Những "vũ khí" mới trong cuộc chiến chống HIV/AIDS

  •  
  • 649

Tại Hội nghị toàn cầu về bệnh AIDS lần thứ 16 diễn ra hồi trung tuần tháng này, các nhà khoa học đã giới thiệu thêm nhiều phương pháp mới có thể kết hợp với bao cao su và các chương trình tư vấn cộng đồng để phòng chống bệnh. Mặc dù cắt bao qui đầu, kem hoặc gel kháng virus, màng ngăn cổ tử cung... tất cả có thể giúp chống lại sự lây nhiễm của virus chết người nhưng mục tiêu sau cùng mà y học nhắm tới là vắc-xin chống AIDS vẫn còn xa tầm tay với.

Nhận được nhiều sự ủng hộ nhất tại Hội nghị là lĩnh vực nghiên cứu thuốc khử virus (microbicide) và phương pháp cắt bao qui đầu. Những diễn giả hàng đầu đều nhấn mạnh thuốc khử virus cũng như thuốc điều trị, bao cao su và sự thay đổi hành vi, tất cả đều giữ vai trò chủ chốt trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch đã làm chết 25 triệu người trên thế giới trong 25 năm qua. Có thể được bào chế dưới dạng kem bôi, gel hoặc phức tạp hơn là vòng đặt âm đạo, microbicide cho phép chị em phụ nữ có thể âm thầm tự bảo vệ mình khỏi sự lây nhiễm của HIV trong quan hệ tình dục.

Nhưng trở ngại lớn chính là cho đến thời điểm này vẫn chưa có một loại thuốc khử hữu nghiệm nào ra đời, tất cả vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm với nhiều công thức khác nhau. “Song song với việc tiến hành một loạt các thử nghiệm microbicide, đa phần dưới dạng gel, chúng ta nên tập trung nghiên cứu cách thức cải tiến công thức bào chế” – theo tiến sĩ Salim Abdool Karim thuộc Đại học KwaZulu. Trong khi đó, Renee Ridzon, điều phối viên chương trình của Quỹ Bill & Melinda Gates do người đàn ông giàu nhất thế giới Bill Gates sáng lập nhấn mạnh đến khoảng cách thời gian mỗi lần sử dụng và cách thức đưa thuốc vào cơ thể. “Liệu rằng chúng ta có thể bào thế thuốc có thể dùng mỗi tuần hoặc mỗi tháng hoặc mỗi quí một lần. Và người bệnh sẽ không sử dụng cái họ không thích hoặc không mang lại cho họ cảm giác dễ chịu”, Renee nói. Theo thông tin từ Hội nghị, một số thử nghiệm sẽ hoàn tất vào cuối năm tới và microbicide đầu tiên dạng gel có thể đến tay chị em phụ nữ ở vùng cận Sa mạc Sahara ở châu Phi vào năm 2010.

Một số liệu pháp triển vọng khác

* Màng ngăn cổ tử cung: Một dạng bao cao su tránh thai dùng cho phụ nữ có thể ngăn HIV xâm nhập cổ tử cung – cơ quan dễ bị virus tấn công nhất.

* Uống thuốc ngừa: Nghiên cứu ở động vật cho thấy mỗi ngày uống 1 hoặc 2 viên thuốc trị HIV có thể bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao khỏi bệnh.

* Ức chế virus herpes: Lây nhiễm đến 70% dân số ở một số khu vực, virus herpes gây ra những vết thương tổn tạo điều kiện cho HIV dễ dàng hơn trong quá trình xâm nhập và lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc kháng virus có thể khắc chế loại virus này.

Tương tự, theo chuyên gia Carolyn Williams của Viện Y tế quốc gia Mỹ, nam giới sẽ không tìm đến liệu pháp cắt bao qui đầu nếu nó làm bản thân họ đau đớn. Nhiều nghiên cứu thực hiện tại Nam Phi cho thấy những người cắt bao qui đầu giảm được đến 60% nguy cơ bị lây nhiễm HIV từ bạn tình do bao qui đầu chứa nhiều tế bào mà HIV có thể dễ dàng lây nhiễm. Nam giới nhiễm HIV cũng giảm được 30% nguy cơ lây bệnh nếu họ đã cắt bao qui đầu. Hiện nhiều công trình khác đang được tiến hành để kiểm chứng tác dụng này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều cần thiết hiện nay là một phương pháp an toàn, nhanh và đơn giản để các y tá có thể thực hiện được. Tiến sĩ Bertran Auvert của Đại học Versailles-Saint Quentin (Pháp) lo ngại một khi y học chứng thực lợi ích của phương pháp cắt bao qui đầu, người ta sẽ đổ xô để thực hiện thủ thuật này trong khi cơ sở y tế hiện nay ở nhiều quốc gia đang phát triển chưa thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt như vậy. Tình trạng xếp hàng chờ được phẫu thuật hiện đã xảy ra ở miền Nam châu Phi. Giáo sư Auvert cho rằng sẽ là “cơn ác mộng” nếu họ (nam giới) tìm đến các thầy lang và nguy cơ nhiễm trùng có thể dẫn đến chết người hoàn toàn có thể nghĩ đến.

Không lâu nữa, chúng ta có thể có những phương pháp mới hiệu quả cao để ngăn ngừa phần lớn trong tổng số 4 triệu ca nhiễm HIV mới mỗi năm hiện nay”, đồng chủ tịch Tổ chức nghiên cứu phòng chống HIV toàn cầu và Hội nghị AIDS quốc tế lần này Helene Gayle lạc quan cho biết. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh những “vũ khí” này sẽ không tác động lớn đến cuộc chiến đầy cam go hiện nay nếu cộng đồng quốc tế không hợp sức để sớm hoàn thành các cuộc thử nghiệm, phát triển những liệu pháp mới và đưa đến cho những đối tượng cần đến. Với Tiến sĩ Seth Berkley thuộc Tổ chức Sáng kiến Vắc-xin AIDS quốc tế, “vắc-xin là công cụ duy nhất có thể đặt dấu chấm hết đối với đại dịch”. “Những tiến bộ đạt được trong quá trình nghiên cứu bào chế vắc-xin tuy diễn ra chậm nhưng vẫn đều đặn và một vắc-xin phòng chống AIDS như mong đợi là hoàn toàn khả thi”, tiến sĩ Seth khẳng định.

GIA BẢO

Theo Reuters, AP, Báo Cần Thơ
  • 649