Nồi cơm điện tự động là một phát minh của Nhật Bản vào giữa thế kỷ 20, không chỉ mang tính cách mạng với các bà nội trợ mà còn khơi mào cho cuộc đua sản xuất đồ gia dụng của các công ty điện tử sau đó.
Nếu nói một loại thực phẩm phổ biến toàn châu Á, bất cứ ai cũng sẽ nghĩ đến cơm. Việc nấu cơm cũng rất dễ, chỉ cần vo sạch gạo, thêm nước, đặt vào nồi, bấm nút và đợi cơm chín.
Sự ra đời của nồi cơm điện xuất phát từ tình yêu thương của người đàn ông đối với những người vợ, người mẹ tần tảo. (Ảnh: GETTY/ CAREFE/AMANAIMAGESRF).
Thế nhưng, sự ra đời của chiếc nồi cơm điện như ngày nay là cả một câu chuyện dài hàng chục năm. Đó là kết quả của không chỉ óc sáng tạo của người Nhật mà còn xuất phát từ tình yêu thương của người đàn ông đối với những người vợ, người mẹ tần tảo.
Trước khi nồi cơm điện ra đời, phụ nữ châu Á đều thổi cơm theo cách truyền thống bằng nồi đất hoặc nồi gang.
Phụ nữ Nhật Bản nấu cơm trên những bếp được gọi là Kamado. Đó là một dạng bếp kín hình hộp chữ nhật, bên trên có đặt nồi cơm bằng sắt rất nặng.
Việc nấu cơm rất mất thời gian và công sức khi người phụ nữ phải dậy từ sớm để chuẩn bị gạo, một mình bê nồi nặng lên bếp, liên tục phải trông coi ngọn lửa, tăng giảm nhiệt và nước làm sao để cơm không bị cháy khét, cũng không bị nhão quá.
Việc đảm bảo cơm chín tới, có mùi thơm ngon càng khó thực hiện hơn khi nấu bằng củi, rơm (như ở Việt Nam).
Mỗi ngày 3 lần nấu cơm như vậy khiến cuộc sống của người phụ nữ xưa kia chỉ quẩn quanh trong việc nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa.
Bếp kamado truyền thống của người Nhật Bản - (Ảnh: PUBLIC DOMAIN).
Bình minh của nồi cơm điện bắt đầu vào năm 1923 khi công ty Mitsubishi Electric công bố một mô hình đơn giản về chiếc nồi có thể nấu cơm và được quân đội Nhật Bản mang ra chiến trường như một chiếc nồi nấu đa năng.
Thế nhưng ý tưởng này nhanh chóng thất bại. Bởi lẽ rất khó để nấu được một nồi cơm ngon trong điều kiện chiến tranh, gạo không được bảo quản tốt.
Năm 1945, Nhật Bản bước vào thời kỳ xây dựng lại đất nước sau nhiều năm chiến tranh. Một kỹ sư tên là Masaru Ibuka mở cửa hàng sửa chữa vô tuyến điện trong Cửa hàng bách hóa Shirokiya bị đánh bom ở Nihonbashi, Tokyo.
Sau đó, anh kết hợp cùng một nhà nghiên cứu thời chiến là Akio Morita lập ra Tổng công ty kỹ thuật viễn thông Tokyo, tiền thân của Tập đoàn Sony sau này.
Thời điểm đó, lương của các kỹ sư vô tuyến điện như Ibuka được trả bằng gạo. Và điều đó khiến thay vì sản xuất radio, đơn vị này tập trung sáng tạo ra chiếc nồi cơm điện đầu tiên.
"Chiếc nồi" có hình trụ như một bồn tắm bằng gỗ, bên dưới đáy được lót bằng sợi nhôm.
Ý tưởng rất hay vào thời điểm đó nhưng kết quả không khá hơn các loại nồi trước đó là bao, do chất lượng của gạo và vẫn đòi hỏi người nấu phải ngồi canh chừng liên tục.
Gạo xấu nên hấp thụ nước không đồng đều, khô và tơi ra từng hạt hoặc là nhão nhoét như cháo đặc.
"Tôi đã buồn bã ngồi ở trụ sở nhìn món cơm chẳng ra cơm của mình hết ngày này qua ngày khác", Masaru Ibuka sau này nhớ lại.
Ông đã tuyệt vọng từ bỏ ý tưởng của mình và quay lại sửa radio. Hãng Sony sau này cũng dành toàn lực tập trung sản xuất đồ dùng điện tử khác.
Chiếc nồi cơm điện được hãng Matsushita chế tạo và sử dụng tại Mỹ vào đầu những năm 1970, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ - (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ).
Masaru Ibuka và công ty của mình từ bỏ việc sản xuất nồi cơm điện nhưng các đơn vị khác trong ngành điện tử Nhật Bản theo đuổi ý tưởng này. Nhiều nồi cơm điện được sáng chế nhưng đều gặp hạn chế là không tự động, vẫn cần người điều chỉnh theo dõi bật tắt công tắc để điều chỉnh điện.
Cho đến năm 1950, Shogo Yamada - một nhân viên kinh doanh của Toshiba ở thời điểm đó đi khắp Nhật Bản để quảng cáo máy giặt điện của hãng này. Trên đường đi, Yamada quảng cáo về máy giặt và hỏi các bà nội trợ về công việc khó khăn nhất của họ khi làm việc nhà. Câu trả lời của họ không phải giặt quần áo như anh này hướng đến mà là "nấu cơm ba lần một ngày bằng bếp kamado".
Dự án về chiếc nồi cơm điện tự động của Shogo Yamada bắt đầu từ đó.
Sau đó ít lâu, Yamada đã chuyển giao dự án cho nhà phát minh Yoshitada Minami, nhưng vì nấu cơm là công việc của phụ nữ, nên Minami lại chuyển phần lớn việc nghiên cứu cho vợ anh, cô Fumiko.
Toshiba không quá coi trọng dự án này, bởi họ đã thấy những thất bại trước đó của Mitsubishi và Matsushita (tiền thân của Panasonic). Bên cạnh đó, các kỹ sư cũng có suy nghĩ rằng chiếc nồi cơm điện sẽ không được đón nhận. Họ tin rằng người phụ nữ Nhật Bản truyền thống nào cũng sẽ được coi trọng hơn nếu biết dành thời gian và công sức để chuẩn bị bữa cơm cho chồng con.
Những người đưa ra ý tưởng về nồi cơm tự động từ trước đến nay đều là đàn ông - những người hiếm khi vào bếp.
Minami có kỹ năng về thiết bị máy móc, nhưng Fumiko thì thực sự biết nấu cơm.
Mỗi ngày trong suốt mấy chục năm, bà nấu cơm trên chiếc bếp kamado truyền thống để nuôi sáu đứa con của hai vợ chồng.
Để có tiền thực hiện nghiên cứu, Minami đã vay thế chấp ngôi nhà của gia đình, trong khi Fumiko nghiên cứu các loại nồi cơm điện hiện có trên thị trường.
Họ phát hiện nguyên nhân thất bại của các nồi cơm trước đó là không thể điều chỉnh được nhiệt độ nồi sau khi cơm sôi. Khi nước trong nồi gạo đã được hấp thụ hoàn toàn hoặc bay hơi đi, nhiệt độ của hộp đựng sẽ tăng lên nhanh chóng.
Cặp vợ chồng này đã tạo ra một công tắc uốn cong, có thể tự động tắt nồi cơm điện khi nhiệt độ trong nồi vượt quá 100 ℃.
Fumiko đã thử nghiệm các nồi cơm mới một cách không mệt mỏi bất kể thời tiết hay thời gian.
Giữ cho nồi không bị mất nhiệt khi đã tắt công tắc là một thách thức. Họ liên tưởng đến những người dân ở bang Hokkaido, nơi có mùa đông rất lạnh, nồi nấu cơm được cách nhiệt rất nhiều và tạo ra một nồi cơm điện tự động gồm hai lớp, bên trong là nồi nấu, bên ngoài là nồi chứa nước ra đời vào năm 1956.
Những chiếc nồi cơm điện đầu tiên của hãng có giá khá đắt khiến các bà nội trợ e dè, nhưng khi Toshiba quảng cáo rằng nó không chỉ nấu được cơm bình thường mà còn làm được cả món cơm takikomi gohan tẩm ướp cùng nước tương thì tất cả đều ao ước sở hữu.
Trong năm đầu tiên, Toshiba đã sản xuất 200.000 nồi cơm điện mỗi tháng.
Ngày nay nồi cơm điện rất phong phú về mẫu mã kiểu dáng - (Ảnh: GETTY).
Thành công của Toshiba được ví như một "cú tát" vào các hãng điện tử cùng giai đoạn. Bởi Toshiba vốn là đơn vị chuyên sản xuất thiết bị máy công nghiệp mà không phải đồ gia dụng.
Ngay sau đó, một loạt các tên tuổi lớn trong ngành điện tử Nhật Bản nhảy vào cuộc đua sản xuất nồi cơm điện.
Hãng Matsushita nhanh chóng cải tiến và chế tạo ra chiếc nồi cơm điện chỉ một nồi, cả nước và gạo lẫn lộn, đỡ tốn thời gian nấu và tiêu thụ ít điện hơn so với nồi của hãng Toshiba.
Tại Nhật Bản, hơn 50% hộ gia đình đã có nồi cơm điện tự động trong vòng vài năm kể từ khi phát minh ra nó. Nồi cơm điện trở thành món đồ gia dụng nhất định phải có trong gia đình, được mọi bà nội trợ mong muốn.
Mặc dù không hoàn toàn giải phóng phụ nữ khỏi công việc bếp núc nhưng sự ra đời của nồi cơm điện đã phần nào làm vơi đi sự vất vả của họ, giúp họ có thời gian cho công việc khác
Ngày nay, nồi cơm điện được bày bán trên toàn thế giới với nhiều cải tiến về chất lượng, chất liệu và mẫu mã. Người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn từ các đơn vị sản xuất danh tiếng.