Bộ Văn hóa Ai Cập hôm 25/8 cho biết, các nhà khảo cổ vừa phát hiện một di tích thành cổ có lịch sử 3.500 năm tại một thung lũng trên sa mạc ở nước này. Di tích này có niên đại sớm hơn 1.000 năm so với di tích thành cổ đã được phát hiện trước kia.
Các nhà khảo cổ học của Đại học Yale đã phát hiện di tích thành cổ này khi tiến hành khai quật và phác họa con đường cổ đại trên sa mạc miền tây tại thung lũng Umm Rl-Kharga.
Thành cổ này từng nằm trên con đường thương mại tấp nập và phát triển đến đỉnh điểm vào thời kỳ Middle Kingdom (khoảng từ năm 1786 trước Công nguyên đến 1665 trước Công nguyên). Con đường thương mại này nối liền Ai Cập với sông Nile và thung lũng miền Tây và kéo dài tới Darfur, Sudan.
Nhà khảo cổ Jonh Darnell, phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã phát hiện được một di tích tiệm bánh mì cổ đại trong đó có hai lò nướng bánh, một dụng cụ làm bánh bằng gốm. Điều này cho thấy thành phố cổ này từng là một trung tâm ẩm thực quan trọng.