Khai quật được hộp sọ cá voi 12 triệu năm ở Mỹ

  •  
  • 148

Các nhà khảo cổ đã phát hiện hộp sọ hóa thạch khổng lồ của cá voi sừng tấm tiền sử ở bãi biển Matoaka ở hạt Calvert, bang Maryland.

 Hóa thạch sọ cá voi khỏng lồ được khai quật trên bãi biển Matoaka.
Hóa thạch sọ cá voi khỏng lồ được khai quật trên bãi biển Matoaka. (Ảnh: Bảo tàng Hàng hải Calvert).

Cody Goddard, một người đam mê cổ sinh vật học đến từ Pennsylvania, đang cùng vợ và con trai tìm kiếm răng cá mập trên bãi biển Matoaka thuộc vịnh Chesapeake ở Maryland thì nhìn thấy một hộp sọ bất thường nhô ra từ khối trầm tích. Khám phá này được thực hiện từ tháng 10 năm ngoái, nhưng do kích thước lớn của mẫu vật và trầm tích cứng bao quanh, họ phải mất hơn hai tháng đục đẽo mới lấy được nó ra khỏi bãi biển, AFP hôm 19/1 đưa tin.

Theo Bảo tàng Hàng hải Calvert, đây là hóa thạch sọ cá voi hoàn chỉnh nhất từng được khai quật trong khu vực. Nó dài 1,7m, rộng 46cm và nặng tới 295kg.

Nhà phụ trách cổ sinh vật học Stephen J. Godfrey của bảo tàng lưu ý rằng trọng lượng của hóa thạch chủ yếu đến từ lớp trầm tích hình thành xung quanh hộp sọ chứ không phải từ chính hộp sọ.

"Theo một cách nào đó, lớp trầm tích đã tạo ra chiếc quách giúp chôn cất và bảo quản hộp sọ trong hàng triệu năm, dẫn tới khám phá ngày nay", Godfrey cho biết. "Cảm giác như chúng tôi vừa giành được Cúp Cổ sinh vật học Thế giới".

Phân tích niên đại cho thấy mẫu vật khoảng 12 triệu năm tuổi, thuộc về một loài cá voi tấm sừng hàm sống trong thế Trung Tân. Tương tự các loài cá voi tấm sừng hiện đại như cá voi lưng gù, nó sử dụng một tấm sừng đặc biệt giống như cái sàng để lọc thức ăn từ nước biển, thay vì dùng răng để nhai con mồi.

Godfrey nói thêm rằng họ chưa biết cụ thể đây là loài cá voi tấm sừng tiền sử nào, nhưng điều đó có thể sẽ được tiết lộ khi hóa thạch được chuyển tới phòng thí nghiệm của Bảo tàng Hàng hải Calvert, nơi có các công cụ chuyên dụng để loại bỏ lớp trầm tích xung quanh hộp sọ, một quá trình dự kiến kéo dài nhiều tháng.

Cập nhật: 27/01/2023 VnExpress
  • 148