Các nhà khoa học tuyên bố họ vừa phát hiện ra một điểm nóng chứa khí nén trên cực bắc của sao Thổ lạnh giá. Khám phá đầy ngạc nhiên này có thể hé lộ những chi tiết mới về những hành tinh khác trong và ngoài Thái dương hệ.
Nick Teanby - nhà khoa học hành tinh tham gia vào công trình nghiên cứu cho biết, khoa học đã khám phá về một điểm nóng ở cực nam đầy nắng của sao Thổ nhưng dữ liệu do tàu vũ trụ Cassini lại cho thấy vùng cực mùa đông quanh năm chìm trong bóng tối cũng có một điểm tương tự. “Nhờ vào tàu Cassini, chúng ta có thể thấy được cực mùa đông của sao Thổ không thể quan sát được từ trái đất vì độ nghiêng. Chúng tôi không nghĩ rằng ở phía bắc cũng có điểm nóng.”
Các nhà khoa học trình bày trên tạp chí Science rằng điểm nóng này là một vùng nhỏ, nông và nóng hơn lượng khí bao xung quanh nó. Điểm nóng ở cực nam có thể được hình thành nhờ ánh sáng mặt trời còn lượng khí nén tăng cường dồn xuống từ bầu khí quyển có thể là nguyên nhấn khả dĩ nhất của điểm nóng mới được phát hiện ở cực bắc.
Hình ảnh sao Thổ do tàu Cassini gửi về. |
Các nhà khoa học đo được các mức nhiệt độ khác nhau nhờ quang phổ kế hồng ngoại của tàu Cassini được dùng để đo cường độ bức xạ từ bầu khí quyển của sao Thổ. Tàu thám hiểm sao Thổ Cassini được phóng vào vũ trụ năm 1997.
Những bức ảnh dựng lại xác định vị trí điểm nóng ngay trung tâm của cơn lốc xoáy ở cực bắc, một khối không khí di chuyển xoáy với tốc độ cao xung quanh vùng cực.
Teanby cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng thăm dò tầng cao nhất của bầu khí quyển.”
Những phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những hành tinh khí khác trong Thái dương hệ như sao Mộc. Ngoài ra, khám phá này cũng giúp hé lộ thêm những thông tin về số lượng các hành tinh mới được phát hiện quay quanh những ngôi sao khác thay vì những hành tinh vệ tinh của trái đất. Cho đến nay, có trên 230 hành tinh ngoài Thái dương hệ được phát hiện. Teanby cho rằng: “Nếu chúng ta tìm hiểu được những gì diễn ra trong bầu khí quyển, chúng ta có thể liên hệ điều này với những hành tinh khác và những hành tinh ngoài Thái dương hệ đang được khám phá.”