Các nhà khoa học đã phát hiện được gần 20.000 hóa thạch thuộc về các loài thủy sinh cổ đại bị chôn vùi dưới một ngọn núi ở Trung Quốc.
Khu khảo cổ tại vùng núi Luoping ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Daily Mail).
Nhóm các nhà cổ sinh vật học thuộc trường Đại học Bristol (Anh) cùng các nhà khoa học thuộc Trung tâm địa chất Thành Đô (Trung Quốc) đã tiến hành khai quật một khu khảo cổ tại vùng núi Luoping ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Tiến sĩ Shixue Hu, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết trên tờ Daily Mail: “Chúng tôi phải mất 3 năm để khai quật khu vực rộng lớn này. Nhưng có lẽ, chúng tôi sẽ phải mất ít nhất 10 năm nữa để nghiên cứu và phân tích hàng nghìn mẫu hóa thạch vừa tìm được”.
Toàn bộ bộ xương của các sinh vật cổ đại bao gồm cả động vật ăn thịt như saurichthys được phát hiện. (Ảnh: Daily Mail).
Các nhà khoa học đã tìm thấy gần 20.000 hóa thạch của các sinh vật tại khu khảo cổ Luoping, bao gồm hóa thạch của các loài giáp xác, nhím biển, các loại động vật săn mồi dưới nước, các loại thực vật khổng lồ, ... Những hóa thạch này ước tính có niên đại khoảng 250 triệu năm, vào cuối kỷ Permian.
Hóa thạch lớn nhất được tìm thấy tại khu khai quật Luoping là của loài thalattosaur – một loài bò sát dưới biển dài khoảng 10m. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện hóa thạch của loài thằn lằn cá có thân hình giống với cá heo ngày nay.
Hóa thạch của một con thằn lằn cá đáng sợ - một trong những động vật săn mồi ở biển, to lớn và cổ nhất. (Ảnh: Daily Mail).
Một nửa số hóa thạch được phát hiện còn khá nguyên vẹn do chúng không bị phá hủy bởi vi khuẩn. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó giúp các nhà khoa học hiểu hơn về cuộc đại tuyệt chủng trong kỷ Permian.
Theo các nghiên cứu khoa học trước đây, một cuộc đại tuyệt chủng của các loài sinh vật đã xảy ra vào cuối kỷ Permian, cách đây khoảng 250 triệu năm, khi các núi lửa lớn trên Trái đất phun trào dữ dội, khiến khí hậu toàn cầu nóng lên đột ngột. Sau sự kiện đột biến này, chỉ có 1/10 loài sinh vật còn sống sót.
Tiến sĩ Michael Benton, nhà cổ sinh vật học thuộc ĐH Bristol nhận đinh, phát hiện mới cũng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự phục hồi và phát triển của các hệ sinh thái trên Trái đất sau cuộc đại tuyệt chủng lớn nhất trong lịch vào cuối kỷ Permian.