Nông dân Hòa Bình phục tráng 24 giống lúa

  •  
  • 1.139

Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật và sự tài trợ của tổ chức Giáo dục cộng đồng vùng Nam châu Á – SEARICE, nông dân Hòa Bình đã phục tráng được 24 giống lúa, trong đó có những giống lúa nếp địa phương gần như không còn sản xuất.

Bình quân hằng năm, lượng giống do công ty giống Nhà nước cung ứng chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% nhu cầu về giống của bà con nông dân Hòa Bình, 60-70% còn lại do nông dân tự để giống. Nguồn giống do nông dân tự để cũng có nhiều mặt tích cực là tránh sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng (nhiều khi rất chậm và chủng loại không phù hợp với mong muốn của nông dân), giảm được chi phí giống, đỡ công đi lại. Thực tế ở Hòa Bình cũng có rất nhiều giống lúa địa phương có phẩm chất tốt nên việc người nông dân tự để giống chính là cách hữu hiệu để bảo tồn những giống quý đó để sản xuất. Tuy nhiên, giống do nông dân tự để thường hay bị thoái hóa, lẫn tạp, tích lũy nguồn bệnh lại là những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng xấu tới năng suất, chất lượng lúa gạo.

(Ảnh: ND)
Để góp phần giải quyết khó khăn và bất cập về giống lúa, chương trình dự án: “Bảo tồn, phát triển và ứng dụng đa dạng nguồn gien thực vật cộng đồng - BUCAP” do tổ chức SEARICE tài trợ được triển khai tại tỉnh từ sáu năm qua giúp nông dân phục tráng giống lúa, tập trung cho những giống cải tiến đã được gieo trồng lâu năm tại địa phương.

Chương trình này có mục tiêu giữ gìn và cải thiện chất lượng giống lúa, cũng như góp phần tạo ra nguồn giống để nông dân trao đổi trong cộng đồng phục vụ sản xuất.

Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật, những nông dân tham gia dự án đã được hướng dẫn và áp dụng nghiêm túc quy trình phục tráng giống lúa theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kể cả phương pháp phục tráng siêu nguyên chủng hay chọn lọc quần thể. Giống lúa sau phục tráng cũng được áp dụng ngay các quy định về kiểm định độ thuần, tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ tạp chất ... để khẳng định chất lượng.

Thông thường, có nhiều phương pháp phục tráng giống khác nhau, nhưng nông dân thường áp dụng hai phương pháp chính là phục tráng quần thể và phục tráng giống siêu nguyên chủng.

Biện pháp phục tráng quần thể được áp dụng đối với những giống lúa mới khảo nghiệm hoặc chọn lọc được, hay những giống có độ thuần của quần thể còn tương đối tốt, với mục tiêu giữ lại độ thuần và những đặc tính tốt của giống cho vụ sản xuất tiếp theo.

Việc phục tráng siêu nguyên chủng tương đối phức tạp, nông dân cần ba vụ sản xuất để hoàn thành chu kỳ phục tráng một giống lúa. Biện pháp này thường được áp dụng để phục tráng những giống lúa địa phương, những giống lúa đã được gieo trồng lâu năm tại địa phương, hoặc dùng để giữ những đặc tính gốc của những giống lúa do nông dân tự chọn tạo.

Trong số 24 giống lúa mà nông dân Hòa Bình phục tráng được, có những giống lúa nếp địa phương mà nếu không phục tráng thì người dân cũng chẳng biết mua giống ở đâu để có giống đạt tiêu chuẩn, vì những đơn vị sản xuất giống nhà nước gần như không còn sản xuất, hoặc sản xuất rất ít những loại giống này, ví dụ như giống Bao Thai, giống CR203… Tổng lượng giống thu được 2,2 tấn đạt tiêu chuẩn siêu nguyên chủng và trên 38 tấn giống xác nhận. Hầu hết lượng giống phục tráng được đã được các nhóm nông dân sử dụng để nhân giống và trao đổi trong cộng đồng phục vụ sản xuất đại trà.

Thực tế cho thấy, kỹ thuật phục tráng giống lúa tuy có phức tạp, nhưng nông dân hoàn toàn có thể tự tiến hành được nếu như họ được hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Tại Hòa Bình, việc nông dân tham gia phục tráng giống sẽ góp phần tích cực trong việc bảo tổn, phát triển các nguồn gien quý. Vì vậy, sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý, lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật để giúp nông dân thực hiện mục tiêu này là rất cần thiết.

HOÀNG THỊ BÍCH HUỆ
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình

Theo Nhân dân
  • 1.139