Giới khoa học tình cờ tìm thấy một khoảng không gian rỗng trải dài 1,8 tỉ năm ánh sáng.
Các nhà thiên văn học phát hiện phần không gian trống trải dài 1,8 tỉ năm ánh sáng, khuyết thiếu khoảng 10.000 thiên hà. Cấu trúc siêu rỗng (supervoid) nằm trong vùng không gian lạnh hơn nhiều so với phần còn lại của vũ trụ. Đây không phải là chân không, nó chứa lượng vật chất ít hơn khoảng 20% so với các vùng khác và không ngừng mở rộng.
Không gian rỗng kỳ lạ trong vũ trụ trải dài 1,8 tỉ năm ánh sáng. (Ảnh: ESA Planck Collaboration)
Lý thuyết về vụ nổ lớn Big Bang cho phép một số khu vực trong vũ trụ lạnh hơn và nóng hơn, tuy nhiên kích thước của không gian rỗng không phù hợp với các mô hình dự báo, đơn giản vì nó quá lớn để tồn tại.
"Đối tượng là cấu trúc riêng biệt lớn nhất từng được con người phát hiện", Telegragh dẫn lời Istvan Szapudi, chuyên gia Đại học Hawaii ở Manoa, Mỹ, cho hay.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy phần không gian trống này cách Trái Đất ba tỷ năm ánh sáng. Nó đang bị thất thoát năng lượng do ánh sáng truyền qua, khiến khu vực xung quanh đó rất lạnh. Phần không gian trống được khám phá nhờ dữ liệu ghi lại bằng kính thiên văn Pan-STARRS 1 (PS1) đặt tại Haleakala, Maui và vệ tinh WISE của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).