Hóa thạch 45 triệu năm tuổi ở Pakistan tiết lộ một loài cá tiền sử chưa từng được biết tới với duy nhất một chiếc răng ở hàm trên.
Cấu trúc răng của sinh vật cổ đại này đặc biệt đến mức các nhà khoa học quyết định đặt tên cho nó là Monosmilus chureloides. "Monosmilus" có nghĩa là một răng kiếm, trong khi "chureloides" nhắc tới một con quỷ giống ma cà rồng với những chiếc răng nanh dài trong văn hóa dân gian của một số nước Nam Á, trong đó có Pakistan, nơi hóa thạch được khai quật.
Đồ họa mô phỏng một con Monosmilus chureloides bị kẻ săn mồi tấn công. (Ảnh: Joschua Knüppe).
Theo mô tả, M. chureloides dài khoảng một mét khi trưởng thành. Chúng sống cách đây 45 triệu năm tại vùng biển nông ở Pakistan, cùng thời gian và địa điểm với một số loài cá voi 4 chân như Dalanistes.
Phân tích hóa thạch cho thấy sinh vật chỉ có một chiếc răng duy nhất ở hàm trên giống như răng kiếm. Trong khi đó, hàm dưới có tới 16 răng nanh nhỏ dần về phía sau; chiếc lớn nhất dài 2cm, khoảng 20% chiều dài đầu, theo Alessio Capobianco, tác giả chính của nghiên cứu từ Đại học Michigan, Mỹ.
Cấu trúc răng và xương đầu của M. chureloides. (Ảnh: Novataxa).
"Khi khép miệng, răng hàm trên kéo dài từ chóp miệng xuống tận đáy cằm. Thật khó để giải thích chính xác mục đích của nó. Không có loài cá nào, dù còn sống hay đã tuyệt chủng, có cấu trúc răng tương tự", Capobianco nhấn mạnh. "M. chureloides có thể dùng chiếc răng kiếm này như một cái bẫy, giống những loài cá biển sâu ngày nay, hoặc dùng nó để đâm những con cá khác".
Hóa thạch duy nhất của M. chureloides được khai quật vào năm 1977 bởi nhóm thám hiểm từ Đại học Michigan và Cơ quan Khảo sát Địa chất của Pakistan, nhưng gần đây nó mới được kiểm tra.
Một phân tích giải phẫu cho thấy loài "cá ma cà rồng" này liên quan chặt chẽ với họ Cá cơm ngày nay. "Đó là một bất ngờ lớn, bởi tất cả cá cơm còn sống nhỏ hơn nhiều so với M. chureloides. Hầu hết chỉ ăn sinh vật phù du và có hàm răng rất nhỏ", Capobianco giải thích.
Chi tiết nghiên cứu được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science hôm 13/5.