Phát hiện hóa thạch chuồn chuồn 200 triệu tuổi y hệt loài hiện đại ở Anh

  •  
  • 175

Hóa thạch của sinh vật mới được tìm ra thuộc họ Liassophlebiidae, một nhóm chuồn chuồn nhỏ đã tuyệt chủng. Mẫu vật có cánh trước không hoàn thiện dài 4,2 cm và rộng 1 cm.

Theo Sci-News, họ Liassophlebiidae là một phần của siêu bộ côn trùng Odonatoptera, một trong những dòng dõi côn trùng có cánh lâu đời nhất trên Trái đất, có thể đã hiện diện từ kỷ Than Đá.

Hóa thạch cánh chuồn chuồn vừa được khai quật ở Anh
Hóa thạch cánh chuồn chuồn vừa được khai quật ở Anh - (Ảnh: HISTORICAL BIOLOGY).

Chúng đã phát triển ngoạn mục trong kỷ Tam Điệp và đặc biệt hơn là vượt qua đại tuyệt chủng Tam Điệp - Jura khoảng trên dưới 200 triệu năm trước, một trong những sự kiện tuyệt chủng lớn trong liên đại Hiển sinh, đã tàn sát ít nhất một nửa các loài trên hành tinh.

Niên đại của mẫu vật cũng xấp xỉ niên đại của sự kiện đại tuyệt chủng và là mẫu vật cổ xưa nhất trong họ Liassophlebiidae được tìm thấy, cho thấy nguồn gốc sâu xa của dòng họ này trước khi trỗi dậy đa dạng trong kỷ Jura.

Theo nhà cổ sinh vật học Emily Swapy của ĐH Mở (Anh), mẫu vật mới bao gồm cánh trước không hoàn thiện dài 4,2 cm và rộng 1 cm.

Phiến hóa thạch được thu thập từ mỏ đá Bowdens ở hạt Somerset, thuộc phần dưới của hệ tầng White Lias, từng hé lộ rất nhiều mẫu vật có giá trị.

Phần cánh này được bảo tồn chi tiết đến kinh ngạc, một điều rất hiếm thấy đối với các mẫu vật lâu đời như vậy.

Với niên đại được xác định cụ thể là 202 triệu năm, con chuồn chuồn cổ đại này đã được sinh ra vào cuối kỷ Tam Điệp, tức nó và dòng họ đại diện cho nhóm trực tiếp đối đầu với đại tuyệt chủng, tồn tại để rồi phát triển mạnh mẽ, lấp đầy các hốc sinh thái ngay sau khi môi trường trở nên thuận lợi hơn.

Kinh ngạc hơn, hình ảnh được các nhà khoa học tái hiện cho thấy con chuồn chuồn hơn 200 triệu tuổi này "ngoại hình" y hệt chuồn chuồn hiện đại.

"Chân dung" chuồn chuồn của kỷ Tam Điệp
"Chân dung" chuồn chuồn của kỷ Tam Điệp - (Ảnh: HISTORICAL BIOLOGY).

Phát hiện này là mảnh ghép quan trọng để lấp đầy "gia phả" của loài chuồn chuồn, cũng như góp phần thêm vào bức tranh lớn về cách mà côn trùng đã phát triển mạnh mẽ trên địa cầu và trở thành nhóm sinh vật đông đảo nhất ngày nay.

Cập nhật: 04/11/2023 NLĐ
  • 175