Phát hiện dấu hiệu của các sao đầu tiên trong vũ trụ

  •   4,34
  • 1.174

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm du hành không gian Goddard của Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) vừa tuyên bố họ đã thu nhận được các bức xạ có thể là dấu hiệu tồn tại của những ngôi sao đầu tiên được hình thành trong buổi bình minh của vũ trụ. Những ngôi sao này là viên gạch hình thành nên hệ thống các sao hiện nay, trong đó có mặt trời của chúng ta.

Các nhà thiên văn học tin rằng vũ trụ được hình thành sau một vụ nổ lớn cách đây 13,7 tỉ năm, và chìm vào bóng tối trong khoảng từ 100-200 triệu năm. Sau đó, khi các nguyên tử hidro bắt đầu kết hợp và giải phóng năng lượng, tạo thành những ngôi sao cực nóng và sáng, có khối lượng lớn hơn từ vài trăm đến một triệu lần so với mặt trời. Những ngôi sao này chỉ tồn tại khoảng thời gian ngắn ngủi vài triệu năm. Tàn tích còn sót lại của chúng có thể chính là bức xạ mà các nhà nghiên cứu NASA thu được.

Nhà thiên văn NASA Alexander Kashlinsky cho biết những bức xạ thu nhận được là thông tin hữu hình và đáng tin cậy đầu tiên, về những ngôi sao này. Phát hiện này, nếu được khẳng định là chính xác, sẽ giúp cho các nhà khoa học xác định xem các ngôi sao sau này được hình thành như thế nào.

Hiếu Trung (Theo AP, Guardian Limited)

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 4,34
  • 1.174