Núi lửa huyền thoại thức giấc

  •  
  • 2.603

Núi lửa được cho là đã chôn vùi thành phố Atlantis đang có dấu hiệu thức giấc và các chuyên gia vẫn chưa xác định được liệu nó có phun trào trong tương lai hay không.

Miệng núi lửa hiện lên mờ nhạt bên trong vành đai đảo của Hy Lạp
Miệng núi lửa hiện lên mờ nhạt bên trong vành đai đảo của Hy Lạp

Những đợt phun trào kinh thiên động địa đã xảy ra tại đảo Santorini (Hy Lạp) cách đây khoảng 3600 năm, tống ra từ 40 đến 60km3 dung nham tàn phá nền văn minh cổ đại Minoan. Cũng chính thảm họa này được cho là đã tạo nên huyền thoại thành phố mất tích Atlantis. Nhìn từ trên không, miệng núi lửa hình thành một hình vòng cung mờ nhạt nằm bên trong vành đai đảo lớn hơn của Hy Lạp ở biển Aegean.

Trong vòng 4 thiên niên kỷ tới, miệng núi lửa lớn hơn đang chìm dưới biển sẽ trải qua một loạt các đợt phun trào nhỏ, giống như 5 lần bùng nổ trong 600 năm qua, với lần gần đây nhất là vào năm 1950. Sau 60 năm ngủ yên, Santorini lại thức giấc một lần nữa vào tháng 1/2011 với những lần rùng mình uể oải, tạo ra các cơn địa chấn khoảng 3,2 độ Richter, theo kết quả nghiên cứu GPS mới trên chuyên san Geophysical Research Letters.

Các chuyên gia đã lắp đặt hệ thống theo dõi GPS trong khu vực này từ năm 2006. Vệ tinh lưu những dữ liệu được các cảm biến ghi nhận và từ đó phát hiện được khi nào có sự chuyển động trên bề mặt vỏ trái đất. Các nhà khoa học phát hiện vào tháng 6/2011, 22 trạm GPS tại đây đã bị đẩy đi một khoảng cách từ 5 đến 32mm theo hướng từ miệng núi lửa ra ngoài so với 6 tháng trước đó. Kế đến, họ nâng cấp các trạm GPS đã có sẵn cũng như lắp thêm 2 trạm mới. Và dữ liệu từ tháng 9/2011 đến tháng 1/2012 cho thấy phần đất gần núi lửa đang phồng lên với tốc độ tăng dần, đạt khoảng 180mm/năm.

Mô hình máy tính dựng lại sự biến dạng của đất trong khu vực cho thấy sự phồng lên này là kết quả của quá trình đẩy gần 14,1 triệu m3 mắc ma vào khoang chứa cách bề mặt từ 4 đến 5km. Các chuyên gia cho rằng việc tràn mắc ma này không nhất thiết là dấu hiệu cảnh báo sắp có một trận bùng nổ mới trong tương lai gần, mà là một phần dư âm của đợt phun trào đã hủy diệt nền văn minh Minoan. “Chúng tôi đã chứng kiến những vụ tương tự tại các miệng núi lửa lớn khác như Yellowstone, Long Valley California, Campi Flegrei mà không kèm theo vụ phun trào nào”, Fox News dẫn lời Andrew Newman, nhà địa vật lý của Viện Công nghệ Georgia.

Theo thống kê, có khoảng 90% số vụ xâm thực mắc ma không lên đến bề mặt. Tuy nhiên, vẫn chưa biết chắc là núi lửa Santorini có bùng nổ hay không, vì mỗi núi lửa dường như có sự khác nhau và không thể áp đặt các tình huống tương tự ở nơi khác cho khu vực Hy Lạp, theo Đài OurAmazingPlanet dẫn lời chuyên gia Newman. Hiện các chuyên gia vẫn tiếp tục theo dõi sát sao Santorini để có thể đưa ra cảnh báo sớm nhất trong trường hợp xấu. Một vụ phun trào nhỏ thậm chí cũng có thể tống ra một lượng tro bụi nguy hiểm, hoặc kích hoạt tình trạng đất chuồi và sóng thần trong khu vực.

Theo Thanh Niên
  • 2.603