Phát hiện bọ que đậu xanh lưỡng tính đầu tiên trên thế giới

  •  
  • 129

Con bọ que lột xác để lộ cơ thể lưỡng tính với hai nửa khác màu nhau, gây bất ngờ cho chủ nuôi và các nhà sinh vật học.

Charlie là mẫu vật bọ que lưỡng tính đầu tiên trên thế giới.
Charlie là mẫu vật bọ que lưỡng tính đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Paul Brock)

Mang tên Charlie, con bọ que đậu xanh (Diapherodes gigantea) là trường hợp lưỡng tính đầu tiên ở loài này, theo các chuyên gia ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Nó lột xác tại nhà chủ nuôi ở Suffolk, để lộ phần thân màu xanh lá cây sáng của con cái và cánh nâu của con đực. Charlie được đánh giá là mẫu vật đặc biệt ấn tượng. Chủ của Charlie là Lauren Garfield đã tặng nó cho bảo tàng London để nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, con vật sẽ được trợ tử để nghiên cứu trong tương lai, bởi nếu chết tự nhiên, nó sẽ bị khô và mất màu.

Theo Garfield, ban đầu Charlie trông giống những con bọ que khác mà bà nuôi và nhân giống tại nhà. Nhưng khi nó lột xác, mọi người bắt đầu chú ý tới hình dáng kỳ lạ của nó. Bọ que đực có chiều dài cơ thể 9 - 13 cm trong khi bọ que cái dài 14 - 18 cm. Sau khi chụp ảnh, bà gửi Charlie tới bảo tàng để các chuyên gia về côn trùng có thể kiểm tra kỹ hơn.

"Mẫu vật của Garfield có cơ thể màu nâu lớn của con đực ở phía bên phải với cánh sau hoàn chỉnh. Phía bên trái không to như con cái trưởng thành nhưng rộng hơn con đực thông thường và có màu xanh sáng. Ở cá thể lưỡng tính như con bọ que này, bộ phận sinh dục không hình thành hoàn chỉnh nên dù trông giống con đực, nó không thể giao phối với con cái", Paul Brock, chuyên gia về côn trùng ở viện bảo tàng, giải thích.

Bọ que là động vật bản xứ ở 3 hòn đảo Caribe là St Vincent, Grenada và St Lucia. Trong tự nhiên, chúng ăn lá cây ở rừng mưa. Trong môi trường nuôi nhốt, chúng ăn lá bụi gai, khuynh diệp hoặc lá sồi. Chúng tương đối dễ nuôi và có tuổi thọ lên tới một năm khi nuôi nhốt.

Cập nhật: 19/02/2022 Theo VnExpress
  • 129