Các nhà khoa học Nhật Bản ngày 28/2 vừa qua cho biết họ tin rằng có một hành tinh khác bằng 2/3 Trái đất của chúng ta đang quay quanh quỹ đạo ở vòng ngoài của Hệ Mặt trời.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Koke, miền tây Nhật Bản cho biết, các tính toán trên máy tính đã dẫn họ đến kết luận việc tìm thấy “Hành tinh X” bí ẩn sẽ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. “Do nhiệt độ rất lạnh, nên bề mặt của nó có thể được bao phủ trong băng, amoniac đóng băng và khí mêtan”, giáo sư Tadashi Mukai, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của trường cho biết.
Nghiên cứu của giáo sư Mukai và nhà nghiên cứu Patryk Lykawka sẽ được đăng tải trên tạp chí Thiên văn học của Mỹ trong số tháng 4 tới. “Có nhiều khả năng có một thực thể giống hành tinh chưa được biết đến, lớn bằng 30-70% Trái đất, tồn tại ở vòng ngoài của Hệ Mặt trời”, nghiên cứu của các nhà khoa học kết luận.
“Nếu tiến hành nghiên cứu sâu hơn, hành tinh này chắc chắn sẽ được tìm thấy trong vòng chưa đầy 10 năm nữa”.
Hành tinh X, tên được các nhà khoa học đặt cho, có thể có quỹ đạo hình elip thuôn, quay quanh mặt trời 1.000 năm một vòng. Các nhà khoa học có được thông số này nhờ ước đoán bán kính của nó khoảng từ 15-26 tỷ km.
Nghiên cứu trên được đưa ra sau hai năm toàn bộ sách giáo khoa bị viết lại khi Diêm Vương bị loại khỏi danh sách hành tinh trong Hệ Mặt trời.
Diêm Vương do nhà thiên văn học người Mỹ Clyde Tombaugh phát hiện vào năm 1930 trong vành đai Kuiper, vành đai với bụi bị đóng băng ở vòng ngoài của Hệ Mặt trời. Năm 2006, gần một thập kỷ sau khi Tombaugh qua đời, Hiệp hội thiên văn học quốc tế đã kết luận rằng Diêm Vương chỉ là một hành tinh lùn trong vành đai Kuiper. Cũng theo định nghĩa được đưa ra vào ngày 24/8/2006 của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế, mọi vật thể trong Hệ Mặt trời (ngoại trừ Mặt trời) được phân vào một trong ba thể loại là hành tinh, hành tinh lùn và vật thể nhỏ trong Hệ Mặt trời.