Các nhà nghiên cứu ở Anh vừa phát hiện hai loài mới thuộc bộ giáp chân hai loại (amchipod) chuyên ăn xác cá voi.
UPI hôm qua đưa tin, các nhà nghiên cứu ở Trung tâm hải dương học quốc gia, Southampton, Anh, vừa tìm ra hai loài sinh vật biển mới có hình dáng giống tôm. Chúng được phát hiện tại vùng biển phía tây nam Ireland, trong những chiếc bẫy lồng đặt sẵn cá thu đặt dưới độ sâu 4.800 mét dưới mực nước biển.
Cận cảnh hình dáng của sinh vật biển thuộc họ Paracallisoma mới được phát hiện. (Ảnh: Trung tâm hải dương học quốc gia.)
Khi nhóm nghiên cứu thu lại bẫy lồng, họ đã tìm thấy 40.000 con giáp xác thuộc 9.500 loài, trong đó có hai loài mới thuộc họ Haptocallisoma và Paracallisoma.
Giáp xác là nguồn thức ăn chủ yếu của cá voi. Nhưng khi cá voi chết và chìm xuống đáy biển, chúng lại trở thành mồi của các loài giáp xác. Tương tự con giòi trên đất liền, những động vật giáp xác nhỏ trong nhóm amphipod giúp dọn sạch thịt phân hủy ở đáy biển.
Giống như các loài amphipod khác, những sinh vật mới được phát hiện cũng ăn xác thối của động vật biển như cá voi. Chúng có thể ăn sạch sẽ xác chết của một con lợn trong vòng vài ngày.
"Nhóm động vật giáp xác chân hai loại vô cùng phong phú và dễ thích nghi; hiện nay có khoảng 10.000 loài đã được biết đến. Chúng sống trong mọi môi trường hải dương, từ những vùng nước nông đến những rãnh nước sâu nhất dưới lòng biển, trên đất liền và cả nơi nước ngọt," nhà nghiên cứu Tammy Horton cho biết.