Ông lão chế máy độc quyền tách hydro từ nước

  •   4,73
  • 4.561

Ông Vũ Hồng Khánh, tác giả của chiếc máy tách hydro và oxy từ nước bằng phương pháp điện phân được cấp bằng sáng chế độc quyền năm nay đã 75 tuổi, song vẫn đam mê nghiên cứu, tiếp tục cho ra đời nhiều sáng chế phục vụ đời sống.

Máy tách hydro và oxy từ nước của ông lão 75 tuổi

Năm nay đã 75 tuổi, mái tóc bạc trắng, da đồi mồi, nhưng khi đề cập tới các nghiên cứu khoa học, đôi mắt ông Vũ Hồng Khánh lại sáng lên, giọng vui vẻ lạ thường. Ngoài việc hoàn thiện sản phẩm ứng dụng chạy bằng khí hydro, ông khoe đang thực hiện một hợp đồng chế tạo thiết bị cho đơn vị khai khoáng tại Quảng Ninh có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với thiết bị cùng loại nhập từ Trung Quốc.

Năm 1967, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, kỹ sư Vũ Hồng Khánh vào làm việc tại Nhà máy Đóng tàu Hải Phòng. Công việc nhàm chán, không có chỗ cho sự sáng tạo, ông lên Hà Nội xin vào làm việc ở Viện Khoa học kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an. Quẩn quanh với mấy ống nghiệm một thời gian, lại thấy không hứng thú, ông trở về quê Hải Phòng, đóng cửa nghiên cứu khoa học.

Cả ngôi nhà ông khi đó biến thành công xưởng, toàn sắt, thép phế liệu và những đồ vật cũ kỹ. Công trình đầu tay của ông là máy xay tôm, cá chạy bằng dầu tặng cho Hợp tác xã Duyên Hải (Đồ Sơn, Hải Phòng) những năm 70 của thế kỷ 20 với mục đích duy nhất - giải phóng sức lao động cho gần 200 lao động nữ khỏi bị hủy hoại đôi bàn tay do hàng ngày phải mài tôm thành bột.

Ông lão chế máy độc quyền tách hydro từ nước
Ông Vũ Hồng Khánh năm nay đã bước sang tuổi 75 nhưng vẫn đầy nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Giang Chinh).

Ông nhớ lại, một ngày hè đẹp trời, người bạn rủ đạp xe ra Đồ Sơn chơi. Tại đây, ông chứng kiến nhiều cô gái tuổi đôi mươi xinh đẹp nhưng bàn tay biến dạng bởi quá trình mài tôm thủ công thành bột bị gai tôm cắm tứa máu, sứt sẹo. Hình ảnh đó cứ ám ảnh, thôi thúc ông chế tạo bằng được chiếc máy xay tự động, giải phóng sức người.

Sau nhiều ngày miệt mài chế tạo, ông Khánh cho ra đời chiếc máy xay tôm, cá chạy bằng động cơ dầu có công suất làm việc tương đương với khoảng 200 lao động. Ngày ông chở máy xuống tặng Hợp tác xã Duyên Hải, vị chủ nhiệm rất ngỡ ngàng, bán tín bán nghi về tác dụng của máy. Chỉ đến khi chứng kiến từng rổ tôm chỉ trong vài phút biến thành thứ bột mịn, dẻo quánh, ông chủ nhiệm mới cảm kích và dành 5.000 đồng thưởng cho chàng kỹ sư trẻ, coi như trả công.

Lần đó ông không chỉ nhận được một khoản tiền thưởng làm vốn liếng mà đơn hàng từ các hợp tác xã chế biến mắm trong cả nước cứ thế tìm về. Có tiền, ông Khánh mua đất, lập xưởng chế tạo máy.

Có một không gian riêng để thỏa sức nghiên cứu sáng tạo, ông Khánh sau đó cho ra đời hàng loạt máy phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, như: máy chế biến xà phòng, máy ép gỗ, ép mùn cưa, ép cói, chẻ cói, đan cói xuất khẩu, máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa, máy cắt cỏ, máy nghiền nhựa tái sinh, máy làm xô chậu nhựa, máy ép dầu, máy tách hạt điều, máy mài sắn, máy phát điện…

Trong đó, công trình được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao là dây chuyền sản xuất vành xe đạp inox tự động. Chiếc vành inox đạt chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của Nhật Bản, giá thành chỉ bằng 1/6 nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa, xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực, thậm chí cả châu Âu. Với sáng kiến này, ông Khánh đã đoạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 1999.

Ông lão chế máy độc quyền tách hydro từ nước
Bằng độc quyền sáng chế thiết bị sản xuất hỗn hợp khí hydro và oxy của ông Vũ Hồng Khánh.

Trong tất cả sáng chế, công trình khiến ông Khánh tâm đắc nhất, tốn nhiều thời gian nhất và cũng trăn trở nhất là thiết bị sản xuất hỗn hợp khí hydro và oxy từ nước bằng phương pháp điện phân. Xuất phát từ thực tế ở các nước tiên tiến, khí hydro được nghiên cứu, ứng dụng trong ngành công nghiệp dầu mỏ, hóa học, điều chế kim loại, phi kim, sản xuất pin, chạy ôtô, làm nhiên liệu cho tên lửa, tàu vũ trụ…, nhưng việc sản xuất ra khí này đắt đỏ, ông Khánh đã tìm tòi sáng chế ra thiết bị sản xuất loại khí này.

Công trình được ông thai nghén từ năm 2005 và đến 2010 mới hoàn thành. Ông hy vọng, việc tách được khí hydro sẽ giúp ngành công nghiệp nặng trong nước không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu mỏ, bởi đang dần cạn kiệt. Hydro khi cháy cho nhiệt độ lên tới 3.200 độ C, cao gấp 2 lần so với nhiệt độ của than đá, không sinh ra khí độc mà sinh ra nước.

Bước tiếp theo, ông Khánh thử nghiệm sử dụng khí hydro chạy máy nổ, hàn cắt kim loại, đốt rác thải, phát điện, tất cả đều đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng hydro thay xăng dầu chạy ôtô mới dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm vì quá nguy hiểm. Theo lý thuyết, nếu dùng hydro để chạy xe, hydro phải được đốt sạch trong buồng đốt, nếu không bình chứa hydro trong chiếc xe sẽ biến thành quả bom di động khổng lồ, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Thay vì chờ đợi công nghệ sản xuất động cơ ôtô thay đổi cho phù hợp, ông Khánh đã sáng tạo ra chiếc xe vừa chạy xăng, vừa chạy bằng nước lã, rất phù hợp với điều kiện trong nước. Theo nghiên cứu của ông, hầu hết ôtô đều dư thừa điện năng trong quá trình hoạt động. Để tận dụng nguồn điện này điều chế nước thành hydro, ông cho lắp thêm một bình ắc quy phụ. Hydro sau khi được tách, dẫn vào buồng đốt cùng với xăng và chiếc xe bon bon chạy. Kết quả nghiên cứu trên chính chiếc xe hiệu Kia Morning của gia đình, ông Khánh khẳng định tiết kiệm được 35% xăng.

Để chứng minh cho tác dụng của hydro, ông Khánh dẫn khách sang nhà xưởng rộng khoảng 500m2 ở bên kia cầu Niệm (quận Lê Chân), cách nhà ở phường Lãm Hà (Kiến An) một km. Sau khi giới thiệu gian phòng nhỏ trưng bày vô số giải thưởng, bằng khen, huân huy chương, cúp vàng và ảnh tư liệu chụp lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam về thăm doanh nghiệp tư nhân Khánh Hòa, ông Khánh mở cửa vào công xưởng.

Ông lão chế máy độc quyền tách hydro từ nước
Khí hydro khi cháy tạo ra nhiệt độ 3.200 độ C làm tan chảy bất cứ thứ gì. (Ảnh: Giang Chinh).

Chỉ vào những chiếc máy nằm dưới đất có dòng chữ “Máy tách hydro và oxy”, ông Khánh giới thiệu, đây là sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng sáng chế độc quyền năm 2013. Chỉ với thao tác rất đơn giản, múc nước đổ vào trong máy, rồi cắm điện. Chiếc máy chạy ro ro chưa được một phút, báo hiệu bình chứa hydro đã đầy.

Ông Khánh châm lửa vào mũi hàn, một tia lửa vàng đỏ phụt ra. Ông bảo, tia lửa này dí vào vật gì, vật đó tan chảy chỉ sau tích tắc. Vừa nói, ông cầm que sắt dí vào ngọn lửa, sợi sắt nóng chảy tức thì. Ông châm mũi hàn vào viên gạch, viên gạch tan chảy thành thứ bột như nham thạch phun trào từ núi lửa.

Sau phần hàn hơi, ông Khánh dí đầu ống dẫn khí hydro vào đường cấp nhiên liệu cho động cơ xe máy Trung Quốc. Công tắc điện gạt lên, động cơ nổ giòn tan, rồi bất ngờ nổ bụp làm khách giật mình. Ông Khánh trấn an, chuyện đó ông quen rồi, sinh nghề tử nghiệp mà. “Trong thời gian chế tạo, có lần đấu nối không đúng kỹ thuật, hydro phát nổ, làm cháy rụi cả tóc. Các anh công an nhận được tin báo của nhân dân tưởng vụ án mạng vội tìm đến”, ông Khánh kể.

Điều làm ông Khánh buồn nhất là công trình nghiên cứu, chế tạo máy tách khí hydro thành công và được ông thử nghiệm trên nhiều lĩnh vực, nhưng đến nay đã 3 năm gần như bị lãng quên. Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí và khí đốt của Mỹ tìm đến tận nhà ông 4 lần và lần cuối cùng vào cuối năm 2014 với mục đích đàm phám mua sáng chế này với giá hàng triệu đôla Mỹ, rồi ngỏ ý mời ông sang cùng hợp tác, nhưng đều bị từ chối.

Ông lão 75 tuổi bảo, tiền ai cũng thích nhưng “tiền gắn liền với chữ bạc”. Ông hy vọng, trong tương lai không xa, những thành quả nghiên cứu của ông, đặc biệt là khí hydro, sẽ được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo VnExpress
  • 4,73
  • 4.561