Phát hiện hóa chất độc hại trong các sản phẩm tạo mùi thơm

  •  
  • 2.199

Nghiên cứu của trường đại học Washington về các sản phẩm giặt là và chất làm mát không khí bán chạy nhất đã phát hiện các sản phẩm này giải phóng hàng chục hóa chất khác nhau. 6 sản phẩm xét nghiệm có giải phóng ít nhất một loại hóa chất độc hại hoặc nguy hiểm theo quy định của luật liên bang, nhưng không chất nào trong số nói trên được liệt kê trên nhãn sản phẩm. 

Anne Steinetmann – giáo sư đại học Washington về ngành kĩ thuật môi trường và dân dụng cho biết: “Tôi hứng thú với chủ đề này ban đầu vì mọi người nói với tôi rằng chất làm mát không khí trong phòng nghỉ công cộng cũng như hương thơm từ các sản phẩm giặt là thoát ra bên ngoài làm họ cảm thấy mệt mỏi. Lúc đó tôi muốn biết thứ gì trong các sản phẩm đó gây ra hiện tượng này”.

Bà đã phân tích các sản phẩm để nhận diện các thành phần hóa học. “Tôi rất ngạc nhiên bởi cả số lượng cũng như độc tính tiềm tàng của các chất hóa học phát hiện được”. Các chất hóa học bao gồm axeton - thành phần hoạt tính trong chất pha loãng sơn và chất tẩy rửa sơn móng tay; limonene – phân tử có mùi hương giống mùi cam quít; và acetaldehyde, chloromethane và 1,4-dioxane.

Gần 100 chất hữu cơ dễ bay hơi được giải phóng ra từ 6 sản phẩm, không chất nào được liệt kê trên nhãn dán. Thêm vào đó, 5 trong số 6 sản phẩm giải phóng một hoặc nhiều hơn chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm gây ung thư vốn được Cơ quan bảo vệ môi trường coi là không có ngưỡng tiếp xúc an toàn nào cả”, Steinemann cho biết.

Các nhà khoa học phát hiện các sản phẩm giặt là và chất làm mát không khí bán chạy nhất được xét nghiệm có giải phóng ít nhất một chất hóa học độc hại hoặc nguy hiểm theo quy định của luật liên bang, nhưng không chất hóa học độc hại nào được liệt kê trên nhãn sản phẩm. (Ảnh: iStockphoto/Nicholas Homrich)

Nghiên cứu của bà được đăng tải trực tuyến trên số ra ngày 23 tháng 7 trên tờ Environmental Impact Assessment Review. Steinemann không tiết lộ tên của 6 sản phẩm bà thử nghiệm. Trong một nghiên cứu lớn hơn với 25 sản phẩm làm sạch hoặc sản phẩm chăm sóc cá nhân, sản phẩm làm mát không khí và sản phẩm giặt là hiện đã được xem xét để xuất bản, bà phát hiện rất nhiều hãng có chứa các chất hóa học tương tự.

Do các nhà sản xuất sản phẩm dành cho người sử dụng không bắt buộc phải tiết lộ thành phần, Steinemann đã phân tích các sản phẩm để biết được thành phần của chúng. Bà nghiên cứu 3 loại sản phẩm làm mát không khí phổ biến (địa khử mùi dạng rắn, nước xịt và dầu) cùng với 3 sản phẩm dùng trong hiệu giặt là (tấm làm khô, chất làm mềm sợi vải và chất tẩy rửa) của các thương hiệu bán chạy nhất trong danh mục phân loại. Bà đã mua các dụng cụ gia đình tại cửa hàng tạp phẩm rồi lấy mẫu sản phẩm từ các công ty. Trong phòng thí nghiệm, mỗi sản phẩm được đặt tại một nơi riêng rẽ ở nhiệt độ phòng. Không khí xung quanh được phân tích với các chất hữu cơ dễ bay hơi và các phân tử nhỏ bay hơi từ bề mặt sản phẩm vào không khí.

Kết quả cho thấy 58 hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có nồng độ trên 300 microgram trên 1 met khối, rất nhiều chất có trong nhiều trong số 6 sản phẩm kể trên. Ví dụ, chất làm mát không khí có chứa trên 20 hợp chất hữu cơ dễ bay hơi khác nhau. Trong số đó, 7 hợp chất được quy định là độc hai hoặc nguy hiểm theo luật pháp liên bang. Nhãn sản phẩm không liệt kê thành phần nào trong số đó. Thông tin trên Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất (Material Safety Data Sheet – MSDS) rất cần thiết với việc điều chỉnh thành phần hóa học trong sản phầm đã liệt kê các hợp chất kể trên là “hỗn hợp dầu thơm”.

Nghiên cứu không khẳng định mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với các chất hóa học và sức khỏe. Tuy nhiên hai cuộc khảo sát quy mô quốc gia do Steinemann và một cộng sự công bố năm 2004 và 2005 phát hiện khoảng 20% dân cư thông báo có các hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe từ sản phẩm làm mát không khí; và khoảng 10% người dân phàn nàn về hậu quả không tốt từ các sản phẩm giặt là bay hơi ra môi trường ngoài. Những người mắc bệnh hen suyễn cũng phàn nàn gấp đôi.

Nhà sản xuất không buộc phải liệt kê thành phần sử dụng trong các sản phẩm giặt là và sản phẩm làm mát không khí. Các sản phẩm chăm sóc cá nhân và sản phẩm làm sạch thường chứa các chất hóa học có mùi thơm tương tự. Mặc dù Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kì yêu cầu các hãng mỹ phẩm phải liệt kê thành phần sản phẩm, nhưng lại không hề có luật nào yêu cầu sản phẩm thuộc bất kì danh mục nào phải liệt kê chất hóa học tạo mùi hương.

Steinemann cho biết: “Chất hóa học tạo mùi hương được quan tâm đặc biệt bởi người ta có thể vô tình tiếp cận với chúng hay các mùi đã qua sử dụng”.

Bà nói thêm: “Cần phải cẩn thận nếu bạn mua sản phẩm có hương thơm bởi thực sự bạn không biết chúng có thành phần nào. Tôi muốn nhãn sản phẩm phải chi tiết hơn. Vào lúc này tôi khuyến cáo rằng thay vì sử dụng sản phẩm làm mát không khí chúng ta nên sử dụng hệ thống thông gió. Còn với các sản phẩm giặt là, người sử dụng nên chọn sản phẩm không có mùi thơm”. Liên minh Châu Âu mới đây đã ban hành luật yêu cầu sản phẩm phải liệt kê 26 hóa chất có mùi thơm khi chúng có nồng độ vượt quá nồng độ tiêu chuẩn trong các sản phẩm làm đẹp cũng như chất tẩy rửa. Nhưng ở Hoa Kỳ chưa có luật nào quy định như thế.

Steinemann cho biết: “Tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ nâng cao nhận thức của công chúng, đồng thời giảm khả năng tiếp xúc với các chất hóa học có hại”.

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
  • 2.199