NASA xác nhận vật thể bí ẩn quay quanh Trái đất là tên lửa

  •  
  • 882

Các nhà thiên văn học tại NASA xác nhận vật thể bí ẩn quay quanh Trái đất không phải là tiểu hành tinh mà là một tên lửa 54 năm tuổi.

Theo đài Channel News Asia, vào hôm 2/12, các nhà thiên văn học thuộc Phòng thí nghiệm Lực đẩy Phản lực của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận vật thể bí ẩn quay quanh Trái đất không phải là tiểu hành tinh mà là một tên lửa 54 năm tuổi.

Trước đó, vào tháng 9, vật thể xoay quanh Trái đất này được phân loại là một tiểu hành tinh sau khi được các nhà khoa học phát hiện. Tuy nhiên, chuyên gia về tiểu hành tinh hàng đầu của NASA Paul Chodas đã nhanh chóng đưa ra nghi ngờ về danh tính của vật thể này.

Ông Chodas cho rằng vật thể này là tầng trên của tên lửa Centaur từ tàu vũ trụ Surveyor 2. Đây vốn là tàu vũ trụ thực hiện nhiệm vụ hạ cánh xuống mặt trăng trong chương trình Surveyor không người lái của Mỹ. Tuy nhiên, sứ mệnh này đã thất bại vào năm 1966, từ đó Trái đất mất liên lạc với chiếc tàu này.

Hình ảnh tên lửa Centaur chuẩn bị rời khỏi Trái đất tiến tới mặt trăng vào năm 1966.
Hình ảnh tên lửa Centaur chuẩn bị rời khỏi Trái đất tiến tới mặt trăng vào năm 1966. (Ảnh: AP).

Kết luận của ông Chodas đã được chứng thực sau khi nhóm nghiên cứu do ông Vishnu Reddy thuộc ĐH Arizona dẫn đầu sử dụng kính thiên văn hồng ngoại ở Hawaii để quan sát vật thể này.

Các hình ảnh thu được từ kính thiên văn cho thấy vật thể bí ẩn quay quanh Trái đất chính là một phần của tên lửa Centaur.

Ông Reddy cho biết: “Kết quả này là nỗ lực to lớn của nhóm. Cuối cùng chúng tôi đã có thể giải đáp bí ẩn này”.

Vật thể này chính thức được gọi tên là 2020 SO và tiến hành đi vào quỹ đạo rộng quanh Trái đất từ tháng 9. Vào hôm 1/12, 2020 SO đã tiếp cận điểm gần nhất của nó trên quỹ đạo quanh Trái đất, cách Trái đất chỉ 50.000km.

Các nhà thiên văn học dự đoán 2020 SO sẽ rời khỏi khu vực lân cận vào tháng 3/2021, quay trở lại quỹ đạo chính xung quanh mặt trời. Vật thể này sẽ trở lại Trái đất vào năm 2036.

Cập nhật: 08/12/2020 Theo PLO
  • 882