không gian bên trong được ấm áp.

Đây là loại vật liệu thích hợp dùng ở các vùng sa mạc nơi có sự khác biệt nhiệt lượng rất lớn giữa ngày và đêm. Loại vật liệu này nếu được sử dụng hợp lý sẽ là một giải pháp kinh tế cho việc điều hòa nhiệt độ vì căn nhà có thể tự sưởi ấm hay làm mát mà không cần đến lò sưởi hay máy lạnh. nó giúp giảm lượng năng lượng dùng cho việc sưởi ấm/làm mát trong nhà.

Rơm

Loại phế thải nông nghiệp này cũng là một vật liệu với nhiều đặc tính lý tưởng cho việc xây dựng.
Loại phế thải nông nghiệp này cũng là một vật liệu với nhiều đặc tính lý tưởng cho việc xây dựng.

Những kiện rơm được nén chặt là loại vật liệu xây dựng vô cùng chắc chắn và bền vững. Chúng được dùng như những khối để xây dựng kết cấu nhà, hay dùng như lớp cách nhiệt. Những bức tường dày xây bằng rơm này có tác dụng cách nhiệt tuyệt vời, mang lại hiệu quả năng lượng cao hơn khoảng 75% so với tường xây dựng kiểu truyền thống. Trái với suy nghĩ của bạn cho rằng những căn nhà xây bằng rơm là mối hiểm họa hỏa hoạn, chúng có khả năng chống chọi với lửa cao gấp 2 lần so với các loại nhà thông thường vì những kiện rơm được nén rất chặt không chừa chỗ cho khí oxy lọt vào trong, và vì thế đây là loại vật liệu rất khó bốc cháy.

Tre

re là nguồn nguyên liệu dồi dào và rất lý tưởng cho việc xây dựng.
Tre là nguồn nguyên liệu dồi dào và rất lý tưởng cho việc xây dựng.

Việc sử dụng tre làm vật liệu trang trí từ lâu đã rất được ưa chuộng, và hiện nay, xu hướng sử dụng sàn nhà làm từ tre đang rất được ưa chuộng tại Mỹ. Ở Châu Á và Nam Mỹ, người ta thường dùng các loại gỗ để làm nhà, và tre là một loại gỗ vô cùng chắc khỏe, khỏe đến mức mà người ta đã dùng nó để làm đường cao tốc và xây dựng những chiếc cầu.

Đây còn là nguồn nguyên vật liệu có thể tái chế vì tre là một trong những loài có tốc độ sinh trưởng nhanh nhất. Vòng đời của nó ngắn hơn rất nhiều so với các loại cây gỗ, và việc thu hoạch không làm ảnh hưởng đến bộ rễ, vì vậy nó có thể tiếp tục sinh sôi nhanh chóng. Để đạt được hiệu quả sử dụng tốt nhất, tre phải được xử lý qua hóa chất để biến nó thành vật liệu chống thấm nước và chống mối mọt. Ngoài ra việc xây cất bằng loại vật liệu này đòi hỏi các kỹ thuật và phương pháp khác với các phương pháp xây dựng thông thường. Tuy nhiên, đây là loại vật liệu vô cùng dẻo dai và linh hoạt, có độ bền cực kỳ cao.

Gỗ thừa

Các mẩu gỗ thừa thay vì bỏ đi hay đem đốt thì có thể tận dụng làm vật liệu xây dựng.
Các mẩu gỗ thừa thay vì bỏ đi hay đem đốt thì có thể tận dụng làm vật liệu xây dựng.

Các khúc gỗ thừa thay vì làm củi đốt cũng có thể dùng làm một loại vật liệu xây dựng vừa độc đáo vừa chắc chắn. Để có loại vật liệu này, bạn có thể hỏi mua tại các xưởng cưa, các cửa hàng chế tác đồ nội thất gỗ, hoặc dùng những thân cây đã chết. Các khúc gỗ được cắt lại thành những đoạn có chiều dài bằng nhau, được kết nối với nhau bằng vữa, có thể là vữa làm bằng xi-măng, hoặc đất sét.

Đây là loại vật liệu xây dựng vừa có tính cách nhiệt tốt lại vừa có tính hấp thụ nhiệt tốt. Các khúc gỗ có chức năng cách nhiệt, giữ cho không gian trong nhà ấm áp; còn lớp vữa lại có khả năng hấp thụ và tản nhiệt cho ngôi nhà. Sau một thời gian xây dựng, gỗ có thể co hoặc giãn và làm nứt lớp vữa, nhưng hãy yên tâm vì bạn hoàn toàn có thể khắc phục sự cố này bằng cách trét lại vữa lên chỗ bị nứt.

Đất

Một căn nhà bằng đất nện hiện đại do kiến trúc sư Paul Weiner thiết kế và xây dựng.
Một căn nhà bằng đất nện hiện đại do kiến trúc sư Paul Weiner thiết kế và xây dựng.

Gỗ tuy là loại vật liệu lý tưởng nhưng không phải lúc nào cũng sẵn có, và không phải ai cũng có đủ khả năng chi trả cho loại vật liệu này, vì thế mà những thợ xây tháo vát đã nghĩ ra cách tận dụng những gì có sẵn: đó là đất ngay dưới chân họ.

Loại đất dùng để xây tường thường là hỗn hợp của một số loại đất có tính kết dính cao như đất sét. Khi được trộn với tỷ lệ hợp lý và được xây dựng đúng cách, những bức tường đất sẽ rất bền vững, có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

Đây là loại vật liệu rẻ tiền nhưng mang lại hiệu quả cao, và là loại vật liệu hấp thụ và tản nhiệt tốt. Ngoài ra nó còn có các tính năng ưu việt khác như chống lửa, chống tiếng ồn; đặc biệt, nó giúp hạn chế nạn phá rừng và việc sử dụng các vật liệu xây dựng độc hại khác.

Phòng tắm xây theo kiểu earthship
Phòng tắm xây theo kiểu earthship

Ngoài cách làm nhà bằng đất nện kể trên còn có một phong cách làm nhà khác rất được ưa chuộng, cũng tận dụng vật liệu đất kết hợp với các thứ “đồ bỏ đi” khác như lốp xe, vỏ chai lọ…gọi là nhà earthship do nhà kiến trúc sư sinh học Michael Reynolds sáng tạo ra. Nhà Earthship được thiết kế theo nguyên tắc kiến trúc sinh học, đảm bảo sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Kiểu nhà này được xây dựng thân thiện với Trái Đất theo ba nguyên tắc – sử dụng các vật liệu tự nhiên sẵn có và vật liệu tái chế, ứng dụng cấu trúc lượng nhiệt để ổ định nhiệt độ, sử dụng năng lượng tái tạo và hệ thống nước trọng lực. Với nhà Earthship, các hoá đơn tiền điện, nước… bạn phải trả chỉ là con số rất nhỏ, thậm chí bằng không.

Gạch không nung

Sản xuất gạch không nung tại Việt Nam.
Sản xuất gạch không nung tại Việt Nam.

Gạch không nung, hay còn gọi là gạch sống là một trong những loại vật liệu xây dựng lâu đời nhất. Chúng được sử dụng rộng rãi tại các vùng Tây Nam Mỹ, Trung Đông, Nam Mỹ, và Châu Phi. Gạch sống được tạo ra từ hỗn hợp đất sét, cát, nước, và đôi khi người ta còn trộn rơm vào, sau đó ép thành từng viên. Những viên gạch này không được đem nung mà để phơi nắng tự nhiên trong một thời gian dài liên tục.

Về bản chất của sự liên kết tạo hình, gạch không nung khác hẳn gạch đất nung. Quá trình sử dụng gạch không nung, do các phản ứng hoá đá của nó trong hỗn hợp mà gạch sẽ tăng dần độ bền theo thời gian. Tất cả các tổng kết và thử nghiệm trên đã được cấp giấy chứng nhận: Độ bền, độ rắn viên gạch không nung tốt hơn gạch đất sét nung đỏ và đã được kiểm chứng ở tất cả các nước trên thế giới: Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, ...

Gạch không nung ở Việt Nam đôi khi còn được gọi là gạch blốc, gạch bê tông,... tuy nhiên với cách gọi này thì không phản ánh đầy đủ khái niệm về gạch không nung. Mặc dù gạch không nung được dùng phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam gạch không nung vẫn chiếm tỉ lệ thấp.

So sánh hiệu quả kinh tế kỹ thuật sản xuất và sử dụng, sản phẩm vật liệu xây dựng không nung có nhiều tính chất vượt trội:

- Không dùng nhiên liệu như than, củi.. để đốt nên tiết kiệm nhiên liệu năng lượng, và không thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường.

- Sản phẩm có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt, phòng hoả, chống thấm, chống nước, kích thước chuẩn xác, quy cách hoàn hảo hơn vật liệu nung. Giảm thiểu được kết cấu cốt thép, rút ngắn thời gian thi công, tích kiệm vữa xây, giá thành thấp.

Năm 2010, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu này thay thế gạch đất sét nung. Theo đó, từ năm 2011, các công trình nhà từ 9 tầng trở lên sẽ sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ có lượng thể tích không lớn hơn 1000kg mỗi mét khối trong tổng số vật liệu xây. Ba chủng loại vật liệu xây dựng không nung được dùng là gạch xi măng - cốt liệu, gạch nhẹ và các loại gạch khác.

Theo Vietnamnet
  • 4.365