Phát hiện các phiến đá cổ trong ngôi đền Thổ Nhĩ Kỳ 2.700 năm tuổi

  •  
  • 925

Trong quá trình khai quật tại một ngôi đền mới được phát hiện ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm khảo cổ do trường đại học Toronto đứng đầu đã thu được những phiến đá ra đời từ thời kì đồ sắt giữa các năm 1200 đến 600 trước Công Nguyên. Được tìm thấy ở phần điện trong của ngôi đền, các phiến đá này phần nào tiết lộ tham vọng của đế chế Asyria.

Bộ sưu tập đại diện cho văn minh Tân Asyria xuất hiện ở một ngôi đền của người Hittie mới, giúp phần nào hiểu được tầm ảnh hưởng của tôn giáo trong hệ tư tưởng đế quốc Asyria,” Timothy Harrison, giáo sư khảo cổ thuộc Viện nghiên cứu các nền văn minh Trung Cận Đông, giám đốc dự án Khảo cổ Tayina của đại học Toronto (TAP) cho biết. “Các phiến đá cùng những nội dung hàm chứa trong nó có thể giúp hiểu được tham vọng đế quốc của một trong những vương triều quyền lực nhất của thế giới cổ đại, cũng như ảnh hưởng về mặt văn hóa chính trị tới tận ngày nay ở vùng Trung Đông.” Phần điện trong của ngôi đền này còn chứa cả các đồ dùng bằng vàng, đồng thiếc và kim loại, các bình rượu và các vật dụng tế lễ được trang trí cầu kì.

Hình ảnh một phiến đá chuẩn bị được di dời. (Ảnh: J. Jackson)

Được khám phá một phần vào năm 2008 ở Tell Tayinat, thủ đô xưa kia của Vương quốc Palestin của người Hitttite Mới, ngôi đền nơi phát hiện các phiến đá vẫn giữ được cấu trúc truyền thống như những ngôi đền cùng thời. Nó nằm trong một khu thờ lễ linh thiêng, khu này từng có cả một đài tưởng niệm khắc chữ tượng hình Luwian (một loại chữ Anatoli cổ xưa từng được dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ) mà giờ đây chỉ còn là những mảnh vụn.

“Tayinat bị vua Asyria Tiglath-pileser III phá hủy vào năm 738 trước Công Nguyên, và sau đó bị giáng cấp thành tỉnh lị với bộ máy chính quyền sẵn có,” Harrison nói.

Ngôi đền sau này bị đốt cháy trong một vụ hỏa hoạn lớn, chỉ còn trơ lại gạch và gỗ nhuốm màu than. Nhưng chính những vật liệu bị đốt cháy lại góp phần bảo vệ các vật được phát hiện lần này.

“Người gây ra vụ hỏa hoạn vẫn chưa được xác định, nhưng những gì phát hiện được bên trong ngôi đền này lưu giữ dấu vết về một thời điểm quan trọng trong lịch sử của nó,” Harrison nói.

“Chúng cho thấy cục diện đấu tranh phức tạp về mặt văn hóa và dân tộc của vùng đất nổi tiếng nhiều xáo động này.”

TAP là một dự án quốc tế, có liên quan tới nhiều nhà khoa học đến từ hơn 20 viện nghiên cứu và trường đại học của hàng chục quốc gia. Dự án có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kì, và đem lại nhiều cơ hội nghiên cứu, đào tạo cho cả sinh viên đại học cũng như các nhà khoa học. Dự án nhận được tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn Canada và cũng như sự hỗ trợ từ đại học Toronto.

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 925