Số lượng cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương đã giảm mạnh 20% trong vòng chưa đầy một thập niên. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân có thể xuất phát từ đợt sóng nhiệt trên biển.
Năm 1972, con cá voi lưng gù có biệt danh Festus lần đầu tiên được phát hiện ngoài khơi phía đông nam Alaska (Mỹ).
Số lượng cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương giảm 20% chỉ trong chưa đầy một thập niên. (Ảnh: Deep Blue Charters).
Suốt 44 năm sau đó, nó đã quay trở lại đây vào mỗi mùa hè để kiếm ăn ở vùng nước lạnh, giàu dưỡng chất tại Bắc Thái Bình Dương trước khi đến Hawaii sinh sản trong mùa đông.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2016, xác Festus được phát hiện ở công viên quốc gia Glacier Bay. Nguyên nhân chính là chết đói - điều mà các nhà khoa học tin rằng có khả năng do làn sóng nhiệt khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận ở biển gây ra, theo Guardian.
Nghiên cứu mới, được công bố vào ngày 28/2 bởi Royal Society Open Science, cho thấy quần thể cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương đã giảm 20% trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2021, sau khi nước ấm hơn làm đảo lộn hệ sinh thái.
“Đợt nắng nóng trên biển (2014-2016) thực sự làm giảm sự sinh sản của đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể cá voi lưng gù”, Ted Cheeseman - nhà sinh vật học tại Đại học Southern Cross ở Lismore (Australia), đồng thời là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Cá voi lưng gù Festus, đã chết gần Vịnh Glacier vào tháng 6/2016. (Ảnh: Craig Murdoch/NOAA Marine Mammal Health and Stranding).
Cá voi lưng gù có thể nặng tới 40 tấn và dài tới 17m, nổi tiếng với khả năng “sáng tác" những bài hát du dương dưới biển sâu và màn trình diễn hấp dẫn khi nhảy khỏi mặt nước. Nhưng loài động vật này suýt bị tuyệt chủng do hoạt động săn bắt trong hàng thế kỷ.
Đến năm 1976, số lượng cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương có thể đã giảm xuống còn 1.200-1.600 cá thể.
Sau khi Ủy ban săn bắt cá voi quốc tế cấm đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại vào năm 1982, số lượng cá voi lưng gù đã có sự phục hồi đáng kể.
Nghiên cứu mới ước tính đỉnh điểm có gần 33.500 cá thể ở Bắc Thái Bình Dương vào năm 2012. Tốc độ tăng trưởng trung bình là 6% từ năm 2002 đến năm 2013.
Xu hướng tăng này kéo dài suốt 40 năm và ấn tượng đến mức loài cá voi lưng gù đã được gỡ khỏi danh sách Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Mỹ vào năm 2016.
Tuy nhiên, cùng năm đó, một đợt sóng nhiệt khắc nghiệt trên biển tiếp tục làm vùng nước ở phía đông bắc Thái Bình Dương ấm lên. Nhiệt độ nước biển cao nhất ghi nhận được từ năm 2014 đến năm 2016 cao hơn mức trung bình 3-6 độ C.
Điều này làm giảm lượng dinh dưỡng cho thực vật phù du (phytoplankton), loài thực vật nằm ở đáy của chuỗi thức ăn biển. Kết quả, tác động lan rộng khắp hệ sinh thái, dẫn đến ít thức ăn hơn cho mọi sinh vật từ cá mòi, chim biển đến sư tử biển.
Sóng nhiệt kéo dài có thể khiến cá voi và các động vật biển khác chết đói. (Ảnh: Marine Mammal Research Program/Pacific Whale Foundation).
Nghiên cứu mới cho thấy khoảng 7.000 cá thể cá voi lưng gù đã biến mất khỏi Bắc Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2021. Sự sụt giảm này có thể là do thiếu thức ăn.
“Đó chắc chắn là sự kiện tử vong bất thường”, Cheeseman nói. “Cá voi lưng gù có chế độ ăn rất linh hoạt, có thể chuyển từ tiêu thụ loài nhuyễn thể, sang cá trích hoặc cá cơm... Nhưng khi toàn bộ hệ sinh thái suy giảm số lượng, điều đó sẽ gây tổn hại lớn cho chúng”.
Sóng nhiệt kéo dài có thể là nguyên nhân khiến cá voi và các động vật biển khác chết đói, như trường hợp của Festus.
Cheeseman cho biết hiện tượng này cũng có thể dẫn đến “cá voi gầy”. Những con cá voi này dễ mắc bệnh hơn và có khả năng sinh sản kém hơn.
Nghiên cứu về cá voi lưng gù ở Nam Cực cũng chỉ ra đại dương ấm hơn đồng nghĩa với việc có ít thức ăn hơn cho cá voi, dẫn đến tỷ lệ mang thai thấp hơn.
Ari Friedlaender - nhà sinh thái học tại Đại học California Santa Cruz, người đứng đầu nghiên cứu Nam Cực - tin rằng đợt sóng nhiệt ở biển năm 2014-2016 có thể “tác động đến tỷ lệ mang thai trong quần thể”. Thậm chí, nó còn “dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài động vật nhất định” tại Bắc Thái Bình Dương.
Để ước lượng số cá voi lưng gù trong 2 thập kỷ qua ở Bắc Thái Bình Dương, Cheeseman cùng đồng nghiệp đã sử dụng cơ sở dữ liệu nhận dạng hình ảnh lớn nhất được biên soạn dành cho quần thể cá voi.
Mang tên Happywhale - cơ sở dữ liệu này được tạo thành từ hàng trăm nghìn hình ảnh về đuôi cá voi lưng gù do 46 tổ chức nghiên cứu và hơn 4.000 nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia đóng góp.
Sóng nhiệt có thể là nguyên nhân làm giảm số lượng cá voi ở Thái Bình Dương. (Ảnh: Bekah Lane/the Marine Mammal Center).
Martin van Aswegen, nghiên cứu sinh tại Đại học Hawaii ở Manoa, đã sử dụng máy bay không người lái để nghiên cứu cá voi lưng gù sinh ra ở Hawaii.
Trong 6 năm qua, Van Aswegen tính toán chiều dài, chiều rộng và khối lượng cơ thể của hơn 7.500 con cá voi, theo dõi chúng từ nơi sinh sản tại Hawaii đến nơi kiếm ăn ở phía đông nam Alaska.
Anh sử dụng cơ sở dữ liệu Happywhale để nhận dạng những con cá voi mà anh đo đạc được.
Van Aswegen cho biết, việc thiếu nguồn thức ăn trong đợt sóng nhiệt trên biển “đã dẫn đến tình trạng suy giảm khả năng sinh sản vào năm 2018”. Chỉ có 3 con cá voi lưng gù con bơi từ Hawaii đến Alaska. Vào cuối mùa kiếm ăn, cả 3 con đều mất tích.
Trong đợt sóng nhiệt biển ngắn hơn tàn phá vùng đông bắc Thái Bình Dương vào năm 2021, Van Aswegen nhận thấy trung bình, 24 con cá voi mẹ đã sụt giảm cân nặng sau mùa săn mồi. Trong khi đó, thông thường, những con cá voi mẹ này sẽ tăng khoảng 16 kg mỗi ngày.
"Chúng tôi chưa từng thấy các cá thể cái đang nuôi con giảm cân trong khu vực săn mồi (như vậy)", Van Aswegen nói.